Nghề nan ở Trung Chánh
11:6', 24/4/ 2012 (GMT+7)

Từ xa xưa, sản phẩm đồ nan tre của làng đan đát Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát đã theo đường thủy vào tận Khánh Hòa, Bình Thuận, đến cả  miền Nam.

Từ xa trông về, từng xóm từng xóm nhà nép mình bên những rặng tre um tùm. Khi xưa, nhà nào có được một lũy tre xanh tốt thì đó là một sự hậu thuẫn về kinh tế vững vàng. Bởi lẽ, tất cả các chủng loại sản phẩm của nghề nan từ thúng, mủng, giần, sàng đến cái nong, cái nia… đều lấy tre làm nguyên liệu. Và đó chính là thứ mang lại đồng ra đồng vào…

1.

Người ta chọn những cây tre già chặt xuống, cưa khúc ngắn dài tùy theo mục đích sử dụng và từng loại sản phẩm, sau đó chẻ thành nan, đem phơi khô, chuốt láng, đan mê rồi lận. Từ đây những thân tre xù xì, thô ráp đã biến thành những chiếc thúng lớn có sức chứa hàng nửa tạ lúa đến cái rổ đi chợ, cái cơi đựng trầu bé xíu đều trở nên xinh xắn qua bàn tay khéo léo của người thợ.

 

Chợ đồ nan Trung Chánh họp theo phiên, năm ngày một lần.

Làng nghề đan đát Trung Chánh, vào thời điểm cực thịnh, có hơn 95% số hộ trong làng theo nghề, mỗi gia đình có đến hàng chục lao động tham gia. Từ em bé sáu, bảy tuổi đến cụ già bảy, tám mươi tuổi đều có thể làm thợ đan đát một cách thành thục.

Tuy nhiên, để việc sản xuất đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải sự phối hợp của nhiều người trong gia đình. Mỗi người phụ trách một công đoạn, tùy theo tuổi tác và tay nghề. Cần mẫn là đức tính không thể thiếu được của nghề nan. Bởi vậy, dân Trung Chánh cũng có tiếng là chăm chỉ, chịu khó.

Đồ nghề để đan đát gọn nhẹ, dễ di chuyển, nên thợ đan thường tụ tập thành từng nhóm năm, bảy người để vừa làm vừa chuyện trò cho bớt mệt. Ngoài ra, những nhóm làm nan ngày xưa còn tổ chức hát kết, hát bài chòi để cho không khí lao động thêm phần vui tươi, náo nhiệt. Từ những đêm văn nghệ “miệt vườn” này, nhiều cặp trai gái đã để ý nhau, tình cảm không nói bằng lời mà qua giọng hát và họ đã nên vợ, thành chồng sau những buổi làm nan thâu đêm, suốt sáng.

2.

Không thợ đan đát nào giàu có nhờ nghề này, nhưng cũng không ai đói khổ. Đó là tâm sự của nhiều người dân làng nghề Trung Chánh. Thật vậy, không thể làm giàu từ nghề nan vì rằng một chiếc thúng làm ra chỉ lãi chừng vài ngàn đồng chưa tính tiền công thì làm sao giàu được. Tuy nhiên đã làm nan thì không sợ đói, bởi nghề nan tận dụng được hết mọi nguồn lực và thời gian lao động, góp gió thành bão.

Nói đến nghề đan đát mà không nhắc đến những người chuyên đi buôn đồ nan thì quả là một điều thiếu sót. Với số lượng hàng trăm ngàn sản phẩm được làm ra trong một tháng, nếu không có những người chuyên giữ việc mua bán chắc làng nghề cũng khó mà tồn tại.

Tại làng nghề Trung Chánh có một đội ngũ chuyên mua bán đồ nan đông đến vài ba chục người. Cứ năm ngày một phiên, người dân Trung chánh lại đem sản phẩm của mình ra chợ làng để bán, những người đi buôn sẽ thu gom tất cả. Khi nào đủ số lượng cho một chuyến đi, khoản năm trăm đến một ngàn sản phẩm các loại họ mới lên đường.

Khi xưa, các phương tiện đường bộ chưa phát triển, đồ nan được chở bằng thuyền, đến những địa phương có nhu cầu sử dụng những sản phẩm này, thường là các tỉnh phía Nam. Sau đó, người đi buôn sẽ gánh dạo đi bán khắp nơi. Ngày nay, đồ nan được chở bằng ô tô đến điểm tập kết, sau đó dùng xe đạp, xe máy để vận chuyển, người đi buôn cũng bớt đi phần cực nhọc. Nhờ những người đi buôn mà sản phẩm đồ nan Trung Chánh có mặt ở nhiều nơi, từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Trung bộ đến Tây Nguyên, đâu đâu người buôn thúng cũng đặt chân đến. Một chuyến đi của họ chừng 3-4 tuần. Sau khi trừ mọi chi phí lãi từ 1,5 đến 3 triệu đồng.

Nghề đan đát ở Trung Chánh giờ không thịnh như ngày xưa nữa nhưng cũng không mất đi như ở nhiều nơi khác. Năm 2009, tỉnh Bình Định đã công nhận làng nghề đan đát Trung Chánh là làng nghề truyền thống. Từ đó, nghề có thêm cơ hội phục hưng. Những phiên chợ đồ nan tre Trung Chánh cứ năm ngày lại thêm đông vui.

  • Lê Công Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu xưa Quy Nhơn (bài 2)  (16/04/2012)
Dấu xưa Quy Nhơn  (15/04/2012)
Bún riêu cua vị sông Kôn  (14/04/2012)
Chợ nón Gò Găng  (12/04/2012)
Nông dân Bình Định với rau VietGAP  (03/04/2012)
Bản hùng ca Hố Đá Bàn  (31/03/2012)
Những chiến công thầm lặng  (30/03/2012)
Thời khắc lịch sử  (30/03/2012)
Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu  (28/03/2012)
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)
Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa  (19/03/2012)
Mùa ruốc Vĩnh Hội, Cát Hải  (17/03/2012)
Người Bình Định ở Pleiku  (16/03/2012)
Săn... kiến   (08/03/2012)