Chuyện vượt ngục Côn Đảo
10:53', 12/12/ 2012 (GMT+7)

Đồng chí Lê Hồng Tư (trái) & Đồng chí Trần Văn Nhiệm

Nhà tù Côn Đảo được xem là “địa ngục trần gian” đối với các chiến sĩ cộng sản vì địch có thể thủ tiêu họ bất cứ lúc nào. Vì vậy đã có hàng trăm cuộc vượt ngục dũng cảm của các tử tù cộng sản… Nhân kỷ niệm 60 năm ngày diễn ra cuộc vượt ngục Côn Đảo nổi tiếng nhất nước của các tù nhân chính trị (12.12.1952), chúng tôi đã gặp lại nhân chứng một thời...

Cướp tàu vượt ngục

Chàng sinh viên Trần Văn Nhiệm tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại Sài Gòn và bị địch bắt kết án tử hình vắng mặt rồi đày ra Côn Đảo. Ra Côn Đảo, anh xác định “đằng nào cũng chết, phải tìm cách vượt ngục cho bằng được…”. Nghĩ thế anh bí mật gọi anh Nguyễn Văn Bừng và anh Lê Văn Mừng cùng lứa tuổi 20 nghĩ cách vượt ngục. Thấy tên thiếu úy Căn, Chi khu Bến Đầm có một chiếc xuồng khá chắc chắn. 3 anh em gom tiền tiết kiệm lại mua đồ nhậu và rượu ngon để chuốc say mấy tên lính gác. Sau khi đám lính say bí tỉ, anh em ném xương dụ chó becgiê ra xa rồi tranh thủ lẻn ra tàu. Trước khi đi, anh em đắp mền từ đầu đến chân, giả đò ngủ say khiến lính gác không để ý.

Khoảng 10 giờ đêm, khi tất cả bọn lính say mèm, 3 người chặt cây làm cột buồm, dùng chăn làm cánh buồm, rồi chèo xuồng bơi ra biển. Khi xuồng trôi được khoảng 15 km thì trời rạng sáng. Khi mở mắt, các anh thấy Côn Đảo vẫn ngay sau lưng!? Thì ra do sóng đánh nên xuồng không thể đi xa được. Biết vậy, các anh chèo xuồng về phía sau đảo để tránh gió. Sau 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, vừa đói, vừa khát, các anh nhặt được bất cứ thứ gì có thể ăn được để lấy sức đi tiếp. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, liên tục gặp tàu và máy bay địch tuần tra canh gác, cuối cùng các anh cũng dạt đến mũi Cà Mau. Khi nhìn thấy một vệt cây xanh tuyệt đẹp hiện ra, họ ôm nhau reo mừng: “Đất liền kia rồi!”. Đúng lúc đó, một chiếc tàu địch lao đến khiến 3 anh em chết trân: “Thôi rồi, mình bị địch tóm gọn mất…”. Bỗng tàu địch lại rẽ ngoặt về phía Cần Thơ khiến các anh thoát chết trong gang tấc! Họ chèo xuồng qua phần nước biển xanh biếc đến phần nước đục thì reo vang: “Đến đất liền rồi!”. 3 người tấp vào một vạt rừng đước Cà Mau rồi chia nhau đi tìm người dân.

Đến nơi có tiếng đốn cây, các anh thấy mấy người dân gồm cả phụ nữ và trẻ em liền đến giới thiệu: “Chúng tôi là tù vượt ngục Côn Đảo về…”. Thấy gương mặt các anh không phải là gián điệp hay biệt kích nên một người đàn ông nói: “Các anh muốn đi tìm cơ sở cách mạng thì để chúng tôi bịt mắt đưa đi…”.

Thế là sau hơn 2 ngày 3 đêm vượt ngục Côn Đảo, 3 người tử tù đã về đến đất liền, sau đó các anh được đưa về Trung ương Cục miền Nam rồi trở lại Sài Gòn vào tháng 5-1968. Từ đó, các anh tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho đến ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Kể lại câu chuyện vượt ngục hồi tháng 9 năm 1967, ông Trần Văn Nhiệm, người tử tù năm xưa nay đã 76 tuổi đời, 53 tuổi Đảng vẫn không khỏi bồi hồi xúc động: “Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời cách mạng của tôi…”.    

Cuộc vượt ngục đi tìm vũ khí

Sau khi bị địch kết án tử hình tại Sài Gòn, anh Lê Hồng Tư bị đày ra Côn Đảo, giam tại phòng tù cấm cố (tức là không cho đi ra ngoài). Tại đây chúng canh gác Lê Hồng Tư rất nghiêm ngặt, không cho ai đến gần và nói chuyện, trừ y tá và người hớt tóc. Dẫu vậy, Lê Hồng Tư vẫn tìm cách liên lạc với đồng đội. Anh dùng vỏ lon sữa bò, lấy dây kẽm viết “Lê Hồng Tư án tử hình” rồi ném ra ngoài. Khi liên lạc được với đồng đội, Lê Hồng Tư bàn với anh Lê Văn Việt cũng bị án tử hình (là lính biệt động lừng danh phá hủy tòa đại sứ Mỹ, sau này được phong Anh hùng LLVT nhân dân) và anh Phạm Văn Dẫu, du kích Thủ Đức dũng cảm.

Lợi dụng tên lính gác lơ là, một lần Lê Hồng Tư hỏi nhỏ anh thợ hớt tóc: “Anh thấy tàu để ở đâu không?”. Người hớt tóc trả lời: “Ở dưới Sở Lưới đó”. Biết vậy, anh bàn với hai anh em: “Chúng ta phải vượt ngục thôi, dù không thành thì cũng thoát ra ngoài tìm vũ khí chống giặc!”. Khoảng 1 giờ đêm, khi bọn lính ngủ say, 3 anh em trèo tường lên dỡ ngói, lấy ống quần thắt lại làm dây leo qua tường. Khi thoát ra ngoài, 3 anh em tìm thang trèo lên tháp canh để thủ tiêu tên lính gác để vượt hàng rào cao hơn 5m ra ngoài.

Khi ra được bên ngoài, đang đi thì bỗng có người đạp phải cái lon gây tiếng động, thế là địch phát hiện. Chúng gõ kẻng báo động ầm ĩ và xua quân đi truy bắt 3 người. Thấy chúng đuổi theo sát quá, anh Tư liền rẽ hướng khác để đánh lạc hướng địch tạo điều kiện cho 2 anh kia chạy lên núi. Sau 2 ngày ẩn nấp dưới mương, rồi nằm bẹp bên bờ suối, cuối cùng địch cũng bắt được anh Tư, còn anh Việt và anh Dẫu thì 9 ngày sau chúng mới bắt được.

Do biết anh Lê Văn Việt là biệt động Sài Gòn nổi tiếng, lại cầm đầu chuyến vượt ngục nên địch tra tấn anh dã man cho tới chết. Riêng anh Lê Hồng Tư thì bị giam cần suốt 13 năm trời ngoài Côn Đảo, cho đến tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được trở về đất liền. Nhớ về một thời máu và nước mắt trong Nhà tù Côn Đảo, anh Lê Hồng Tư xúc động: “Côn đảo trở thành trường học lớn rèn ý chí cách mạng cho những người tử tù chúng tôi…”.

. Theo SGGPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
12 ngày đêm ấy…  (09/12/2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)
Di tích Nhà tù Phú Lợi  (03/12/2012)
Đội Tuần dương quân đầu tiên của Việt Nam  (29/11/2012)
Ly kỳ những vị thạch quan ở Lăng Gia Long  (27/11/2012)
Ký ức tự hào về một Thủ đô anh hùng  (25/11/2012)
Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa  (19/11/2012)
Tạo thêm cơ hội phát triển du lịch  (13/11/2012)
Ai là người đầu tiên bắn rơi máy bay B52?  (12/11/2012)
MỐI QUAN HỆ GIỮA THƯƠNG CẢNG THỊ NẠI VÀ SÔNG CÔN- NỀN TẢNG CHO SỰ PHỒN THỊNH CỦA TIỂU QUỐC VIJAYA  (04/11/2012)
“Điện Biên phủ trên không”: Việt Nam là dân tộc anh hùng   (03/11/2012)
“LẠY VÀ XÁ” TRONG NGHI LỄ VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT Ở MIỀN TRUNG  (07/11/2012)
Ưu tiên nón ngựa Phú Gia và rượu Bàu Đá   (24/10/2012)
ĐỊA GIỚI PHỦ TRẤN BIÊN HOÀI NHƠN XƯA  (21/10/2012)