|
Biểu diễn võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: HUYỀN TRÂN. |
Lịch sử Việt Nam đời nào cũng có các nữ anh hùng hào kiệt. Các liệt nữ đã cùng mọi người dân Việt vùng dậy đấu tranh, chiến đấu với kẻ thù xâm lược để dựng nước và giữ nước.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn được các nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Thánh Thiên (Bắc Ninh), Vĩnh Huy (Cổ Châu), Lê Hoa (Thanh Hóa)… hưởng ứng kéo các đội nữ binh, nghĩa binh, tráng đinh về tụ nghĩa cùng nhau quyết tâm diệt giặc cứu nước. Đội quân của Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng nhanh chóng đánh bại kẻ thù làm chủ đất Mê Linh rồi tiến đánh Cổ Loa thành. Thái thú Tô Định hoảng hốt bỏ trốn. Nhiều năm sau quân Hán vẫn còn bạt vía kinh hồn các nữ tướng Nam Việt thuở ấy.
Mùa xuân năm 248, bà Triệu Thị Trinh với sức khỏe hơn người lại có chí lớn, võ nghệ cao cường, giàu mưu kế, sớm biết tập hợp hàng trăm nữ tướng cùng các nghĩa sĩ trên đỉnh Núi Nưa (Thanh Hóa) ngày đêm mài gươm, luyện võ khởi nghĩa vây đánh các thành, ấp quân Ngô xâm lược. Khi ra trận Bà Triệu thường mặc áo giáp, cài trâm vàng, đi guốc ngà cưỡi voi chiến rất oai phong lẫm liệt. Đội nữ binh Bà Triệu cùng các tướng thúc voi, phi ngựa, gươm giáo sáng lóa, liên tiếp đánh phá các thành đuổi bọn quan lại nhà Ngô tháo chạy rơi đai, mất mũ, giải phóng được các quận Cửu Chân, Giao Châu ngay tức khắc. Trước khi khởi binh, có người khuyên bà không nên dựng cờ dấy nghĩa, bà khảng khái: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Quả là khẩu khí của bà tướng anh hào và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ kế tiếp noi theo.
Lại mùa xuân Kỷ Dậu 1789, khi nhà Tây Sơn hội quân tại Thăng Long thành, đánh một trận khiến gần ba mươi vạn quân Thanh tan tành, chết khiếp. Hoàng đế Quang Trung đã lật đổ chế độ phong kiến thối nát Nguyễn, Lê, Trịnh xóa bỏ sự chia cắt đất nước, thu giang sơn về một mối. Nhờ nhiên tài quân sự cùng thu phục lòng binh sỹ và an dân, Hoàng đế quang Trung đã tập hợp được nhiều mưu sĩ, nhiều tướng tài để làm yên lòng dân dựng nước trong đó có Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng các nữ tướng được nhân dân phong tặng danh hiệu: Ngũ Phượng Thư đã lập được nhiều chiến công hiển hách cho nhà Tây Sơn.
Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân, người thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú thuộc Tây Sơn hạ đạo. Tương truyền, thuở sinh thời bà có sức khỏe, võ nghệ cao cường và rất chăm học. Bà luyện võ rất sớm, 15 tuổi đã thông quyền cước, thạo cung kiếm. Ngoài đôi mươi bà đã nổi tiếng trong vùng, do nhiều lần đả hổ cứu người và một trong những người được cứu chính là võ tướng Trần Quang Diệu, sau này trở thành chồng của bà Bùi Thị Xuân. Chuyện kể rằng: Một hôm cùng vài người bạn nữ đi săn ở vùng núi Thuận Ninh, Bùi Thị Xuân gặp một tráng sĩ đang quần nhau với mãnh hổ. Tráng sĩ bị trọng thương, lực tàn sức kiệt bị hổ vồ, đầy mình thương tích. Bùi Thị Xuân hét lên một tiếng rồi rút song kiếm xông vào cứu người. Cuối cùng, con hổ bị một nhát kiếm hiểm gầm lên và bỏ chạy. Sau này cặp vợ chồng Đô đốc Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu là trụ cột của nhà Tây Sơn lừng lẫy.
Nữ tướng Bùi Thị Xuân đã xông pha hàng trăm trận đánh ác liệt và lập nhiều chiến công hiển hách. Nhiều trận quyết chiến dù trên bành voi hay lưng ngựa đoàn nữ binh của bà xáp trận là đánh tan quân Nguyễn, quân Thanh, lập nhiều chiến tích oai hùng. Sau này, nhà Tây Sơn suy yếu, bà bị quân Nguyễn Ánh bắt và hành quyết tại Phú Xuân, song bà đã để lại cho người đời tấm gương sáng về sự gan dạ, dũng cảm, chung thủy, son sắt với nhà Tây Sơn đến hơi thở cuối cùng. Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân được xây dựng khang trang tại Tây Xuân (Tây Sơn), quê hương của Bà, trở thành điểm tham quan du lịch để mọi người tìm hiểu ngưỡng mộ nữ Đô đốc tài ba, một võ sư nổi tiếng của thời Tây Sơn oanh liệt.
Dưới trướng của Đô đốc Bùi Thị Xuân, còn có các nữ võ tướng vang danh một thời với tài sắc vẹn toàn, họ đã cùng bà hợp thành “Tây Sơn Ngũ Phụng Thư” nổi tiếng đến ngày nay. Đó là các bà: Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc. Ngũ Phụng Thư đã cùng nhau tổ chức, huấn luyện và điều khiển một đoàn tượng binh với hàng trăm thớt voi và đoàn nữ binh đông đảo, thiện chiến cùng các đội binh hùng khác của Tây Sơn, đánh Đông dẹp Bắc với những chiến thắng vang dội.
Trong Ngũ Phụng thì bà Bùi Thị Nhạn chính là cô họ của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà Nhạn tập võ từ ngày còn bé nên tinh thông quyền cước cung kiếm. Bà Nhạn là con út của phú hộ Bùi Đắc Lượng. Tương truyền, trước đây Bùi Thị Xuân thình lình về nhà thấy các hầu gái dùng đũa bếp múa võ rất bài bản nên mở lớp truyền dạy và bà Nhạn cùng nhiều người theo học thành tài. Sau này đội nữ binh của Bùi Thị Nhạn giỏi hóa trang, mai phục và đánh úp bất ngờ, lập nhiều chiến công. Khi có lệnh chủ tướng, các nữ binh thúc ngựa, vung kiếm ào lên làm địch trở tay không kịp. Do lập nhiều chiến công, sau này bà Bùi Thị Nhạn là một cận thần gần gũi của Quang Trung Hoàng đế và được mọi người kính trọng, yêu mến.
Một nữ tướng nữa được nhắc đến trong Ngũ Phụng chính là bà Trần Thị Lan. Bà Lan là cháu gái của võ sư Trần Kim Hùng, một tay kiếm khách nổi tiếng đất Tuy Viễn. Lên ba tuổi, cha mẹ qua đời, bà Lan được ông nội nuôi lớn lên cho học võ. Bà có tài về kiếm và khinh công. Luyện thân lanh lẹ như chim én nên lấy hiệu là Ngọc Yến, sau này bà cùng chồng là Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vốn có sức khỏe, giỏi võ được nhà Tây Sơn trọng dụng. Chuyện xưa kể rằng, khi quân Thanh vào chiếm Bắc Thành thế mạnh như chẻ tre, Đô đốc Tuyết ngày đêm phi ngựa gấp vào Phú Xuân cấp báo với Hoàng đế Quang Trung kịp thời ra kế sạch đánh địch. Đội khinh kị của bà Trần Thị Lan được cử đi trinh sát tìm ra những sơ hở của quân Thanh báo về trung quân để có đối sách kịp thời. Sau này trong lễ định công các đại thần, cặp vợ chồng Đô đốc Tuyết và nữ tướng Trần Thị Lan đều có công và được trọng thưởng lớn.
Hai nữ tướng tài ba khác trong Ngũ Phụng Thư là bà Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Hai bà đều là con em của những gia đình danh giá xứ Quảng vì mến mộ nghĩa khí đất Tây Sơn nên đã vào đầu quân đánh giặc. Bà Nguyễn Thị Dung rất giỏi về kiếm thuật. Còn bà Huỳnh Thị Cúc là tay quyền có hạng. Lúc xung trận, hai nữ tướng Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc thường phối hợp khá ăn ý, hỗ trợ cho nhau rất điêu luyện và hai bà đã lập công lớn khi cùng với các cánh quân khác tiêu diệt đồn Gián Khẩu (Ninh Bình), Vị Hoàng (Nam Định), Thường Tín (Hà Nội) góp phần nhanh chóng diệt quân Thanh giải phóng Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu năm ấy.
Cùng với các nữ tướng người Kinh ở Tây Sơn hạ đạo, tham gia nghĩa quân Tây Sơn còn có đông đảo đồng bào người Bana, Giarai, H’rê ở Tây Sơn thượng đạo, họ rất giỏi thuần phục voi chiến, ngựa chiến. Binh đoàn voi chiến của Quang Trung Hoàng đế xông trận khiến quân Thanh khiếp sợ bỏ chạy trối chết. Một trong những người có công lớn tổ chức đàn voi chiến là bà Yađố, con một tộc trưởng Bana giàu có đầy uy quyền. Bà Yađố được gả cho Bok Nhạc và là hậu phương vững chắc của nhà Tây Sơn. Bà Yađố đã tổ chức khai hoang tăng gia sản xuất, tích lũy lương thực nuôi quân, đồng thời bà còn tìm kiếm, vận động mua bán được nhiều trâu, bò, ngựa, voi để phục vụ chiến đấu. Có thể nói bà Yađố là nữ tướng hậu cần siêu giỏi với khả năng chuẩn bị lương thảo cho hàng vạn quân sỹ, đáp ứng voi chiến, ngựa chiến hùng mạnh cho đội quân thần tốc Tây Sơn và tạo mối giao lưu đoàn kết giữa người Kinh với các đồng bào dân tộc thiểu số, cùng nhau một lòng quyết tâm đánh giặc, thắng giặc.
Mỗi độ xuân về, Tết đến, người dân Bình Định lại nhớ đến Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các bộ tướng anh hùng của Người và hình ảnh oai hùng của những nữ tướng tài ba thời Tây Sơn tam kiệt vẫn còn hiển hiện trong chúng ta tạo nên nét đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Thái Bình Nhật
. Theo Tạp chí Văn hóa Bình Định |