Học giả Pháp viết gì về Tướng Giáp?
17:0', 22/12/ 2012 (GMT+7)

Anh học trò trung học Võ Nguyên Giáp say mê nhất môn lịch sử, địa lý và chỉ tạm gác việc đọc sách sử-địa khi bận đến dự các cuộc bàn cãi sôi nổi liên quan đến lịch sử nước nhà - nhà sử học Georges Boudarel viết trong tập sách "Võ Nguyên Giáp" (nguyên bản tiếng Pháp là "Giap").

“Sinh ở An Xá, tỉnh Quảng Bình năm 1910, Giáp lúc nhỏ sống ở một vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung phía Bắc vĩ tuyến 17… Cụ bà thân sinh những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi. Còn cụ ông là một nông dân có học thức tự cày cấy ruộng nhà và truyền đạt lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa thánh hiền và vốn tri thức truyền thống theo Khổng giáo cùng với lòng yêu tha thiết quê hương đất nước”.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu TTXVN

Học giả người Pháp Georges Boudarel đã viết như vậy về vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tập sách “Võ Nguyên Giáp” (nguyên bản tiếng Pháp là “Giap”).

Cuốn sách đã dựng lại bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Cuốn sách có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn viết nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp nhằm mua chuộc cậu học trò trung học Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, kết quả ngược lại, ông đã trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Người ta xì xào, bàn tán về con người có sức hấp dẫn kỳ lạ mang tên Nguyễn Ái Quốc (sau này đổi tên là Hồ Chí Minh), tác giả áng văn đả kích nổi tiếng có tựa đề: ‘Lên án chủ nghĩa thực dân Pháp’ cùng với những người cùng chí hướng đang hoạt động tại nước Nga Xô viết. Người ta đã kín đáo đưa riêng cho Giáp một bản và anh đã đọc ngấu nghiến một cách thầm vụng…

Anh học trò trung học Võ Nguyên Giáp say mê nhất môn lịch sử, địa lý và chỉ tạm gác việc đọc sách sử-địa khi bận đến dự các cuộc bàn cãi sôi nổi về các đề tài liên quan đến lịch sử nước nhà - nhà sử học Boudarel viết.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22.12.1946). Ảnh tư liệu TTXVN

Trong quan niệm của Georges Boudarel, “Người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện sự kế thừa có chọn lựa những tư tưởng quân sự của các nhà cách mạng hiện đại như Lênin, cũng như của các nhà chiến lược quân sự kinh điển như Tôn Tử.

Tác giả Georges Boudarel (1926-2003) là một thành viên của nhóm trí thức Mác-xít hoạt động công khai tại Sài Gòn năm 1947. Sau này, ra Bắc, ông xin gia nhập hàng ngũ Việt Minh và tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1964, Georges Boudarel trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Việt Nam. Cuốn "Võ Nguyên Giáp" là một phần trong luận án tiến sĩ của ông.

Nhưng trên hết, Tướng Giáp thể hiện sự vận dụng trung thành tư tưởng của Hồ Chí Minh, cũng là tư tưởng của Đảng về chiến tranh nhân dân.

Tác giả đã đi vào lý giải nguyên nhân giành thắng lợi của quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Như nhà sử học người Pháp Alain Ruscio nhận định: “Cuốn sách này có lợi thế hơn nhiều so với các cuốn sách khác viết về Giáp sau đó: Không còn bám vào câu hỏi ‘Giáp và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi như thế nào?’ nhưng Boudarel đã giải thích ‘Tại sao’ họ lại chiến thắng”.

Ông phân tích cụ thể: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình. Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai sát cánh. Người Việt Nam giàu truyền thống đấu tranh chống xâm lược nước ngoài… Với Bác Hồ, với Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ ‘chiến tranh nhân dân’ không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc được đem ra thực hiện hàng ngày”.

Nhờ vậy, “một dân tộc nhỏ bé” với những người du kích quần áo rách rưới, chân đi dép cao su, trang bị thô sơ đã đương đầu và chiến thắng kẻ thù với vũ khí tối tân, hiện đại gấp nhiều lần.

Là người đã từng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Georges Boudarel tại Paris, đến khi đọc tập sách này, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tên cuốn sách là một cách gọi thân mật nhưng vẫn giữ được sự trân trọng của một người nước ngoài, song cũng không xa lạ đối với ‘Người anh cả’ của Quân đội nhân dân Việt Nam mà Georges Boudarel từng tham gia”.

Chân dung vị Đại tướng hiện lên vừa là một nhân vật của lịch sử nhưng chính bản thân ông cũng lại là một người viết nên lịch sử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Sự quan sát và phân tích của Boudarel vô cùng sắc sảo và thuyết phục dựa trên nguồn tư liệu phong phú, xác thực, thể hiện cái nhìn của một người trong cuộc".

“Đó không chỉ là một cuốn tiểu sử. Đó là cả một pho sử mà tên tuổi ‘Giáp’ đã gắn bó, cống hiến và để lại những dấu ấn rất đậm nét xuyên suốt toàn bộ lịch sử hiện đại Việt Nam, lịch sử Giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân trong cương vị của vị Tổng tư lệnh - Bộ trưởng Quốc phòng, gắn với huyền thoại từ Điện Biên Phủ (1954) cho đến “Điện Biên Phủ trên không” (1972) rồi Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975)”, nhà sử học phân tích.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách, ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng nói: "Cha tôi vẫn dạy, đã biết lịch sử thì phải biết cho đúng. Tác phẩm thể hiện góc nhìn của một người bạn từng chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam về cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Bên cạnh những tình cảm đối với cha tôi, ta còn thấy được ở đó những sự tâm đắc, hiểu biết sâu sắc của tác giả đối với lịch sử Việt Nam hiện đại".

. Theo Vietnam+

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972  (21/12/2012)
Trung tướng Phạm Tuân: Khi phóng tên lửa, tôi tin mình sẽ bắn trúng B-52  (19/12/2012)
Dấu tích vương triều Champa ở Cấm Mít  (18/12/2012)
“Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô” giữa mưa bom B52  (17/12/2012)
Chuyện về chiếc chiếu cổ tắm máu anh hùng Nguyễn Trung Trực  (14/12/2012)
Dâng hương tưởng niệm 704 năm ngày Vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn  (13/12/2012)
Chuyện vượt ngục Côn Đảo  (12/12/2012)
12 ngày đêm ấy…  (09/12/2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)
Di tích Nhà tù Phú Lợi  (03/12/2012)
Đội Tuần dương quân đầu tiên của Việt Nam  (29/11/2012)
Ly kỳ những vị thạch quan ở Lăng Gia Long  (27/11/2012)
Ký ức tự hào về một Thủ đô anh hùng  (25/11/2012)
Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa  (19/11/2012)