Các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định:
Sáng tạo độc đáo và phong phú
18:5', 30/12/ 2012 (GMT+7)

Các cô gái H’re ở huyện An Lão biểu diễn đàn tép va vút trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm 2011.

Sức sáng tạo phong phú đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số chế tác được nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Thoạt trông đơn giản, nhưng khi đã cất tiếng thì chúng luôn dẫn dắt người nghe đắm đuối với những âm thanh đặc trưng của núi rừng…

1. Trong công trình nghiên cứu “Văn hóa làng Bana Kriêm”, tác giả Yang Danh đã phân loại các nhạc cụ của người Bana Kriêm: nhóm thổi có các nhạc cụ tiêu biểu như sáo tơ lía, dơ díp, kêu; nhóm gảy và kéo có đàn prẽng (đàn goòng), đàn prõ, đàn hơ đõng; nhóm gõ và vỗ có cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ lơng khơng (klẽng klõng), trống sơ gỡr, trống pơ rũng, he hô.

Nhà nghiên cứu Yang Danh tâm sự: “Nhạc cụ của người Bana Kriêm có loại chỉ chuyên dùng để sinh hoạt trong nhà, nhà rông, cũng có một số đàn thường xuyên để trên chòi rẫy có âm thanh nhẹ nhàng, nhưng có tác dụng xua đuổi chim thú. Hầu hết các loại nhạc cụ đều làm từ các loại cây gỗ, tre nứa có sẵn ở trong rừng. Bao thế hệ người Bana Kriêm chúng tôi nghe tiếng nhạc là nhớ quê hương, núi rừng, nhớ đến con suối, cái rẫy nơi mình lớn lên từng ngày”.

Nhạc cụ của người Bana Kriêm có loại chỉ chuyên dùng để sinh hoạt trong nhà, nhà rông, cũng có một số đàn thường xuyên để trên chòi rẫy có âm thanh nhẹ nhàng, nhưng có tác dụng xua đuổi chim thú. Hầu hết các loại nhạc cụ đều làm từ các loại cây gỗ, tre nứa có sẵn ở trong rừng

Nhà nghiên cứu Yang Danh

Trong khi đó, nhạc cụ dân gian của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh được các nhà nghiên cứu chia làm 4 bộ: bộ hơi có đing vó, đing lơtin, đing chơlek, tù và; bộ kéo dây có đing pơroh, đing kơní; bộ gảy có đing goong; bộ gõ có trống và cồng chiêng. Nhạc cụ của người H’re ở An Lão cũng phong phú không kém, được chia làm 4 bộ: bộ gõ có chiêng và trống; bộ vỗ có đàn tép va vút; bộ gảy có đàn vroac, đàn pa reang; bộ hơi có sáo ta liá, sáo rang ngoi, sáo popel, sáo ravai, chinh kala (chiêng tre).

2. Gây ấn tượng mạnh trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc chính là loại đàn kiểu “phụ nữ vỗ tay”. Đồng bào dân tộc H’re ở huyện An Lão gọi nhạc cụ độc đáo này là đàn tép va vút, được làm bằng hai ống nứa già thẳng và dài, bỏ phần mắt, một ống dài hơn ống kia khoảng 5-10 cm. Nếu được ống nứa dài ở rừng già thì có bộ đàn dài từ 0,9-1m. Hoàn thành xong bộ đàn, nghệ nhân buộc lại thành cặp đem phơi nắng vài ngày, rồi gác lên giàn bếp nhà sàn tiếp tục hun khói càng lâu càng tốt, để tạo màu vàng đen đẹp mắt, khi dùng tạo âm thanh hay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “Khi chơi đàn tép va vút thường có 3 cô gái ở tư thế ngồi quỳ, một cô ngồi bịt, thả đầu ngọn cây đàn (thế dọc theo cây đàn), một cô ngồi giữ đầu gốc (thế ngang với cây đàn), cô thứ ba ngồi vỗ đầu gốc để lùa hơi vào. Cách chơi đàn tép va vút của người H’re huyện An Lão theo 7 bài cơ bản, mỗi bài có giai điệu tiết tấu mang sắc thái riêng. Vì vậy, khi chơi một làn điệu nào đó đòi hỏi người bịt, thả và vỗ đều phải tập luyện rất nhiều để có phối hợp nhịp nhàng với nhau…”.

Người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh cũng có loại nhạc cụ tương tự đàn tép va vút của người H’re, nhưng có tên gọi là he hô. Hình dáng của he hô về cơ bản giống đàn tép va vút, nhưng được làm bằng nhiều ống nứa hơn với độ dài ngắn khác nhau cột lại thành bó, hai nghệ nhân ngồi vỗ vỗ hai đầu để biểu diễn. Đây có lẽ là sự sáng tạo trên tinh thần giao lưu văn hóa, tiếp nhận cái hay cái đẹp lẫn nhau của đồng bào các dân tộc. 

Cây đàn pơ lơng khơng của đồng bào Bana Kriêm cũng được nhiều người ưa thích. Đây là loại nhạc cụ gồm những cây gỗ trông thô mộc ghép lại, phía sau mỗi thân cây có đục rỗng một phần hình chữ nhật để khi gõ vào mỗi cây tạo ra những âm thanh trầm bổng rất lôi cuốn. Nhà nghiên cứu Yang Danh cho biết: “Cây đàn pơ lơng khơng trước đây để trên những chòi cao hoặc một bên dốc cao nào đó. Bà con đồng bào dân tộc đi làm ai cũng phải leo dốc, người nào đến sớm hơn thì tấu đàn pơ lơng khơng lên, gọi mọi người hãy mau vượt dốc cao…”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt  (27/12/2012)
Hà Nội 12 ngày đêm qua ký ức cựu binh Nga  (27/12/2012)
Bản lĩnh người Hà Nội làm nên chiến thắng   (27/12/2012)
Học giả Pháp viết gì về Tướng Giáp?  (22/12/2012)
Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972  (21/12/2012)
Trung tướng Phạm Tuân: Khi phóng tên lửa, tôi tin mình sẽ bắn trúng B-52  (19/12/2012)
Dấu tích vương triều Champa ở Cấm Mít  (18/12/2012)
“Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô” giữa mưa bom B52  (17/12/2012)
Chuyện về chiếc chiếu cổ tắm máu anh hùng Nguyễn Trung Trực  (14/12/2012)
Dâng hương tưởng niệm 704 năm ngày Vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn  (13/12/2012)
Chuyện vượt ngục Côn Đảo  (12/12/2012)
12 ngày đêm ấy…  (09/12/2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)
Di tích Nhà tù Phú Lợi  (03/12/2012)