Từ năm 1965, Quách Tấn biên soạn tập Nước non Bình Định1, có viết Tổ mộ họ Trần ở Hoài Ân: “Mộ nằm trong ấp Vạn Hội thuộc xã Ân Tín. Trên một nấm gò cao trước mộ, dựng một tấm bia xây bằng đá, mặt khắc chìm bốn đại tự TRẦN GIA TỔ CƠ. Đó là ngôi tổ mộ của Trần Quang Diệu, theo lời con cháu họ Trần ở Hoài Ân… Truyền rằng người nằm dưới mộ là một vị Thượng thư quán Hoài Ân… Mộ phát đến ba đời quan lớn, Trần Quang Diệu là đời cuối cùng.
|
Bia Tổ mộ họ Trần ở Ân Tín, Hoài Ân.
|
Nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn lên ngôi Cửu Ngũ. Nhà họ Trần sợ, đốt hết giấy tờ thời trước. Tập Gia phả phái họ Trần ở Bình Định cũng thành mây khói. Tuy vậy, con cháu họ Trần không bị nhà Nguyễn làm tội, suốt mấy triều vua từ Gia Long đến Khải Định, mỗi năm nhà họ Trần cứ mùa Thu thì tảo mộ và mùa Xuân thì cúng kỵ. Mỗi lần cúng, hạ một trâu, hai bò và bốn heo… ”
Năm 1987, Tiến sĩ Vũ Minh Giang đã đến tận xã Ân Tín, huyện Hoài Ân để xác minh: “Quả thực, địa phương này còn có một họ Trần khá lớn. Dòng họ có từ đường riêng, có gia phả và còn mộ tổ, trên bia có khắc bốn chữ TRẦN GIA TỔ CƠ. Tuy nhiên, dòng họ Trần ở đây không hề biết tới Trần Quang Diệu và trong các tài liệu của gia đình không hề chép đến một người nào đó tên như vậy. Qua điều tra đối chứng và xác minh tại chỗ có thể loại trừ khả năng quê Trần Quang Diệu ở ấp Vạn Hội thuộc xã Ân Tín…
Và năm 1978, Giáo sư Phạm Văn Diêu ở TP. Hồ Chí Minh có cho chúng tôi biết con cháu Trần Quang Diệu và người tộc trưởng còn giữ gia phả (có ghi chép về Trần Quang Diệu) hiện sinh sống ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Nghĩa Bình, chúng tôi đến tận địa phương này trong đợt khảo sát tháng tư năm 1987…
Qua điều tra nghiên cứu ở Tú Sơn (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) có thể thấy rằng Trần Quang Diệu quê ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Nghĩa Bình. Dòng họ này đến đời thứ 4 (ông Trần Văn Chẩn) mới dời đến Tú Sơn khai khẩn đất ruộng, sinh cơ lập nghiệp (về mặt địa dư, tuy Đức Lân và Phổ Thuận nay thuộc hai huyện khác nhau nhưng cách nhau không xa). Họ Trần ở Kim Giao và Tú Sơn thường xuyên qua lại với nhau và cùng thờ Trần Quang Diệu” 2.
Mùa xuân năm Tân Mão (2011), ông Trần Văn Qui ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tự nhận là hậu duệ Tây Sơn Danh tướng Trần Quang Diệu, mang tập TRẦN TỘC GIA PHẢ bằng chữ Hán đến nhờ tôi phiên dịch. Tập Gia phả này có thể không xưa bằng các tập Gia phả họ Trần ở Quảng Ngãi như ông Vũ Minh Giang đã viết nhưng được viết từ năm 1891, cách nay (2011) 120 năm. Tôi xin sơ bộ giới thiệu tập Gia phả như sau:
Tập Gia phả có 28 tờ, gấp đôi thành 56 trang.
Tờ 1: Phiên âm:
TRẦN TỘC GIA PHẢ
Đệ nhất phái phụng thủ
Dịch nghĩa:
GIA PHẢ HỌ TRẦN
Phái thứ nhất kính giữ
Tờ 2a: Phiên âm:
Hoàng triều Thành Thái tứ niên
Trọng Xuân kỷ phả
Dịch nghĩa:
Triều nhà Nguyễn Gia Miêu,
niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892),
tháng 2, chép Gia phả.
Tờ 2+3: Phiên âm:
Tộc phả nguyên tự
Dịch nghĩa:
Bài Tựa nói nguyên do viết phả họ.
Cuối bài Tựa cho biết họ tên, tự, hiệu người trùng tu cựu phả và tục biên tân phả, phiên âm: Hậu sanh, Hoài Ân châu tri châu, Lương Khê, Huệ, Địch Cát Phủ, đốn thủ cẩn chí, bài thư vu lị xá.
Dịch nghĩa: Kẻ sinh sau là (Trần Văn) Huệ, tự Lương Khê, Địch Cát Phủ, chức Tri châu châu Hoài Ân, cúi đầu lạy, kính cẩn viết tại nhà riêng ở nơi làm việc.
Tờ 4: Phàm lệ (có 5 điều)
Từ tờ 5 đến hết tờ 28: Phả họ
Phả họ chép từ ông Cao tổ Trần Văn Tuấn, chức Thượng thư Bộ binh, tước Hằng Đức hầu.
Trong bài Tựa (tờ 2+3), ông Trần Văn Huệ đã viết, tôi dịch như sau:
Họ Trần ta vốn dĩ là người ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kể từ lúc chúa Tiên Nguyễn Hoàng được vua Lê cho giữ từ đèo Ngang trở vào Nam (từ năm 1558) thì ông Thủy tổ họ Trần ta, tước Vân Long hầu, đã theo phò Tiên chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi. Ông Vân Long hầu họp dân khai phá từ ải Hải Vân đến các nơi đồi cao, chân núi, lập tình làng xóm, tức xã Vân Khuất, nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Xã ta (Vân Khuất) thờ ông Vân Long hầu làm Tiền hiền, làm Thành hoàng, làm ông tổ đầu tiên khai lập đất này.
Ông tổ đời thứ ba kế thừa tổ nghiệp.
Cho đến đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 -1765) thì ông Cao tổ Trần Văn Tuấn, tước Hằng Đức hầu, theo mẹ vào Nam, đến nơi đất tốt là huyện Bồng Sơn thuộc phủ Hoài Nhơn (huyện Bồng Sơn thời ấy nay là ba huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão; phủ Hoài Nhơn thời ấy, nay là vùng đất thuộc tỉnh Bình Định, L.X. chú). Từ ấy đến nay, trong họ Trần ta đời nào cũng xuất hiện những người làm quan nổi tiếng danh thần, làm tướng nổi danh lương tướng, làm nên thành tích vĩ đại, công cán to lớn, tên chép trong sử xanh, người trong châu khen ngợi “ông ở ngụ” và xưng tụng họ Trần ta là “cự tộc” (họ lớn).
Về ông Trần Văn Tuấn, gia phả chép ở trang 5b, tôi dịch như sau:
Ông Cao tổ họ Trần, tên kiêng cữ là Tuấn, chức Thượng thư Bộ Binh, tước Hằng Đức hầu.
Sanh năm Tí. Mất năm Mùi, tháng chạp ngày 7.
Phu nhân: Cao Thị Mè.
Ông tuổi thơ cha chết, theo mẹ vào Nam. Thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), làm quan đến chức Hàn Lâm tri chế cáo, mông ơn chúa biết tài thăng đến chức Đại Tư mã (tức Thượng thư Bộ Binh dưới thời nhà Nguyễn Gia Miêu). Đến đời Định vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775), năm Giáp Ngọ (1774), tháng 10, chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân thủy bộ hơn ba vạn vượt sông Gianh vào đánh xứ Đàng Trong. Ông vâng mệnh đem quân chống cự nhưng quân Trịnh quá mạnh, Thuận Hóa thế cô nên bị bại. Ông vâng mệnh đến bản doanh Hoàng Ngũ Phúc cầu hòa nhưng không xong bèn mật tấu lên Định vương rồi hộ vệ chúa lánh vào Quảng Nam. Chính dinh Phú Xuân bị quân Trịnh chiếm. Sau đó, ông hộ vệ chúa theo đường thủy vào Gia Định…
Sinh hạ:
Trưởng nam: Trần Văn Trạc
Trai thứ hai: Trần Văn Bạt
Trai thứ tư: Trần Văn Đức (mất sớm)
Trai thứ năm: Trần Văn Điện
Nữ: Thị Nhân, Thị Hảo.
Ngụ quán của ông Trần Văn Tuấn là ấp Vạn Hội huyện Bồng Sơn, nay là thôn Vạn Hội I và thôn Vạn Hội II, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Mộ ông tại thôn Vạn Hội I. Trước mộ có bia đá khắc bốn đại tự TRẦN GIA TỔ CƠ. Có Từ đường tại thôn Vạn Hội I do tộc trưởng Trần Sử giám phụng. Con cháu họ Trần rất đông, đều ở trong xã Ân Tín.
Tờ 6 chép về Trưởng nam của ông Trần Văn Tuấn là ông Trần Văn Trạc. Ông Trạc phò chúa Nguyễn vương Phúc Ánh lập nhiều công lớn, từng làm chức Tham tri Bộ Hình, rồi làm Trấn thủ dinh Quảng Nam. Đại định rồi, Nguyễn vương lên ngôi vua Gia Long. Năm 1802, triều đình lập 6 Bộ, ông là người đầu tiên làm Thượng thư Bộ Lại, Bộ quan trọng nhất triều đình. Ông mất năm Gia Long thứ 8 (1809), được tặng chức Tham Chánh. Cho đưa quan cữu về mai táng ở Vạn Hội, cấp tự điền và mộ phu.
Tờ 7a chép về trai thứ hai của ông Trần Văn Tuấn là Trần Văn Bạt. Ông Bạt phò Hoàng Tôn Dương vào Gia Định. Sau đánh nhau với quân Tây Sơn, Hoàng Tôn Dương bị bắt rồi bị giết, ông chết tại trận được tặng Thị Độc học sĩ.
Tờ 7b chép về trai thứ ba của ông Trần Văn Tuấn là Trần Văn Hiên. Ông Hiên phò Nguyễn vương Phúc Ánh, làm chức Tham mưu. Ông nhận mật lệnh của Chúa về vùng Tây Sơn chiếm đóng mà tổ chức nghĩa quân rồi đem nghĩa quân đến nơi Chúa Nguyễn đóng quân mà giúp Chúa. Cơ mưu bị tiết lộ, ông bị quân Tây Sơn giết, sau Gia Long truy lục công thần, con cháu ông được miễn thuế thân.
Tờ 8a chép về trai út của ông Trần Văn Tuấn là Trần Văn Điện, phiên âm: Binh bộ công chi quý tử: Đệ tứ phái, Hiển tằng tổ xử sĩ Trần húy Điện. Sanh niên …, Tốt niên … nhị nguyệt thập nhật. Vi nhân thất tường. Thê …
Nam: Văn Kê, Nam tử nhất nhân.
Dịch nghĩa: Con trai út của ông Thượng thư Bộ binh Trần Văn Tuấn là ông cố họ Trần, tên kiêng cữ là Điện, là nhà Nho lánh đời, không làm quan.
Sanh năm…, Mất năm …, tháng 2 ngày 10. Vợ …
Ông là người như thế nào, mất cả dấu vết nên không rõ.
Sinh hạ một trai là Trần Văn Kê.
Người họ Trần ở Vạn Hội xưa nay mật truyền rằng, Trần Văn Điện chính là Trần Quang Diệu, danh tướng nhà Tây Sơn, chức Thiếu phó triều Cảnh Thịnh.
Nửa sau trang a tờ 12, viết về con ông Trần Văn Điện là Trần Văn Kê, phiên âm: Đệ tứ phái, Hiển tổ khảo Nông nghiệp Trần, húy Kê. Sanh niên…, Tốt niên…, tư nguyệt thập nhật. Thê: Thị Cư. Vi nhân vị tường.
Trưởng nam: Văn Thịnh (vô tử)
Thứ nam: Văn Dược
Nữ: Thị Hạnh
Dịch nghĩa: Phái thứ tư, ông Nội làm nông họ Trần, tên kiêng cữ là Kê. Sanh năm:…, Mất năm… tháng 4 ngày 10. Vợ: Thị Cư. Ông là người thế nào, chưa rõ. Sanh hạ:
Trai trưởng: Văn Thịnh (không con)
Trai thứ: Văn Dược
Con gái: Thị Hạnh
Ông Trần Văn Qui bảo tôi rằng: “Các bậc trưởng lão trong họ đều nói Gia phả không ghi tên Trần Quang Diệu mà ghi Trần Văn Điện là cần che dấu người con là Trần Văn Kê. Nếu nói rõ ra thì Trần Văn Kê không khỏi bị giết để không còn người trả thù”. Ông Qui nói tiếp: “Vua Gia Long từng tuyên bố “Vì mười đời mà báo thù” nên đã chém ông Thiếu phó Trần Quang Diệu, cho voi chà bà Đại Đô đốc Bùi Thị Xuân, người con gái mới 15 tuổi cũng chịu cực hình như mẹ. Nếu họ bắt được người con trai là Trần Văn Kê thì họ cũng giết luôn chứ không tha. May mắn là ông Kê không bị bắt nên dòng dõi danh tướng Trần Quang Diệu mới còn người sống sót và con cháu hiện còn ở Vạn Hội.”
Những điều trên, ông Trần Sử đã kể cho ông Quách Tấn từ những năm 50 của thế kỷ trước nên ông Tấn mới đưa vào sách Nước non Bình Định xuất bản năm 1965. Năm 1987, ông Vũ Minh Giang có về Vạn Hội, có hỏi ai hay không thì tôi không biết, nhưng ông chép: “Dòng họ Trần ở đây không hề biết tới Trần Quang Diệu” là không chính xác.
Tôi cũng nhận thấy rằng, ông Vũ Minh Giang đã đọc bài “Mộ Tổ họ Trần” trong sách Nước non Bình Định của Quách Tấn, đã biết họ Trần ở Vạn Hội có Gia phả mà không tìm đọc lại kết luận rằng: “…loại trừ khả năng quê Trần Quang Diệu ở ấp Vạn Hội thuộc xã Ân Tín”. Hơn nữa ông mới đọc bản Gia phả bằng quốc ngữ do ông Trần Thắng mới soạn, chưa đọc những Gia phả xưa bằng Hán tự mà kết luận: Tây Sơn danh tướng Trần Quang Diệu quê ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Nghĩa Bình (huyện Đức Phổ nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi) là vội vàng. Gia dĩ ông cho biết trong quyển Gia phả của ông Thắng có chép hậu duệ của Trần Quang Diệu là Trần Mạnh, Trần Nhì không hề dấu diếm mình là con cháu Tây Sơn danh tướng Trần Quang Diệu mà không bị nhà Nguyễn Gia miêu làm hại là điều lạ! Phải chăng Trần Quang Diệu ở Kim Giao và ở Tú Sơn đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi chỉ là người trùng tên với Tây Sơn danh tướng Trần Quang Diệu?
Tôi không dám vội vàng kết luận quê hương Tây Sơn danh tướng Trần Quang Diệu ở đâu, nay sơ bộ giới thiệu mấy trang trong Trần tộc Gia phả của Trần Văn Huệ để giới học giả rộng đường nghiên cứu.
LỘC XUYÊN ĐẶNG QUÝ ĐỊCH
Theo tạp chí Văn hóa Bình Định
Ghi chú:
1. Quách Tấn - Nước non Bình Định, NXB Thanh Niên in lần 2, TP.HCM - 1999, Tr. 344-345.
2. Những gia phả xưa của dòng họ có thể được anh Trần Văn Nghị ở quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), ông Trần Ba ở Đà Lạt và Trần Nguyên Hoàng ở Đà Lạt lưu giữ. (Lược trích bài TRẦN QUANG DIỆU của TS. Vũ Minh Giang, in trong TRÊN ĐẤT NGHĨA BÌNH tập I, Sở Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, Quy Nhơn – 1988, từ tr. 194 đến tr. 199). |