12 ngày đêm ấy…
15:14', 9/12/ 2012 (GMT+7)

Chiếc Mig 21 do phi công anh hùng Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B52.

Trước đợt ném bom của Mỹ bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 dẫn đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, các báo và đài phát thanh ở miền Bắc liên tục báo tin về thái độ lật lọng của Mỹ trên bàn đàm phán. Bằng ý thức chính trị nhạy bén lúc đó, người dân Hà Nội đã nhận thấy sắp có một sự kiện hết sức nghiêm trọng xảy ra. Tôi vội vàng nghĩ đến việc đưa đứa con ba tuổi của mình, mới mang về Hà Nội chữa bệnh, trở lại nơi sơ tán thì B52 ném bom Hà Nội!

Đêm đó, còi báo động rú lên nghe cũng rất lạ, và tiếng cô phát thanh viên xướng lên “đồng bào chú ý…” nghe cũng khác thường. Tôi vội bế con ra chiếc hầm cá nhân trước nhà, nhảy xuống nấp, chứ mọi khi chưa nghe bom rơi gần, tôi cũng chưa xuống hầm theo thói quen của một anh làm báo hay quan sát… Tôi nhớ rất rõ đêm đó trời có trăng. Bởi vì ở những thành phố lớn, ít người để ý đến những đêm trăng. Tôi cũng vậy. Nhưng đêm đó, khi thành phố tắt hết đèn thì trăng hiện ra.

Trời rét. Trăng sáng mờ mờ. Từ dưới hầm nhìn lên, tôi thấy trăng và thấy tường nhà của dãy phố như cao hơn, dựng đứng giữa đêm trăng lành lạnh. Trong cái im lìm của một thành phố đang chờ giặc tới, bỗng tôi nghe từ xa vọng lại âm âm tiếng máy bay. Tiếng này khác với tiếng rít như lửa táp của loại máy bay phản lực. Tiếng ù ù như tiếng xay lúa, nặng trịch, như có một cỗ máy gì rất lớn đang từ từ sấn tới. Không, không phải vậy. Lúc đó tôi có một cảm giác rất rõ, in đậm trong trí nhớ đến tận bây giờ: tôi thấy mình như một nhân vật trong phim Thời hồng hoang, đang ẩn nấp trước một con quái vật sắp nhào tới ăn thịt mình!

Vâng, đúng như vậy, tôi nghe từng tiếng bước chân của nó đang đi tới trên không, tiếng hàm răng nó ăn thịt người rào rào, ăn thịt cả những đứa trẻ con như con tôi đang ôm trong lòng. Cái cảm giác của con người sống giữa thời buổi phố phường văn minh đông đúc mà phải chứng kiến một cảnh của thuở hồng hoang… là cảm giác mãi mãi đọng lại trong tôi đêm đó… Nhưng trong đêm đó, một số B52 bị bắn cháy, một số phi công Mỹ rơi xuống đất bị bắt sống… mọi người đều được nghe, được nhìn tận mắt.

Lúc đó, tôi đang phụ trách ban Miền Bắc của báo Thống nhất ra hàng tuần. Tôi phải phân công anh chị em trong ban chọn điểm, chọn đề tài… đi viết bài sao cho có hiệu quả nhất của một tờ tuần báo. May sao, anh chị em trong ban cũng đều như tôi, có chị nữ phóng viên chọn ngay vùng ga Đông Anh là nơi từ ngày đầu, B52 đánh phá dữ dội và liên tiếp những ngày sau nữa… Tôi ủng hộ chị, nhưng lòng lo lắng vì chồng chị đi B, con chị cũng nhỏ dại như con tôi…

Người khác chọn Khâm Thiên, người chọn Bạch Mai… những điểm bị B52 đánh ác liệt và sau này có những tấm gương dũng cảm, những câu chuyện hết sức xúc động mà mọi người đọc báo đều biết. Còn tôi, lên Ngọc Hà viết một bài ký hơi nặng về tùy bút, tựa là Đất hoa vừa dùng những chi tiết hết sức thời sự vừa có tính lắng đọng suy nghĩ của một bài báo tuần. Tôi muốn làm bật lên sự tàn ác của nhà cầm quyền Mỹ lúc đó, sự bình tĩnh và quyết thắng của người dân Hà Nội…

Xin nhắc lại cho rõ là lúc đó chúng tôi lao vào bom đạn của B52, nhìn cả dãy phố sập đổ, nhìn đồng bào tử nạn la liệt trước mắt mình mà không hề có một ý nào lo sợ. Chỉ có căm thù. Không có sợ hãi, không có quẫn trí. Mọi người ai vào việc nấy, chôn người chết, cấp cứu người còn sống, đánh trả quân thù… Không có không khí hoảng loạn, lo sợ. Chỉ có căm thù và quyết thắng. Vâng, đúng như thế, cả Hà Nội không ai sợ B52, chỉ có căm thù và quyết thắng! Tôi muốn nói rõ điều đó cho những người đang trong cuộc, cho cả những người ở ngoài cuộc đang lo lắng cho Việt Nam, và cho cả thế hệ mai sau, con cháu của chúng tôi.

Từng ngày, từng đêm của 12 ngày đêm ấy lần lượt trôi qua, với những khu phố sập đổ tan tành, với hàng ngàn người chết và với B52 tan xác rực sáng trên bầu trời Hà Nội. Càng đánh, chúng tôi càng nhận ra: chiến thắng đang đến gần, “hòa bình đang ở trong tầm tay”. Sau này, nhớ lại lời Bác Hồ nhắc tướng lĩnh Việt Nam khi Mỹ mới ném bom miền Bắc, đại ý là chúng sẽ dùng B52 đánh Hà Nội “rồi có thua chúng mới chịu thua”, ta mới thấy việc chuẩn bị đánh thắng B52 ném bom Hà Nội đã được lo liệu từ năm, bảy năm trước… theo sự “tiên tri” của Bác Hồ.

Cho nên gần hết 12 ngày đêm đó, khi báo Nhân dân chạy tít lớn ở trang nhất về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” thì người Hà Nội vừa chôn xác người thân của mình bị giết vừa nghĩ: Ta đã thắng!

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)
Di tích Nhà tù Phú Lợi  (03/12/2012)
Đội Tuần dương quân đầu tiên của Việt Nam  (29/11/2012)
Ly kỳ những vị thạch quan ở Lăng Gia Long  (27/11/2012)
Ký ức tự hào về một Thủ đô anh hùng  (25/11/2012)
Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa  (19/11/2012)
Tạo thêm cơ hội phát triển du lịch  (13/11/2012)
Ai là người đầu tiên bắn rơi máy bay B52?  (12/11/2012)
MỐI QUAN HỆ GIỮA THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI VÀ SÔNG CÔN- NỀN TẢNG CHO SỰ PHỒN THỊNH CỦA TIỂU QUỐC VIJAYA  (04/11/2012)
“Điện Biên phủ trên không”: Việt Nam là dân tộc anh hùng   (03/11/2012)
“LẠY VÀ XÁ” TRONG NGHI LỄ VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT Ở MIỀN TRUNG  (07/11/2012)
Ưu tiên nón ngựa Phú Gia và rượu Bàu Đá   (24/10/2012)
ĐỊA GIỚI PHỦ TRẤN BIÊN HOÀI NHƠN XƯA  (21/10/2012)
“Đi tìm lời giải cho bài toán khó”  (14/10/2012)