|
Chiếc máy bay Mig 21 do Anh hùng Phạm Tuân điều khiển đã bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ năm 1972. |
Nhiều nhân chứng lịch sử đã tụ hội tại TP Hồ Chí Minh để tham dự cuộc tọa đàm "Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể" nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không". Những ngày tháng hào hùng không bao giờ quên trên mảnh đất Thủ đô 40 năm về trước được tái hiện đầy xúc động, thiêng liêng, tự hào…
Dù sinh ra trên quê hương "5 tấn" - Thái Bình, thế nhưng trong ký ức của Trung tướng Phạm Tuân, người phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay B52 luôn chan chứa những ký ức về một Hà Nội kiên cường, bất khuất trước bom đạn kẻ thù. Ông tâm sự, được mời vào TP Hồ Chí Minh tham dự buổi tọa đàm là một vinh dự lớn, vì đây là dịp để ông và đồng đội họp mặt, ôn lại kỷ niệm.
"Chúng tôi đã phải rất vất vả để chống lại "pháo đài bay bất khả xâm phạm" của không lực Mỹ. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, chúng tôi đã không lùi bước. Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc… rồi nhiều pháo đài bay B52 đã bị bắn hạ là điều phi thường trong lúc lực lượng không quân của ta nhỏ bé hơn Mỹ rất nhiều vào thời điểm đó". Trung tướng Phạm Tuân ví cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội lúc bấy giờ, không chỉ giáng một đòn bất ngờ vào tham vọng của Mỹ, mà còn cho thấy những người con của Thủ đô đã chiến đấu bằng ý chí, sự khôn ngoan và bằng những cách đánh riêng, sáng tạo, mà rất ít dân tộc có thể làm được.
Một nhân vật lịch sử khác, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 tên lửa Đinh Thế Văn, người đã chỉ huy đơn vị bắn rơi 4 máy bay B52, cũng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng. Ông Văn kể rằng, lúc đó chính quyền Mỹ tuyên truyền rằng B52 sẽ bay vào đánh phá Hà Nội như… đi du lịch, không một vũ khí nào của Việt Nam có thể bắn rơi. Ông đã cùng đồng đội dày công nghiên cứu và nắm được tất cả những đặc điểm, tính năng của máy bay B52. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó của bộ đội tên lửa cùng với ý chí, quyết tâm, cách đánh linh hoạt, khéo léo, thông minh đã khiến nhiều "pháo đài bay" của Mỹ rơi rụng trên bầu trời Thủ đô.
Nhận định về cuộc chiến đấu kiên cường của những người cộng sản anh em, Đại tướng, chuyên gia Liên Xô Anatoli Ivanovich Khiupenen bày tỏ sự cảm phục về một đất nước tuy nhỏ bé nhưng anh dũng, phi thường: "Bản thân chúng tôi cũng không mấy tin tưởng là Việt Nam có thể đánh thắng một trong những lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, mà máy bay B52 là biểu tượng cho sức mạnh hủy diệt của họ. Thế nhưng Việt Nam đã giành được chiến thắng oanh liệt", Đại tướng Anatoli Ivanovich Khiupenen không giấu được xúc động, đôi mắt ông đỏ hoe nhìn sang người hùng Việt Nam bắn hạ máy bay B52 - Trung tướng Phạm Tuân. Hai người đồng chí đã dành cho nhau cử chỉ thân mật, trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của cả khán phòng.
Cùng có mặt tại buổi tọa đàm, nhà quay phim Nguyễn Việt Tùng bồi hồi, xúc động khi xem lại những cuốn băng tư liệu mà chính ông đã ghi lại về cảnh đổ nát mà những cỗ "pháo đài bay" của đế quốc Mỹ gây ra đối với Bệnh viện Bạch Mai, các khu dân cư, các tuyến phố Hà Nội và hình ảnh những chiến sĩ phòng không, không quân, những người lính trẻ Hà Nội vẫn bám phố phường để chiến đấu chống lại sức mạnh hủy diệt từ vũ khí tối tân của kẻ thù. Ông Tùng nhớ lại, một trong những cảnh quay xúc động nhất là cảnh người dân Hà Nội sơ tán khỏi Thủ đô, mà sau này xác định được danh tính của hai mẹ con trong đoàn người sơ tán ấy là bà Lê Thị Hương và chị Nguyễn Thị Phương. Có mặt trong buổi tọa đàm, hai nhân chứng lịch sử - hai mẹ con chị Phương cùng rưng rưng khi xem lại những thước phim quý giá về một thời điểm lịch sử vô cùng thiêng liêng mà oai hùng của Thủ đô.
Cuộc chiến đã lùi xa, trở lại TP Hồ Chí Minh trong một sự kiện đặc biệt, chuyên gia Liên Xô Anatoli Ivanovich Khiupenen bày tỏ sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của đất nước Việt Nam anh hùng: "Tôi còn nhớ như in vào những ngày tháng 12 năm 1972, khi tôi đặt chân đến Hà Nội chỗ nào cũng thấy đổ nát, bầu trời thì rực lửa. Vậy mà giờ đây Hà Nội thật khang trang và tươi đẹp. Tôi coi đó là một chiến thắng nữa của các bạn - chiến thắng trên mặt trận đổi mới, hội nhập".
Trung tướng Phạm Tuân còn nhắc tới kỷ niệm khi tiếp xúc với những phi công Mỹ bị bắn rơi phải cúi đầu khuất phục trước ý chí của quân và dân Hà Nội. "Tôi nhớ lúc gặp một phi công lái B52 của Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò. Lúc đó tôi đã hỏi: "Ông suy nghĩ gì khi bay vào Hà Nội". Viên sĩ quan trả lời: "Vũ khí của không quân Bắc Việt chúng tôi biết hết, gồm có Mig, Sam và một số loại vũ khí khác. Thậm chí chúng tôi còn diễn tập bằng các loại khí tài này và nghĩ rằng bay vào Hà Nội là chuyến bay luyện tập thôi, vào ném bom xong rồi bay ra". Tôi hỏi tiếp: "Vậy giờ ngồi ở đây, ông cảm thấy như thế nào?". "Đúng là chúng tôi chưa đánh giá hết các ông nên giờ chúng tôi mới ngồi ở đây". Trung tướng Phạm Tuân kết luận: "Câu chuyện trên cho thấy rằng, chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng của mình".
Ký ức và những câu chuyện bây giờ mới kể về Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972 được tái hiện giữa thành phố mang tên Bác Hồ như đang thôi thúc trong mỗi người dân thành phố cùng đồng bào Thủ đô và nhân dân cả nước chung niềm tự hào, xúc động được là "người Việt Nam".
. Theo Hànộimới |