Nông dân Bình Định với rau VietGAP
15:47', 3/4/ 2012 (GMT+7)

Từ năm 2011, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế New Zealand thông qua dự án sinh kế nông thôn bền vững, nông dân khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn và nông dân thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước thành lập nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP, và áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP vào thực tế.

 

Nông dân khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) sản xuất dưa leo theo tiêu chuẩn VietGAP

 

Theo dự án, khối Thuận Nghĩa có 28 hộ dân thực hiện mô hình sản xuất trên 1ha rau và thôn Luật Chánh có 27 nông dân  sản xuất trên diện tích 2ha. Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP, Ban quản lý Dự án sinh kế nông thôn tỉnh đã đầu tư xây dựng 2 nhà sơ chế rau an toàn tại khối Thuận Nghĩa và thôn Luật Chánh, đồng thời mời các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn cho nông dân sử dụng các thiết bị, dụng cụ và quy trình sơ chế, bảo quản rau an toàn.

 

Nông dân thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) thu hoạch khổ qua

 

Qua kiểm tra từ thực tế, Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau an toàn của hai nhóm nông dân. Ông Huỳnh Văn Hưng, thành viên nhóm nông dân cùng sở thích ở khối Thuận Nghĩa, cho biết: “Qua thời gian áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP, chúng tôi đã hạn chế được chi phí đầu tư nhờ bón phân và phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Nông sản của chúng tôi không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hóa chất, nên người tiêu dùng rất thích”. Từ đầu năm đến nay, hai nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại hai địa phương nói trên đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 7,7 tấn rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với giá cao hơn các loại rau cùng loại chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ 20-30%.

 

Sản phẩm của nông dân được đưa đến cơ sở sơ chế được xây dựng để sơ chế, đóng gói và gắn nhãn mác VietGAP trước khi cung cấp cho người tiêu dùng.

 

Ông Đinh Thành Phương, Giám đốc Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Hai nhóm nông dân ở thôn Luật Chánh và khối Thuận Nghĩa đã thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, như: vùng sản xuất rau phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của nhà nước đối với các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý lên rau. Người sản xuất biết lựa chọn phân bón và các chất phụ gia nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên rau, quả và chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục). Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau, quả đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng. Việc thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cũng đều thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...”

 

Kathryn Beckett, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tham quan mặt hàng rau được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được trưng bày tại khách sạn Hải Âu.

 

Việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, không những tăng thu nhập cho người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và trước mắt trong năm 2012, cho phép Bình Định thành lập mới thêm 4 nhóm nông dân cùng cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phước Hiệp và tại thị trấn Phú Phong, đồng thời mở rộng diện tích sản xuất rau mỗi địa phương thêm 3 ha nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ra các huyện Hoài Nhơn và Phù Mỹ”.

VietGAP (chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bản hùng ca Hố Đá Bàn  (31/03/2012)
Những chiến công thầm lặng  (30/03/2012)
Thời khắc lịch sử  (30/03/2012)
Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu  (28/03/2012)
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)
Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa  (19/03/2012)
Mùa ruốc Vĩnh Hội, Cát Hải  (17/03/2012)
Người Bình Định ở Pleiku  (16/03/2012)
Săn... kiến   (08/03/2012)
Đặc sắc của Lễ hội cầu ngư Nhơn Hải  (06/03/2012)
Chợ tre An Lương  (28/02/2012)
Đến hội Đô thị Nước Mặn xem con gái Bình Định đánh võ  (25/02/2012)
Hàng ngàn người về dự lễ hội Đô Thị Nước Mặn  (23/02/2012)
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  (15/02/2012)