Người mẹ bên cầu Bàu
14:23', 29/4/ 2012 (GMT+7)

Từ cầu Ông Chất (người dân địa phương thường gọi là cầu Bàu) trên quốc lộ 1A nhìn hướng đông - bắc khoảng 200 m là xóm Thượng Văn, thôn Cẩm Văn, nay thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn - cái xóm sát nách Chi khu quận lỵ mà chính quyền ngụy địa phương cho là “điểm đen”, tức xóm cách mạng.

Nhà mẹ Nguyễn Thị Miển là một trong những gia đình cách mạng bên cầu Bàu. Cả gia đình phía mẹ và phía chồng đều ở cùng thôn, cùng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngày chồng thoát ly gia đình đi kháng chiến, người con gái út mới sinh, một nách 5 người con (3 trai, 2 gái), mẹ Miển vừa tảo tần nuôi mẹ chồng và nuôi con ăn học, vừa tham gia cơ sở bí mật, đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội và du kích.

Ba người con trai lớn lên lần lượt tham gia hoạt động cách mạng, bổ sung đội công tác xã và lực lượng huyện. Người con trai đầu, anh Trần Ngọc Tuấn, khi tham gia du kích mật mới 15 tuổi; 18 tuổi thoát ly hoạt động trong đội công tác xã, chỉ huy lực lượng du kích.

Giữa năm 1968, địch đánh hơi khu vực dưới xóm cầu Bàu đến xóm Thượng Văn, giáp xóm Tám (Háo Đức, xã Nhơn An) có nhiều hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội; chúng tung thám báo giả thường dân thâm nhập, dò la, sục sạo tìm cơ sở, hầm bí mật. Vậy nhưng chúng không qua được tai mắt quần chúng cách mạng. Cơ sở kịp thời báo cho anh em đội công tác đang ở dưới hầm bí mật. Anh Trần Ngọc Tuấn, Bí thư xã, cùng tổ du kích, bật tung nắp hầm lên truy kích, trừng trị tại chỗ 2 tên giữa ban ngày.

Ngày hôm sau, Chi khu An Nhơn điều động lính bảo an, dân vệ, biệt kích bao vây khu vực này và bắt bớ, đánh đập một số cơ sở. Chúng tra tấn mẹ Miển dã man, buộc mẹ khai hầm bí mật. Lúc ấy, ngay trong xóm Thượng Văn có một số cán bộ lãnh đạo Huyện ủy, bộ đội, du kích đang được cơ sở nuôi giấu. Ai cũng sợ, vì mẹ Miển là cơ sở cốt cán, đầu mối của mạng lưới cơ sở ở đây; nếu mẹ không chịu nổi đòn tra tấn của địch thì tổn thất cho cách mạng sẽ rất lớn. Nhưng kẻ thù đã không khuất phục được mẹ Miển. Lòng căm thù giặc và ý chí cách mạng của mẹ đã bảo vệ an toàn cán bộ, bộ đội và mạng lưới cơ sở.

Địch hèn hạ bắn mẹ Miển chết ngay trên miệng hầm, khi trên tay mẹ còn ẵm đứa con gái út mới hơn 3 tuổi. Bà con trong làng, xã ai cũng ngậm ngùi xót thương và khâm phục tấm lòng kiên trung, bất khuất của mẹ.

Sau đó, năm 1970 và 1971, liên tiếp hai người con trai của mẹ Miển là Trần Ngọc Tuấn, Bí thư xã, lúc ấy đã là Thường vụ Huyện ủy và em ruột là Trần Ngọc Thanh, Xã đội trưởng, lần lượt hy sinh ngay trên mảnh đất Nhơn Hưng kiên cường. Đầu năm 1972, người con trai thứ ba của mẹ là Trần Ngọc Thu, mới 16 tuổi, vừa thoát khỏi nhà tù của địch, đã bổ sung vào đội vũ trang của xã, tiếp tục chiến đấu theo gương cha, anh và đồng đội.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Miển được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên.

  • TRẦN DUY ĐỨC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội quán người Hoa ở Quy Nhơn  (29/04/2012)
Hành trình các đô thị cổ  (27/04/2012)
Quan trấn thủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa qua tư liệu truyền giáo Đàng Trong  (26/04/2012)
Nghề nan ở Trung Chánh   (24/04/2012)
Dấu xưa Quy Nhơn (bài 2)  (16/04/2012)
Dấu xưa Quy Nhơn  (15/04/2012)
Bún riêu cua vị sông Kôn  (14/04/2012)
Chợ nón Gò Găng  (12/04/2012)
Nông dân Bình Định với rau VietGAP  (03/04/2012)
Bản hùng ca Hố Đá Bàn  (31/03/2012)
Những chiến công thầm lặng  (30/03/2012)
Thời khắc lịch sử  (30/03/2012)
Việt Nam - thiên đường nghỉ hưu  (28/03/2012)
Đồng chí Lê Văn Lương - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực  (27/03/2012)
Làng tăm nhang Bả Canh  (20/03/2012)