Trung tướng Phạm Tuân: Khi phóng tên lửa, tôi tin mình sẽ bắn trúng B-52
11:46', 19/12/ 2012 (GMT+7)

“Gần như không có điều kiện nào để có thể tấn công, tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52, nhưng khi chúng đến thì bằng giá nào máy bay ta cũng phải cất cánh để đánh chặn”, trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Tuân cho biết.

 

Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Tuân.

 

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Phạm Tuân là người đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ từ trên không và trở về an toàn. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn trung tướng Phạm Tuân.

- Trong tâm trí của ông, hình ảnh chuỗi 12 ngày đêm năm 1972  hiện lên như thế nào?

Năm nay là tròn 40 năm kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” nhưng mọi thứ hiện lên trong tâm trí tôi vẫn nguyên vẹn và còn mới nguyên như vừa diễn ra ngày hôm qua. Ngay lúc này đây, tôi vẫn có cảm giác như mình đang ngồi trên máy bay và chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ bầu trời miền Bắc như năm 1972. Trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng ngày kỷ niệm sự kiện quan trọng này, tôi thấy rất phấn khởi và vui mừng.

- Bác Hồ đã căn dặn: Dù Mỹ có B-52, B57 hay B gì đi nữa thì chúng ta vẫn phải đánh, đã đánh là phải thắng. Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc, vì sao sau 9 ngày máy bay địch tấn công miền Bắc, chúng ta mới tiêu diệt được B-52?

Đây thực sự là một vấn đề lớn. Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa thể tiêu diệt được máy bay B-52 của đế quốc Mỹ ngay từ những lúc đầu tiên chúng tấn công miền Bắc.

Thứ nhất, khi địch dùng B-52 đánh ra miền Bắc, đối tượng chính của chúng là hệ thống phòng không – không quân của ta, trong đó chúng đặc biệt chú trọng đến không quân. Các sân bay của ta nằm ở đâu, ta có bao nhiêu máy bay, máy bay loại gì, tập trung ở đâu thì gần như kẻ địch đều nắm rõ và đánh phá rất ác liệt vào các cơ sở không quân của ta.

Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đương đầu với cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ nhưng giữa sự tập luyện của chúng ta và thực tế cuộc chiến diễn ra có những khác biệt mà ta không thể lường hết được. Ví dụ như vấn đề kẻ địch gây nhiễu ra-đa của ta, trong lúc tập luyện ta chưa thể thực nghiệm tình huống này, nên khi vào trận chúng ta đã gặp nhiều khó khăn lúc đầu để đối phó với kẻ địch.

Nguyên nhân thứ ba là kẻ địch tấn công ta với đội hình rất lớn, máy bay hộ tống rất nhiều, trong khi lực lượng của ta còn ít. Bởi vậy, không dễ để phòng không – không quân của ta vượt qua được hệ thống bao vây, đánh chặn để bảo vệ B-52 của đối phương.

Chính vì những yếu tố trên nên chúng ta đã nhiều lần bị chậm thời cơ để tiêu diệt máy bay B-52 của kẻ địch trong những ngày đầu tiên chúng tấn công miền Bắc. Nhiều lần có dù đã phát hiện được kẻ địch nhưng chúng ta không có điều kiện để không kích, tiêu diệt nữa.

Mặc dù vậy, sau khi nghiên cứu rút kinh nghiệm, vượt qua các khó khăn và với quyết tâm cao nhất, chúng ta đã tìm ra được phương án thích hợp để đối phó với các cuộc tập kích đường không, cũng như tiêu diệt máy bay B-52 và các máy bay khác của kẻ địch. Nhờ vậy mà bom đạn từ máy bay Mỹ không thể đánh chính xác vào các trận địa của ta. Không quân ta đã tấn công làm dãn đội hình địch, tạo điều kiện cho phòng không của ta tiêu diệt máy bay địch.

 

Trung tướng Phạm Tuân bên bức ảnh chụp ông và nhà du hành vũ trụ Liên Xô, Viktor Vasilyevich Gorbatko. Ngày 23.7.1980, Phạm Tuân và Viktor Vasilyevich Gorbatko cùng bay vào không gian trên tàu Soyuz 37, từ sân bay vũ trụ Baikonur.

 

- Là phi công đầu tiên xuất kích đêm 18.12.1972, nhớ lại giờ phút đối mặt B-52, cảm xúc của ông lúc đó ra sao?

Vào thời điểm năm 1972, nhiệm vụ tiêu diệt B-52 là vô cùng khó khăn, gần như không có điều kiện nào để có thể tấn công được “siêu pháo đài bay” này. Nhưng chúng ta vẫn phải tìm mọi cách tiêu diệt khi chúng xuất hiện và tấn công miền Bắc. B-52 đến thì bằng giá nào máy bay ta cũng phải cất cánh để đánh chặn.

Dù biết là rất khó nhưng cá nhân tôi và các đồng đội lúc nào cũng quyết tâm cao nhất để bảo vệ bầu trời miền Bắc. Đặc biệt, khi biết B-52 đột ngột tấn công Thủ đô Hà Nội, tôi càng thêm quyết tâm tiêu diệt nó. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là phải tiêu diệt bằng được B-52, không cho nó tấn công, ném bom vào Hà Nội. Tất cả các mục tiêu khác như F4 đều bỏ qua hết, chỉ tập trung vào tấn công tiêu diệt B-52.

- Lúc bấm phóng tên lửa, trong đầu ông nghĩ đến điều gì? Lúc đó, ông có sợ rằng mình sẽ bắn trượt?

Khi bấm nút phóng tên lửa vào B-52, trong tình thế cấp bách đó, tôi chỉ xác định một là mình tiêu diệt được nó, hai là mình bị F4 bắn hạ. Tất nhiên, lúc đó tôi cũng có lo lắng vì biết tiêu diệt được B-52 là nhiệm vụ khó khăn, nhưng vẫn phải quyết tâm hết sức và tin tưởng là mình sẽ làm được. Khi đã nhắm vào mục tiêu rồi thì tôi rất tin là mình sẽ bắn trúng B-52.

- Được phong Anh hùng LLVT khi mới ở tuổi 25, ông cảm thấy thế nào?

Được nhận những khen thưởng của Nhà nước, quân đội, đặc biệt là được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thì tôi cảm thấy rất vui sướng, vinh dự và tự hào khi được nhận danh hiệu cao quý này.

Tuy nhiên, tôi chỉ là đại diện cho đội ngũ phi công, đại diện cho không quân nhân dân Việt Nam nhận danh hiệu cao quý này mà thôi. Mình chỉ là người đưa quả đạn cuối cùng đến máy bay địch. Thành công có được là công lao chung to lớn của rất nhiều người khác. Tôi tự hào về mình bao nhiêu thì tự hào về đồng chí, đồng đội mình, tự hào về phòng không – không quân ta bấy nhiêu.

- Lịch sử ghi nhận ông là người châu Á đầu tiên bay vào không gian. Điều gì khiến ông cảm thấy nhớ nhất, ấn tượng nhất khi đã ở trong không gian trong gần 8 ngày, thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh trái đất?

Bay lên vũ trụ là một việc làm còn rất mới lạ, không chỉ mới ở thời điểm tôi bay lên không gian lúc đó mà vẫn còn mới ngay ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, tất cả những gì xảy ra trong chuyến bay lúc đó, mình ngồi trên đầu quả tên lửa, phóng vào không trung… đều ghi sâu trong tâm trí tôi.

Nhưng điều tôi sâu sắc nhất, nhớ nhất, tự hào nhất là khi tôi bay qua bầu trời Việt Nam mình. Lúc đó nhìn xuống, thấy bờ biển Việt Nam, thấy vịnh Hạ Long… tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc dâng tràn. Những cảm xúc đó tôi sẽ mãi mãi khắc ghi, không bao giờ quên được.

Phạm Tuân sinh ngày 14.2.1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vào đêm 27.12.1972, theo tài liệu lịch sử chính thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Do thành tích này, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 3.9.1973, khi này ông mới 25 tuổi và đang là thượng úy biên đội trưởng thuộc Đại đội 5, trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371.

Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

. Theo BAODATVIET.VN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu tích vương triều Champa ở Cấm Mít  (18/12/2012)
“Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô” giữa mưa bom B52  (17/12/2012)
Chuyện về chiếc chiếu cổ tắm máu anh hùng Nguyễn Trung Trực  (14/12/2012)
Dâng hương tưởng niệm 704 năm ngày Vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn  (13/12/2012)
Chuyện vượt ngục Côn Đảo  (12/12/2012)
12 ngày đêm ấy…  (09/12/2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)
Di tích Nhà tù Phú Lợi  (03/12/2012)
Đội Tuần dương quân đầu tiên của Việt Nam  (29/11/2012)
Ly kỳ những vị thạch quan ở Lăng Gia Long  (27/11/2012)
Ký ức tự hào về một Thủ đô anh hùng  (25/11/2012)
Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa  (19/11/2012)
Tạo thêm cơ hội phát triển du lịch  (13/11/2012)
Ai là người đầu tiên bắn rơi máy bay B52?  (12/11/2012)