Từ xưa dân gian Bình Định đã có câu: “Bồng Sơn có Đặng Đình Minh/ Cùng Trần Quang Diệu kết tình anh em”. Cũng đã từ lâu, con cháu họ Trần ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân nhận danh tướng Trần Quang Diệu là bậc tiền nhân của dòng họ.
|
Tượng thờ Trần Quang Diệu tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung). Ảnh: V.L
|
Tôi người họ Trần ở thôn An Thường, xã Ân Thạnh giáp thôn Vạn Hội. Trong quá trình tham gia nghiên cứu, biên soạn tập “Lịch sử Đảng bộ huyện Hoài Ân 1930-1975”, đầu năm 1999, tôi đã đến nhà ông Trần Sử, hậu duệ đích tôn họ Trần ở Chòm Dinh, thôn Vạn Hội dâng hương hoa lễ vật lên bàn thờ tổ xin phép đọc gia phả. Ông Trần Sử cho biết, tôi là người đầu tiên được đọc gia phả, rồi đưa tôi đi xem ngôi mộ tổ họ Trần có khắc 4 chữ Hán “Trần cao tổ sơ” (cao tổ đầu họ Trần). Tôi xin “coppy” toàn bộ gia phả gốc viết bằng chữ Hán, nhờ ông Võ Văn Sổ ở Trung tâm Nghiên cứu và Dịch thuật Hán Nôm TP Hồ Chí Minh phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa.
Tập gia phả này do cụ Trần Huệ, Tri châu Hoài Ân, hậu duệ đời thứ 5 họ Trần khởi biên ngày 14 tháng 8 năm Thành Thái 3 (1891); hoàn thành tháng 2 năm Thành Thái 4 (1892). Xin trích dẫn tóm tắt gia phả họ Trần đời thứ 1 đến đời thứ 2 ở Vạn Hội, trong đó có nhân vật Trần Văn Điện mà con cháu họ Trần đã nhận chính là Trần Quang Diệu.
Thủy tổ họ Trần gốc Tống Sơn, Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (cùng quê với chúa Nguyễn Hoàng ở ngôi chúa từ năm 1600 – 1613), tước hiệu Vân Long hầu hộ giá chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở mang cương thổ. Vân Long hầu khai phá đất Quảng Nam từ đèo Hải Vân đến vùng đồi núi Cao Đôi, chiêu dân lập xã Văn Quật, được dân địa phương tôn vinh là ông tổ khai canh xã này, liên tiếp 3 đời mở mang cơ nghiệp họ Trần ở đây.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) hậu duệ họ Trần húy danh Trần Văn Tuấn, tước hiệu Hằng Đức hầu mồ côi cha, theo mẹ từ Quảng Nam vào cư ngụ ở vùng trung du huyện Bồng Sơn thuộc phủ Hoài Nhơn, là đời thứ 1 họ Trần ở Vạn Hội (địa phận huyện Hoài Ân ngày nay thuộc huyện Bồng Sơn lúc bấy giờ). Cụ Trần Văn Tuấn giữ chức Hàn Lâm Tri chế cáo, được thăng chức Đại Tư Mã, cầm quân chống quân chúa Trịnh xâm lấn đất Thuận Hóa, bị quân Trịnh vây hãm phải lui vào trấn giữ Quảng Nam, tử trận ngày 7 tháng Chạp năm Mùi (1787).
Cụ Trần Văn Tuấn sinh 6 con trai theo thứ tự đặt tên Văn Trạc, Văn Bạt, Văn Hiên, Văn Đức (chết sớm), Văn Điện, Văn Thiều (không có con nối dõi) và 3 con gái, lập 4 phái nam thuộc đời thứ 2.
Trong số này, Trần Văn Điện học hành uyên bác nhưng ẩn dật không ra làm quan, mất ngày 10 tháng 2 (gia phả không ghi năm mất) chỉ sinh 1 con trai tên Văn Khê, không có con gái.
Thân tộc họ Trần ở Vạn Hội thuộc các phái, các chi từ đời thứ 1 đến đời thứ 5 không có ai tên Trần Quang Diệu, không ít người làm quan dưới thời các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn, từ Gia Long (1802) đến Thành Thái (1889).
Tạp chí Xưa và Nay số 400, tháng 3.2012 đăng bài “Họ Trần ở Hoài Ân với Tây Sơn danh tướng Trần Quang Diệu” của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch lược dịch một phần gia phả họ Trần ở Vạn Hội, nêu mấy điều:
1- Từ những năm 50 của thế kỷ 20, Quách Tấn đã đến thôn Vạn Hội gặp ông Trần Sử. Năm 1965, biên soạn sách “Nước non Bình Định” viết rằng mộ tổ của Trần Quang Diệu hiện còn ở Vạn Hội khắc 4 chữ Hán “Trần cao tổ sơ”, khi nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn, họ Trần sợ phải đốt cả gia phả. Điều này chứng tỏ Quách Tấn không xem mộ tổ cũng không đọc gia phả họ Trần.
2- Năm 1987, TS. Vũ Minh Giang đến xã Ân Tín xác minh, xác nhận ở đây còn ngôi mộ tổ họ Trần khắc 4 chữ Hán “Trần cao tổ sơ”, nhưng người họ Trần không hề biết tới Trần Quang Diệu. Điều này cũng không đúng sự thật, vì từ lâu người họ Trần đã từng nhận họ là hậu duệ của Trần Quang Diệu, ông Giang cũng chưa tận mắt xem mộ tổ họ Trần.
3- Đầu năm 2011, ông Trần Văn Quý ở thôn Vạn Hội 2 nhờ ông Đặng Quý Địch dịch gia phả họ Trần, kể rằng các bậc trưởng lão họ Trần xưa nay mật truyền cụ Trần Văn Điện có tên trong gia phả chính là danh tướng Trần Quang Diệu nhưng ghi là Trần Văn Điện, nhằm che giấu người con trai để khỏi bị giết như Gia Long đã từng chém Trần Quang Diệu, cho voi chà chết Đô đốc Bùi Thị Xuân và con gái mới 15 tuổi. Điều này không đúng với gia phả vì cụ Trần Văn Điện không có con gái, gia phả không ghi tên vợ. Từ những nội dung nêu trên, có những tồn nghi:
- Nếu Trần Quang Diệu chính là Trần Văn Điện đã từng giúp nhà Tây Sơn chống chúa Nguyễn, đối nghịch với cha và các anh mình thì cớ sao cha con, anh em ruột thịt không nhận ra nhau?
- Tại sao họ Trần không bị nhà Nguyễn hãm hại mà lại được trọng dụng, ưu ái?
- Từ câu ca dân gian có người cho rằng, Đặng Đình Minh và Trần Quang Diệu đều là người huyện Bồng Sơn. Đây là điều suy diễn ví như ông A quê Bình Định kết nghĩa anh em với ông B quê Hà Nội thì ông B cũng là người Bình Định?
Theo gia phả gốc họ Trần chưa có cơ sở xác thực để khẳng định danh tướng Trần Quang Diệu quê ở Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, Bình Định. Phải chăng từ truyền thuyết đến “Nước non Bình Định”, lời kể của ông Trần Sử và Trần Văn Quý là sự ngộ nhận?
|