Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu
9:26', 28/3/ 2012 (GMT+7)

Việt Nam được nhiều người nước ngoài đánh giá cao nhờ đặc điểm “rất thân thiện”.

Trong bài viết với dòng tít “18 địa điểm tốt nhất để nghỉ hưu ở nước ngoài” được đăng trên tạp chí U.S. News & World Report nổi tiếng của Mỹ, nhà báo Kathleen Peddicord đánh giá Việt Nam là một trong những lựa chọn ngày càng được ưa thích đối với người nước ngoài. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của thế giới.

 

Theo đánh giá của nhà báo Kathleen Peddicord, chi phí sinh hoạt là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn địa điểm trải nghiệm những năm tháng sau khi nghỉ hưu. Chi phí sinh hoạt cực thấp là một điều tuyệt vời, song quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống. Đối với Việt Nam, tác giả đặc biệt chú ý tới thành phố biển Nha Trang. Ở đây chỉ có khoảng 1.000 người nước ngoài trong tổng số 200.000 dân.

 

Ở Nha Trang không có các hoạt động được tổ chức dành riêng cho người nước ngoài. Điều này giúp du khách dễ dàng hoà nhập với cuộc sống của người dân địa phương. Theo tính toán của tác giả bài báo, chi phí sinh hoạt ở Nha Trang chỉ vào khoảng 1.000 USD/tháng cho một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu.

 

Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo Kathleen Peddicord đánh giá cao cuộc sống ở Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang. Hồi tháng 10 năm ngoái, trong một bài viết mang tên “Cuộc sống mới ở Nha Trang của một người nghỉ hưu”, nhà báo này cũng hết lời ca ngợi cuộc sống dễ chịu ở thành phố biển Nha Trang.

 

Bài báo kể về cuộc sống sinh hoạt thường nhật của một phụ nữ người Mỹ đã nghỉ hưu, nay chọn Nha Trang làm nơi an dưỡng tuổi già. Người phụ nữ này có tên là Wendy Justice. Bà rời Mỹ sang Việt Nam để mỗi sáng thức dậy có thể nghe tiếng gà gáy bên nhà hàng xóm.

 

Bà Wendy Justice đặc biệt thích thú khi chỉ phải bỏ ra chưa tới 0,5 USD (10.000 VNĐ) để mua một chiếc bánh mỳ và cũng chỉ mất khoảng 1 USD (khoảng 21.000 VNĐ) cho 10 quả trứng. Thêm khoảng 0,5 USD nữa (khoảng 10.000 VNĐ) để mua một quả thanh long tươi ngon là bà đã có một bữa sáng thịnh soạn.

 

Trong khi đó, ở bên Mỹ, một tô phở Việt Nam cũng có giá từ 8 đến 9 USD, hoặc một cốc sữa đậu lành cũng có giá khoảng 1,5 USD. Phương tiện giao thông công cộng ở Mỹ cũng đắt không kém, đi taxi khoảng 10km cũng mất khoảng 30 USD.

 

Bà Wendy Justice kể rằng chi phí sinh hoạt mỗi tháng của bà ở Việt Nam chỉ khoảng 750 USD, trong đó 350 USD là tiền thuê một căn nhà 2 phòng ngủ với truyền hình cáp và Internet tốc độ cao. Nói chuyện với nhà báo Kathleen Peddicord, bà Wendy Justice đã phải thốt lên: “Tôi không thể tưởng tượng được có nơi nào đó thú vị và giá cả phải chăng như ở đây”.

 

Tuy chi phí sinh hoạt thấp, nhưng Nha Trang lại là nơi có chất lượng cuộc sống rất cao. Nếu nhớ quê hương, thèm ăn đồ Tây, bà Wendy Justice cho biết chỉ phải bỏ ra 40.000 VNĐ (chưa tới 2 USD) để vào một nhà hàng nào đó.

 

Tuy nhiên, người phụ nữ Mỹ này tâm sự rằng bà mê các món ăn Việt Nam, đặc biệt là món mì Quảng đặc trưng phong cách Hội An.

 

Bà cũng thích không khí thân thiện, một nền văn hoá dễ hoà nhập ở Việt Nam. Bà thích những đêm trăng tròn và cảm nhận được không khí gia đình ấm áp của người Việt Nam mỗi dịp như vậy.

Trong những năm qua, không chỉ những người nước ngoài như bà Wendy Justice yêu thích cuộc sống ở Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế cũng xếp hạng Việt Nam là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới, là quốc gia thân thiện nhất và nhiều danh hiệu khác nữa. Liên Hợp Quốc trong báo cáo về chỉ số phát triển con người (HDI) luôn nhấn mạnh chỉ số về thu nhập bình quân đầu người không phải lúc nào cũng đi đôi với chất lượng cuộc sống.

 

Trong báo cáo năm 2009, LHQ đã chỉ ra rằng thu nhập bình quân đầu người ở Việt NamPakistan là tương đương nhau. Thế nhưng cuộc sống ở Việt Nam tốt hơn rất nhiều vì thu nhập này được hiện thực hoá bằng các điều kiện chăm sóc y tế và giáo dục.

 

. Theo Báo Văn hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)
Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa  (19/03/2012)
Mùa ruốc Vĩnh Hội, Cát Hải  (17/03/2012)
Người Bình Định ở Pleiku  (16/03/2012)
Săn... kiến   (08/03/2012)
Đặc sắc của Lễ hội cầu ngư Nhơn Hải  (06/03/2012)
Chợ tre An Lương  (28/02/2012)
Đến hội Đô thị Nước Mặn xem con gái Bình Định đánh võ  (25/02/2012)
Hàng ngàn người về dự lễ hội Đô Thị Nước Mặn  (23/02/2012)
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  (15/02/2012)
Họ Trần ở Hoài Ân với danh tướng Trần Quang Diệu  (13/02/2012)
Lễ hội Vía Bà  (09/02/2012)
Lễ kỷ niệm 440 năm năm sinh Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ  (07/02/2012)
Ngày xuân nhớ các nữ tướng Đại Việt  (07/02/2012)