Dấu xưa Quy Nhơn (bài 3):
Quan trấn thủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa qua tư liệu truyền giáo Đàng Trong
10:56', 26/4/ 2012 (GMT+7)

Bài 1: Quy Nhơn – di chỉ cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

Bài 2: Miền đất tụ linh , tụ phúc

“Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631” của Cristophoro Borri, được viết từ những năm 1621 – 1622, khi ông truyền giáo tại Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định) và được xuất bản năm 1631 tại Roma. Sách viết bằng tiếng Ý, trong đó có sử dụng một số chữ quốc ngữ thời kì phôi thai và được dịch sang tiếng Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức, Anh vào những năm 1631 – 1633. Đây là tác phẩm đầu tiên của một tác giả châu Âu viết về “xứ Đàng Trong” gồm 18 chương. Trong đó, Cristophoro Borri dành hẳn 2 chương (9 và 10) viết về một người Quy Nhơn – quan trấn thủ Trần Đức Hòa.

Trần Đức Hòa người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Là bề tôi trung tín của Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng, 1600 – 1613) và Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1613 – 1635). Trong thời gian nhậm chức Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn, ông có công giữ yên trấn lỵ, tích trử lương thực cung ứng cho nhu cầu “Định Bắc” của Chúa Nguyễn. Được Nhà Nguyễn phong Đệ nhất đẳng khai quốc công thần.

 

“Quan Trấn tỉnh Quy Nhơn” cưu mang các nhà truyền giáo

Năm 1617, Đàng Trong bị mất mùa vì hạn hán. Người dân cho rằng vì bỏ đạo ông bà tổ tiên mà theo đạo mới, nên tai họa ập tới. Do đó, qui trách nhiệm cho các thừa sai và Đạo mới, các thừa sai bị áp lực buộc trục xuất. Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đang đi công cán ở Đà Nẵng chứng kiến cảnh khốn khổ của các cha, động lòng thương ông đã truyền cho đón các cha về Quy Nhơn.

Borri viết “chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha Đơ Pina và tôi, để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế”. Quan trấn thủ dành cho các nhà truyền giáo và các người thông ngôn một chiếc thuyền riêng với đầy đủ tiện nghi, suốt 12 ngày lênh đênh trên biển bằng đường thủy. Sáng chiều cập bến các hải cảng ở cạnh những thành phố đẹp thuộc tỉnh Quảng Ngãi. “Nơi đây, ông cũng có quyền như ở Quy Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ rõ lòng qui phục cùng nhận quyền với nhiều lễ vật quí và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ muốn thế…tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội vui công cộng, khi thì đấu chiến ghe thuyền, lúc thì đua chèo thuyền…cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn, nhưng còn phải đi mấy ngày đường trước khi về tới dinh quan trấn thủ…Sau những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón rất trịnh trọng và đặc biệt, thường chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa”.

Theo đề nghị của các nhà truyền giáo, quan trấn thủ Quy Nhơn lệnh cho xây dựng một trụ sở và một nhà thờ ở một địa điểm thuận tiện: cảng thị Nước Mặn. Ba ngày sau, các nhà truyền giáo nhìn thấy trong cánh đồng kia một đạo quân lớn hơn một nghìn người đi tới khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khỏe mạnh khuân vác. Còn những người khác thì vác xà, người đem ván đến lắp, người đem nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Thợ cả giăng giây “lấy mực đất”, vạch hết các khoảng gian và chỗ giữa hai cột, rồi ông cho tuần tự đem tới dựng vào vị trí, mỗi người đem lắp một bộ phận và ra về ngay. Tất cả khối lớn lao đó được dựng trong một ngày. Tuy nhiên, vì làm vội vã, thiếu cẩn thận nên ngôi nhà không được đứng thẳng lắm. Quan trấn thủ biết được, truyền tháo dỡ ra và lắp ráp lại.

Văn nhân Nước Mặn  với việc phôi thai chữ quốc ngữ

Theo các bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo Nước Mặn gửi về La Mã và những bức thư từ Đàng Trong gửi về Ma Cao, hiện lưu giữ ở Văn Khố dòng Tên. Những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra Tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Pina. Trong công việc của mình, ông đã nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân trẻ tuổi có kiến thức chữ Hán uyên bác. Theo lời xác nhận của Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, ông đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số học sinh Việt Nam. Cuốn Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, Borri viết bằng tiếng Ý, tuy nhiên trong đó có một vài câu chữ quốc ngữ, cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618 – 1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này ở cơ sở truyền giáo Nước Mặn.

Quan Trấn Quy Nhơn đã cưu mang, bảo hộ, che chở các nhà truyền giáo với nhiều đặc ân: mời về Quy Nhơn, dựng cho trụ sở và nhà thờ tại Nước Mặn, trợ cấp tiền để sống và hoạt động truyền giáo. Do vậy, sẽ không công bằng khi nói về công lao của các nhà truyền giáo sáng chế ra chữ quốc ngữ tại cơ sở Nước Mặn mà không ghi nhớ sự giúp đỡ của “văn nhân trẻ tuổi” và một số học sinh vùng Nước Mặn, đặc biệt là sự đóng góp mang tính “quyết định” của quan Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Vì lẽ, nếu không có ông cưu mang, chắc chắn các nhà truyền giáo ngoại quốc này bị trục xuất khỏi Đàng Trong vào năm 1618 theo lệnh cấm đạo của chúa Nguyễn đã ban bố.

Đám tang của quan trấn thủ Quy Nhơn

Sau một lần quan trấn thủ Quy Nhơn đi săn voi trong trời nắng nóng gay gắt, về nhà ông lên cơn sốt cao liên tục trong 3 ngày, đến ngày thứ 3 bị mê sảng. Cơn mê sảng kéo dài thêm 3 ngày nữa khiến ông kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng.

Trước khi ông còn trong cơn hấp hối, có 2 người thường xuyên ở bên cạnh, liên tục lấy mã tấu chém vào không khí, nhiều người khác đứng xung quanh vung kiếm đao trong không khí và bắn nỏ, súng qua các gian phòng trong dinh, nhằm để cho tà ma sợ hãi, không cho chúng làm hại hồn vía quan trấn khi ra khỏi thân xác. Theo tục lệ lúc bấy giờ, bất cứ một nhân vật vị vọng nào mất, thì các vị sư sãi hội nhau để tìm “nguyên nhân”. Cuối cùng các sư đã tìm ra cái chết của quan trấn là do một cái xà nhà đã rơi hôm trước ở tư dinh mới dựng. Và họ đã cho châm lửa vào tòa nhà mới làm thiêu rụi thành tro. Sau cùng là cuộc ma chay và những lễ nghi tôn kính vị quan quá cố.

Bấy giờ, họ hàng mong muốn cho người quá cố trong dịp này tìm được một người nào trong họ để nhập vào giảng giải cho biết tin tức và tình trạng người quá cố. Và người chị của quan trấn, người được ông yêu quý hơn tất cả những người trong họ nhận được đặc ân đó. Vốn bà đã có tuổi và yếu sức, nhưng khi được hồn nhập bà vứt gậy nhảy múa như người khoẻ mạnh và nói về em mình những điều không thể nghe thấy bằng tai mắt. Khi hồn ra khỏi bà, bà ngã lăn xuống đất, nằm suốt 8 ngày rã rời.

Lễ tang ông được tổ chức với “Những nghi lễ một cách rất trịnh trọng, rất huy hoàng để người quá cố trở thành bất tử và để ghi nhớ, kính trọng và tôn thờ muôn đời…”. Thế là có sắc lệnh của Chúa Nguyễn truyền: trong đám tang không được tỏ ra đau khổ, buồn rầu như những người khác, mà phải mở hội vui linh đình để cho mọi người hiểu ông xứng đáng được vinh dự, được lên ngang hàng với thần thánh.

Xác của quan trấn được đặt trong một quan tài bằng bạc, để trong nhà táng và phải mất 3 ngày đường, đoàn tùy tùng rất đông người đưa linh cửu ông về đến nơi sinh quán.Tới giữa cánh đồng rộng lớn, cách biệt làng mạc, mọi người dựng một tư dinh tạm nhưng được trang trí lộng lẫy như tư dinh của quan ở trước khi mất. Giữa tư dinh, dựng một ngôi đền rất đẹp với một bàn thờ lộng lẫy, trên đó đặt linh cửu được bao phủ rất nghệ thuật với nhiều biển hiệu, bức họa. Đồng thời làm rất nhiều mô hình thuyền chiến (mà lúc sinh thời ông rất ham mê bảo dưỡng), được gắn những bánh xe để đi trên cạn, mô hình voi, ngựa cùng tất cả đoàn tùy tùng ông thường đem theo khi còn sống. Suốt 3 ngày liền cúng tế và làm các nghi lễ với năm – sáu trăm thầy sãi mặc toàn màu trắng. Cỗ bàn công cộng thết đãi trong 3 ngày hơn hai nghìn người, những bậc vị vọng mỗi người một mâm theo tục bản xứ. Sau 3 ngày, châm lửa đốt tất cả đồ mã. Thi hài ông được chuyển đi chôn bí mật, đến 12 điểm và đắp 12 ngôi mộ, nhưng chỉ có một ngôi mộ là có hài cốt. Vì chịu ơn quan trấn nên tất cả các nhà truyền giáo đều có mặt suốt trong thời gian tổ chức các nghi lễ long trọng này.

Chúa Nguyễn truyền lấy 3 năm lợi tức của tỉnh chi phí cho việc ma chay của quan trấn. Trong thời gian 3 năm, chúa không cắt đặt một quan trấn khác thay thế, vì mọi người đều tin chắc hồn người quá cố được liệt vào hàng thần thánh, và có thể tự mình cầm quyền cai trị trong 3 năm đó. Trong khi chờ đợi, chúa đặt người con của người quá cố làm Phó trấn thủ…

Một nhân vật lịch sử được nhà Nguyễn tôn là bậc khai quốc công thần với nhiều công trạng, là “nghĩa đệ” của chúa Nguyễn ở Đàng Trong như Trần Đức Hòa mà tư liệu về ông được biên soạn quá muộn và ít ỏi (sau hơn 200 năm) trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (biên soạn từ 1841 – 1852) và Đại Nam nhất thống chí (biên soạn từ 1865-1882). May mắn chúng ta có thêm bản tường trình của các nhà truyền giáo được viết cùng thời Trần Đức Hòa (1621-1622), đây là nguồn tư liệu quí để bổ sung, đối chiếu với nguồn tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn.

  • Nguyễn Thanh Quang – Lê Vân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề nan ở Trung Chánh   (24/04/2012)
Dấu xưa Quy Nhơn (bài 2)  (16/04/2012)
Dấu xưa Quy Nhơn  (15/04/2012)
Bún riêu cua vị sông Kôn  (14/04/2012)
Chợ nón Gò Găng  (12/04/2012)
Nông dân Bình Định với rau VietGAP  (03/04/2012)
Bản hùng ca Hố Đá Bàn  (31/03/2012)
Những chiến công thầm lặng  (30/03/2012)
Thời khắc lịch sử  (30/03/2012)
Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu  (28/03/2012)
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)
Tâm nguyện các nhà sư tiếp quản chùa ở Trường Sa  (19/03/2012)
Mùa ruốc Vĩnh Hội, Cát Hải  (17/03/2012)
Người Bình Định ở Pleiku  (16/03/2012)