Đặc điểm kiến trúc chùa Hoa ở Bình Định
16:54', 12/10/ 2012 (GMT+7)

Chùa Bà-Nước Mặn (Tuy Phước) trong ngày lễ hội. (ảnh:Internet)

Ở Bình Định hiện nay còn nhiều dấu tích kiến trúc chùa, hội quán của người Hoa. Các công trình được phân bố từ các huyện: Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy phước, thị xã An Nhơn và có lẽ nhiều nhất là thành phố Quy Nhơn.

Thể hiện quá trình hội nhập của người Hoa

Trong số các chùa người Hoa ở Bình Định, có một số được xây vào khoảng cuối thế kỷ XVIII (cách nay trên 200 năm), một số khác muộn hơn vào cuối thế kỷ XIX  hoặc đầu thế kỷ XX. Quá trình hình thành các ngôi chùa Hoa gắn liền với lịch sử định cư của người Hoa ở Bình Định.

Vào cuối thế kỷ XVII, nhiều nhóm dân người Trung Hoa từ phía nam Trung Quốc và miền Duyên Hải được phép của Chúa Nguyễn đã đến định cư dọc theo Duyên Hải miền Trung Việt Nam, trong đó có Bình Định. Kiến trúc chùa người Hoa ban đầu cũng đơn giản, chỉ là nơi thờ tạm bợ, cùng với một cơ sở hội quán, nơi tạm trú của người Hoa mới đến Việt Nam. Có lẽ chính vì điều đó nên về sau này nhiều chùa Hoa còn là trụ sở của các hội quán người Hoa theo địa phương hoặc theo nhóm ngôn ngữ. Những ngôi chùa Hoa được trùng tu, hoặc xây cất lại toàn bộ và thêm những ngôi chùa Hoa khác được dựng lên.

Thật thú vị cũng từ khá sớm, có những ngôi chùa Hoa không chỉ là của riêng người Hoa, mà còn có sự đóng góp xây dựng của bà con người Việt và người Việt cũng chia sẻ những niềm tín ngưỡng của người Hoa. Ngược lại trong các chùa Hoa cũng dần dần chấp nhận giao lưu kiến trúc, trang trí mang màu màu sắc văn hóa Việt, những sinh hoạt tôn giáo Việt cùng các dân tộc anh em khác. Trên bình diện tôn giáo tín ngưỡng nói riêng và văn hóa nói chung chùa là một thể hiện rõ nét về quá trình hội nhập của người Hoa vào cộng đồng người Việt từ rất sớm.

Đặc điểm kiến trúc

Có thể dễ dàng nhận biết các chùa Hoa trong toàn bộ cảnh quan nhờ những đặc điểm kiến trúc với vẻ bề ngoài mang màu sắc rực rỡ, tươi vui của cổng chùa, mái chùa nhờ nghệ thuật trang trí đặc sắc. Thông thường các chùa Hoa được xây dựng theo hình chữ Quốc hoặc chữ Khẩu cũng có người gọi là hình trái ấn. Với kiểu kiến trúc hình chữ quốc có thể nhận ra do kết cấu của các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau và tạo ra một khoảng không gian ở giữa gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).

Không gian chùa Hoa có các  phần chính như:

- Sân chùa: Tùy theo địa thế kiến lập chùa rộng hẹp khác nhau, những chùa Hoa càng cổ xưa sân chùa càng rộng rãi, có thể chứa hàng ngàn người xem diễn tuồng vào các ngày lễ tiết. Những ngày lễ chính của chùa, trên sân chùa có dựng sân khấu mời các đoàn hát Quảng hát Tiều biểu diễn. Những chùa xây dựng về sau sân chùa thường hẹp.

- Cổng (cửa) chùa: Thông thường trước cổng chùa người Hoa thường có hai con Kỳ Lân (nếu là chùa thờ nữ thần hay văn thần), hoặc hai con sư tử đá (nếu là chùa thờ nam thần và phái võ) đứng chầu hai bên. Các chùa Hoa ở Bình Định hiện nay không còn con sư tử nào.

- Tiền điện: Là gian trước của chùa ngay khi bước vào cổng. Ngoài bức bình phong chạm trổ chặn cửa chùa, gian tiền điện bài trí thoáng đãng. Với các chùa Hoa thờ các vị chính là Quan Công thì ở gian này bày con ngựa gỗ sơn đỏ, đủ yên cương, tức con ngựa Xích Thố của Quan Công. Một số chùa ở gian này có bày thêm bàn thờ Thổ Địa, Thần Tài, hoặc bàn thờ Ông Bổn.

- Trung Điện: Phần Trung điện thường là nơi bày các bộ lư lớn bằng đá, xi, măng có cẩn gốm sứ; một số bàn để để đặt lễ dâng cúng, cũng có bàn xi măng đúc sẵn  đủ để bày một con heo quay. Một vài chùa, khu trung điện còn bày một bộ Bát Bửu với 18 môn binh khí đặt hai bên.

- Chính điện: Đây là gian thờ chính. Nơi đây đặt bàn thờ, hương án của vị thần được thờ, như chùa Ông sẽ là bàn thờ Quan Công với thân tượng cao, đen phía trước có trượng Quan Bình, Châu Xương. Nếu là chùa Bà là bàn thờ bà Thiên Hậu, áo dát vàng nền kim tuyến, nhỏ hơn sẽ là bàn thờ Thần Tài, Ông Bổn, Dược sư, bà Thai Sanh, Ngũ Hành, Nương Nương…Trước điện thờ là các bàn để lễ vật bái hoặc bộ “ngũ” thu nhỏ, phần còn lại là các bức phù điêu chạm khắc những điển tích liên quan đến nhân vật được thờ, hoặc những huyền thoại như “bát tiên quá hải”, cầm ,kỳ, thi, họa…

- Sân thiên tỉnh: Hầu hết các chùa Hoa đều có một khoảng trống bên trong không lợp mái gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Sân thiên tỉnh nằm giữa các gian điện, diện tích rộng hẹp khác nhau. Phần sân này được tính toán khi kiến trúc, mục đích là điều chỉnh ánh sáng tự nhiên vào trong các gian điện, tạo nên không khí trang nghiêm, u nhã.

- Hành lang và các gian phụ: Các hành lang thường nằm hai bên gian chính điện, nối giữa các điện, tạo thành lối đi, tạo nên một không gian chuyển tiếp giữa các điện thờ, các vị thần, nhân vật phụ rải rác dọc các hành lang như bàn thờ ông Bổn, Thần Tài, Thổ Địa.

Những phần kiến trúc trên đây của các chùa Hoa không hoàn toàn giống nhau, vì phụ thuộc vào vị trí, diện tích xây dựng.

Kiến trúc chùa Hoa trở thành một thành tố không thể thiếu trong nền cảnh chung của kiến trúc Việt ở các thị tứ, thị trấn, thị xã… Đáng tiếc là hiện nay ở Bình Định chỉ một vài ngôi chùa Hoa được phục dựng phát huy khá tốt như chùa Bà - Nước Mặn (Tuy Phước), còn lại phần lớn các chùa Hoa bị bỏ hoang phế.

  • TS. Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NHỮNG CƯ DÂN ĐẦU TIÊN PHỦ HOÀI NHƠN THỜI MỞ CÕI  (04/10/2012)
CƠ CẦU TỔ CHỨC LÀNG XÃ AN NHƠN THẾ KỶ XIX  (25/09/2012)
HOÀI NHƠN: CÁI NHÌN ĐỊA LÝ, VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ  (14/09/2012)
Nước Mặn - Đô thị cổ  (04/09/2012)
25 năm - ghi nhận một chặng đường  (31/08/2012)
Nhơn Châu từ góc nhìn lịch sử  (30/08/2012)
Dốc sức giữ màu thổ cẩm  (25/08/2012)
TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ  (22/08/2012)
Gò Thị-Di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đất Vĩnh Thạnh  (13/08/2012)
BÌNH ĐỊNH – KHÔNG CHỈ LÀ “ĐẤT VÕ”…  (04/08/2012)
Khu Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công: Ấn tượng một vùng quê xứ Quảng  (03/08/2012)
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Sơn - một niềm tự hào của người xứ Nẫu  (31/07/2012)
Sống mãi những anh hùng…  (26/07/2012)
Người đầu tiên phát hiện hang yến ở Quy Nhơn   (24/07/2012)
Chùa Thắng Quang  (15/07/2012)