Bản hùng ca Hố Đá Bàn
19:19', 31/3/ 2012 (GMT+7)

Khu di tích lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn thuộc thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi Huyện ủy, cơ quan an ninh, lực lượng vũ trang huyện Phù Mỹ đặt trụ sở. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, căn cứ này là Trạm xá tiền phương của Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Nơi đây từng diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa quân và dân ta với kẻ thù xâm lược…

 

Dâng hoa tại Đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn.

Thời hoa lửa…

Từ ngã ba thị trấn Bình Dương, chạy xe máy xuôi theo tỉnh lộ 632, qua 12 km, chúng tôi đến chợ Mỹ An. Phía sau chợ là con đường dài 400 m dẫn vào khu vực đặt bia tưởng niệm của Khu di tích, đã được bê tông xi măng. Từ bia di tích xuôi dốc vào phía Nam theo đường bê tông dài 250m vừa mới thi công hoàn chỉnh, chúng tôi đến Khu di tích lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn. 

Khu căn cứ Hố Đá Bàn đúng như tên gọi “hố đá”, với ngổn ngang các khối đá lớn, nhỏ xây thành thạch trận. Trên cao, về phía Tây là rừng cây xanh rậm rạp, địa hình hiểm trở, núi đá, hang hốc, tạo thành địa đạo tự nhiên kỳ bí, rất thuận lợi cho việc thiết lập một căn cứ cách mạng. Chính nơi đây, cách đây 44 năm, vào ngày 31.3.1968, đã diễn ra trận đánh quyết liệt giữa bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 và du kích xã Mỹ Thắng với Lữ đoàn dù 173 cùng bọn biệt kích Mỹ - ngụy.

Bên khu di tích, ông Trần Đình Hào - người Xã đội trưởng trực tiếp chứng kiến cuộc “vây ráp” và “tử thủ” ở Hố Đá Bàn năm đó- kể lại: Ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn bộ đội chủ lực dừng chân ở Hố Đá Bàn, đến buổi chiều thì tiểu đoàn đó rút đi. Rồi có 1 đại đội tân binh dừng chân nghỉ tại đây. Chiều đó, quân địch cho trực thăng đổ biệt kích xuống khu vực đồi núi xung quanh Hố Đá Bàn. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, bọn biệt kích bắt đầu bao vây anh em mình và nổ súng tấn công dữ dội. Bên trong hố, bộ đội mình đánh trả quyết liệt…

Trận đánh diễn ra suốt hàng chục ngày. Máy bay ném bom xăng, trực thăng chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí tối tân được quân giặc đưa đến đánh phá liên tục vào khu vực này. Trận đánh kéo dài, hai bên đều tổn thất. Lực lượng ta ngoài số chiến sĩ vừa mới bổ sung, còn phần lớn là thương binh; lương thực, nước uống, thuốc men đã cạn kiệt; song anh em vẫn dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…

Nói thêm về trận đánh này, ông Lê Qua, năm nay 76 tuổi, ở thôn Hòa Ninh, xã Mỹ An, kể: “Tối đấy, gia đình tôi nghe thấy có tiếng người kêu cửa nhà mình. Sau khi cửa mở, một anh bộ đội ngã sóng xoài ngay giữa nhà. Chúng tôi vội nấu nước cháo bón cho anh. Dần dần anh hồi tỉnh, cho biết là tân binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3. Đơn vị anh do một đại đội trưởng dẫn đầu, đang hành quân; khi trời sáng ghé vào nghỉ tại Hố Đá Bàn, đợi trời tối tiếp tục đi ra phía biển; nhưng bị địch phát hiện tung hỏa lực bao vây kín. Đại đội trưởng bàn với các chiến sĩ phải mở đường máu phá vòng vây. Tuy nhiên, kế hoạch không thành, các anh đã chiến đấu oanh liệt suốt 20 ngày… Gà gáy hôm đó, anh lính bảo, đơn vị đã “hợp đồng” rằng ai sống sót phải ra điểm hẹn để tiếp tục làm nhiệm vụ. Và anh đã tạ từ gia đình ông, đi về phía biển...

 

Một góc Khu di tích lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn.

Ngày mới trên đất anh hùng 

44 năm trôi qua kể từ trận chiến đấu ác liệt ấy, cho dù “vật đổi sao dời” nhưng lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn vẫn nguyên vẹn trong ký ức của nhiều người. Núi rừng hùng vĩ; những tảng đá to, nhỏ hằn vết bom đạn vẫn còn đó. Dòng suối róc rách qua khe núi vẫn chảy dài theo năm tháng. Còn mãi lòng sắt son của người dân nơi đây!

Bây giờ, một phần khu căn cứ Hố Đá Bàn đã được cải tạo và xây dựng thành một hồ thủy lợi có diện tích gần 14 ha để chứa nước tưới tiêu cho gần 150ha lúa 2 vụ/năm và đất sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ An đơm hoa kết trái. Mặt hồ nước trong xanh, lung linh trong nắng sớm tháng 3, gợi nhớ biết bao điều về cuộc chiến đấu năm xưa. Để rồi người dân Mỹ An hôm qua, hôm nay và mai sau mãi mãi không quên những chiến sĩ bộ đội Sư đoàn 3 và du kích Mỹ Thắng đã nằm lại ở đây. Máu của các anh đã góp phần tô thắm trang sử một vùng đất anh hùng. Cho cây thêm tốt. Cho lá thêm xanh. Cho vang vọng mãi bản hùng ca Hố Đá Bàn một thời hoa lửa.

Hôm nay, vùng quê biển giàu truyền thống cách mạng này đã và đang đổi thay tích cực. Xã Mỹ An có hơn 1.200 hộ, chủ yếu làm nghề biển, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp, chế biến thủy hải sản… Cuộc sống của người dân nơi đây đã khá lên từng ngày. Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng với “điện, đường, trường, trạm” ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ mặt nông thôn ngày càng trù phú. Năng suất cây trồng ngày càng tăng. Thuyền bè vươn ra khơi xa, sản lượng khai thác cá biển, tôm nuôi ngày càng cao... Người dân Mỹ An hôm nay không chỉ no đủ mà nhiều hộ còn khấm khá, giàu lên trông thấy. 100% con em đến tuổi đi học đều được đến trường…

 

Đài tưởng niệm tại Khu di tích Hố Đá Bàn trong ngày khánh thành.

Để tưởng nhớ và tri ân

Điều đáng mừng là khu căn cứ Hố Đá Bàn đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, nhiều hạng mục được xây dựng, tôn tạo. Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ được xây dựng tại điểm cao cách địa điểm di tích khoảng 200 m về phía Tây Bắc; bia di tích, đường vào khu di tích và các hạng mục khác trong Khu di tích được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang.

Khu di tích sừng sững, oai nghiêm như sức sống mãnh liệt trong đau thương, mất mát xen lẫn niềm vui, hạnh phúc của ngày hôm nay được khánh thành đúng vào ngày 31.3.2012, kỷ niệm 44 năm ngày xảy ra sự kiện lịch sử Hố Đá Bàn (31.3.1968 - 31.3.2012), trong niềm hạnh phúc lớn lao của người dân Mỹ An nói riêng và huyện Phù Mỹ nói chung.

Nguyên Xã đội trưởng, thương binh Trần Đình Hào rất phấn khởi trước sự kiện quan trọng này. Ông tâm sự với chúng tôi: “Là một người dân Mỹ An, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào khi căn cứ Hố Đá Bàn được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, được xây dựng, tôn tạo. Để tỏ lòng biết ơn các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đã nằm lại Hố Đá Bàn, chúng tôi sẽ chăm sóc Khu di tích thật tốt và tiếp tục hương khói cho các anh”.

Xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ Hố Đá Bàn là để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây;để các thế hệ kế tục hôm nay và mai sau biết được sự hy sinh của cha anh, từ đó động viên họ phát huy năng lực, trí tuệ để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Khu di tích này còn là niềm vinh dự, tự hào của quân và dân Phù Mỹ nói chung và xã Mỹ An nói riêng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Niềm tự hào và quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng của địa phương được anh Hồ Hoàng Tung, Bí thư Xã Đoàn Mỹ An, thổ lộ: Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi tỉnh công nhận di tích lịch sử với Khu căn cứ Hố Đá Bàn. Tuổi trẻ Mỹ An hôm nay rất biết ơn những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nguyện tiếp bước và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...

  • Bài, ảnh: XUÂN LỘC 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những chiến công thầm lặng  (30/03/2012)
Thời khắc lịch sử  (30/03/2012)
Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu  (28/03/2012)
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)
Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa  (19/03/2012)
Mùa ruốc Vĩnh Hội, Cát Hải  (17/03/2012)
Người Bình Định ở Pleiku  (16/03/2012)
Săn... kiến   (08/03/2012)
Đặc sắc của Lễ hội cầu ngư Nhơn Hải  (06/03/2012)
Chợ tre An Lương  (28/02/2012)
Đến hội Đô thị Nước Mặn xem con gái Bình Định đánh võ  (25/02/2012)
Hàng ngàn người về dự lễ hội Đô Thị Nước Mặn  (23/02/2012)
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  (15/02/2012)
Họ Trần ở Hoài Ân với danh tướng Trần Quang Diệu  (13/02/2012)