|
Diễn tuồng tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Diêu. (ảnh Internet) |
Lê nin từng nói “Một nhân tài văn chương nghệ thuật là một của hiếm mà ta cần phải khuyến khích một cách kiên quyết, liên tục và với sự tế nhị”.
Nhân tài văn chương nói chung đã thế, nhân tài về viết kịch, về sân khấu, theo nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu, lại càng là của hiếm, không chỉ trong phạm vi một nước mà cả trên thế giới. Bởi vậy, Xuân Diệu từng gọi nhà soạn tuồng Đào Tấn là một “Nhân tài nghệ thuật đặc biệt”. Hôm nay, chúng ta cũng có thể dùng cách gọi đầy ngưỡng mộ của Xuân Diệu nói về Đào Tấn để nói về Nguyễn Diêu, thầy dạy chữ và nghiệp sư tuồng của ông.
Trước đây, chỉ mới biết Nguyễn Diêu là tác giả của bộ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu”, tên tuổi của ông Tú ở làng Nhơn Ân, Tuy Phước, Bình Định đã vanh lừng trong giới tuồng cả nước. Nhiều học giả đương thời đã coi bộ tuồng “Ngũ hổ bình Liêu” là một “kỳ thư” sân khấu, có giá trị rất cao về nhân văn và nghệ thuật, một trong những vở tuồng hấp dẫn nhất đối với công chúng, đầu tiên là ở miền Trung và Nam Bộ, sau này là cả nước. Tôi đọc “Ngũ hổ bình Liêu” và hiểu được tại sao vở tuồng này qua cả trăm năm hiện diện trên sân khấu vẫn luôn tươi mới quyến rũ mọi thế hệ người xem. Chính sức sống của mối tình Trại Ba – Địch Thanh, mối tình đã vô hiệu hóa mọi hận thù, mọi định kiến về chúng tộc, quan hệ nước lớn nước nhỏ, mọi ngăn cách của không gian, thời gian, mối tình làm ngời sáng hình tượng một Trại Ba công chúa dũng lược xuất chúng có một trái tim yêu rất cao đẹp mà cũng rất bình dị đã làm nên sức sống kỳ diệu của vở tuồng này.
Chỉ cần là tác giả của một “Ngũ hổ bình Liêu” bất hủ, Nguyễn Diêu đã xứng đáng được đương thời và hậu thế tôn vinh.
Những Nguyễn Diêu không chỉ có “Ngũ hổ bình Liêu”. Nhờ nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, chúng ta được biết ông chắc chắn còn là tác giả của một vở tuồng tuyệt tác khác, vở “Tiết Giao đoạt ngọc” (còn gọi là “Võ Tam Tư chém cáo” hay “Cổ miếu vãn ca”) lâu nay vẫn tồn nghi là của một tác giả khuyết danh hay của Đào Tấn.
Tôi đã từng được xem trích đoạn “Nguyệt Cô hóa cáo”, bây giờ được đọc toàn bộ kịch bản vở tuồng “Tiết Giao đoạt ngọc” và rất thống nhất với nhận định của nhiều học giả và văn nghệ sĩ rằng tác phẩm này của Nguyễn Diêu là một đỉnh cao đáng tự hào của nghệ thuật tuồng. Điểm đặc biệt nổi bật của “Tiết Giao đoạt ngọc” là sức ám ảnh lớn lao từ tấn bi kịch Nguyệt Cô cùng tính hiện đại của những triết lý nhân sinh sâu sắc mà tác phẩm đưa đến cho người xem. Xem “Nguyệt Cô hoá cáo” và đọc “Tiết Giao đoạt ngọc”, tôi cứ nhớ tới tác phẩm nổi tiếng của nhà văn cộng sản Tiệp Khắc Phu xích viết trong trại tập trung của Đức quốc xã với cái tên“Viết dưới giá treo cổ” với nhắn gửi tha thiết tới nhân loại trong thế kỷ 20: Hỡi con người hãy cảnh giác!. Vở tuồng của Nguyễn Diêu dường như cũng nhắc nhở chúng ta điều quan trọng này: Con người hãy cảnh giác trước những đam mê dục vọng của chính mình và cũng cần cảnh giác trước những âm mưu dối lừa tữ những kẻ muốn trục lợi trên những đam mê dục vọng đó. Tâm vóc của tư tưởng nhân văn và sức mạnh nghệ thuật kỳ diệu của “Tiết Giao đoạt ngọc” giúp tôi tin rằng tác phẩm này không chỉ là một kiệt tác của sân khấu Việt Nam mà còn là một kiệt tác của sân khấu thế giới.
Bên cạnh “Ngũ hổ bình Liêu” và “Tiết Giao đoạt ngọc”, Nguyễn Diêu còn là tác giả của vở tuồng “Liệu đố” (Chứa bệnh ghen) vở tuồng nói với chúng ta rằng bệnh ghen, một căn bệnh khó chữa của con người có thể chữa khỏi bằng chính tình thương yêu của đồng loại. Cũng nhờ công phu sưu tầm của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn mà chúng ta có được kịch bản của vở tuồng tưởng đã thất truyền chỉ còn lưu lại mỗi cái tên nghe không có vẻ gì là tuồng. Và như cái tên khá lạ lẫm của nó, “Liệu đố” chứa đựng nhiều khác lạ so với tuồng truyền thống và ngay cả với tuồng Nguyễn Diêu trước đó. Trước hết, cốt truyện tuồng không hề dựa vào tich nào của kịch truyện Trung Quốc mà hoàn toàn do tác giả hư cấu dựa trên thực tế cuộc sống ở nông thôn Việt Nam với những nhân vật hoàn toàn Việt Nam. Thứ hai, nếu tuồng trước Nguyễn Diêu đều là bi hùng kịch, tuồng Nguyễn Diêu trước “Liệu đố” là bi hài kịch (Như “Ngũ hổ bình Liêu”) hoặc bi kịch (Như “Tiết Giao đoạt ngọc”) thì “Liệu đố” có thể coi như một hài kịch trữ tình chưa từng có trên sân khấu tuồng. Đây là một bước phát triển mới của tuồng Nguyễn Diêu trong tiến trình không ngừng mở rộng khả năng thể hiện của nghệ thuật tuồng và làm cho nó ngày càng gần hơn với đời sống con người đương thời mà ông đã bắt đầu thực hiện từ vở “Ngũ hổ bình Liêu” đến vở “Tiết Giao đoạt ngọc”. Đây là hai vở tuồng vẫn mang hình thức sử thi nhưng rất đậm chất tâm lý xã hội. Tới “Liệu đố” thì đã là một vở tuồng tâm lý xã hội trong hình thức đời thường gần giống hình thức một vở kịch tâm lý xã hội hiện đại. Rất có thể sự mới mẻ đó là ngyên nhân làm cho“Liệu đố” ít được dựng diễn thời Nguyễn Diêu nên không được nhiều người biết dù bây giờ đọc vở tuồng mộc mạc bình dị dân giã này bằng con mắt hiện đại ta lại thấy nó rất sôi động hấp dẫn.
Dù các nhà nghiên cứu về tuồng cho biết Nguyễn Diêu còn có một số vở tuồng khác còn chưa sưu tầm lại được nhưng tác giả của các vở tuồng được coi là các tuyệt tác sống mãi với thới gian và những cách tân nghệ thuật tiên phong đó đã rất xứng đáng được gọi là “Một nhân tài nghệ thuật đặc biệt” như người học trò thiên tài Đào Tấn của mình. “Nhân tài nghệ thuật đặc biệt” Nguyễn Diêu càng rất đặc biệt khi đã là một nghiệp sư đào tạo nên bao nghệ si tuồng tài danh không ngừng tiếp nối mình đưa tuồng tới những đinh cao mới.
Cũng cần phải nói tới một điều thật đáng quý ở nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu là ông Tú của làng Nhơn Ân này gần như trọn đời sống ở quê trong một cuộc sống thanh bần, giữa thế đời điên đảo “lấy việc dạy học trò làm niềm vui, lẽ sống, lấy bà con hàng xóm làm nguồn an ủi, lấy toa nhân mặ khách quanh vùng làm bầu bạn, và làm văn chương vì tin rằng văn chương là phép lạ có thể phò chính trừ tà, cứu giúp con người trong mọi hoàn cảnh” như nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Từ đó, có thể nói di sản của Nguyễn Diêu để lại cho chúng ta không chỉ là những sáng tạo tuồng tuyệt tác mà còn là một cách sống cách làm nghệ thuật thật dung dị khiêm nhường. Bằng cuộc đời và sự nghiệp thầm lặng mà quang vinh của mình, nhà soạn tuồng của đất tuồng Bình Định dường như muốn nói với những người hoạt động văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay rằng: dù sống ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu gắn bó tha thiết với cuộc đời, trân trọng yêu thương và thấu hiểu con người, có tài năng, tin vào các giá trị tốt đẹp của văn chương nghệ thuật, kiên trì lao động sáng tạo, ai cũng có thể làm nên một sự nghiệp nghệ thuật xứng đáng.
Chúng ta đã từng nói đến tầm vóc Nguyễn Trãi, tầm vóc Nguyễn Du, tầm vóc Đào Tấn và bây giờ cần nói đến tầm vóc Nguyễn Diêu. Đó là tầm vóc của những nhà hoạt động văn chương nghệ thuật lớn không những của dân tộc mà còn của cả nhân loại.
. Theo Nhà văn Đỗ Kim Cuông/Văn Hiến |