|
NSƯT Văn Bá Anh. |
Nói về ông, tất cả mọi người làm công tác âm nhạc đều khẳng định ông là một nhạc công tài hoa hiếm hoi vì khả năng sử dụng thành thạo cả 3 nhạc cụ chính trong dàn nhạc Tuồng là Trống – Kèn – Nhị .
NSƯT Văn Bá Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề âm nhạc cổ truyền. Ông nội rồi đên ông thân sinh của NSƯT Văn Bá Anh đều nổi tiếng về chơi các nhạc cụ dân tộc như trống, kèn ,nhị và đặc biệt nổi tiếng về chơi dàn trống 12 chiếc trong các dịp lễ trọng tại địa phương.
Tiếp thu nhanh được tinh hoa nghề bởi có năng khiếu tốt nên cậu bé Nghiêu đã sớm chơi thành thạo, điêu luyện với các cây đàn dân tộc.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông tham gia các đoàn hát tuồng nghiệp dư trong tỉnh và sớm nổi tiếng với biệt danh Năm Kèn. Vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp sáng ngời lại tinh thông nghề nghiệp nên Năm Kèn được các ông bầu và đồng nghiệp quý trọng, nhận lương cao, được đãi ngộ rất hậu, nên phong thái của Năm Kèn càng thêm hào hoa.
Năm 1952, ông tham gia Đoàn tuồng Liên khu V – đoàn tuồng cách mạng đầu tiên trên cả nước. Năm 1954, ông cùng Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc.
Ở miền Bắc, Văn Bá Anh dày công hệ thống lại bài bản nhạc tuồng Bình Định, Quảng Nam, hợp nhất thành một hệ thống âm nhạc hoàn chỉnh và ứng dụng tốt khi hoạt động đạt hiệu quả cao tại Nhà hát tuồng Trung ương (gồm tuồng Bắc và tuồng Liên khu V).
Cũng trong thời gian này, ông đã tích cực nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ. Sau ba năm học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội, ông trở thành nhạc sĩ sáng tác và nhạc trưởng. Ông tham gia viết nhạc cho các vở tuồng cổ như Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn. Vở tuồng đầu tiên ông sáng tác nhạc là Lam Sơn khởi nghĩa. Vở diễn này sau đó đoạt huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1957.
Tiếp sau đó ông viết nhạc cho vở Ngọn lửa Hồng Sơn cũng là tiết mục đạt huy chương Vàng Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1960. Ông cùng các nhạc sĩ Nguyễn Viết, Lê Cường, Lưu Hạnh viết nhạc cho vở tuồng Thạch Sanh rồi Trần Bình Trọng đoạt huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Hà Nội năm 1962.
Vừa sáng tác - nhạc sĩ, vừa biểu diễn – nhạc công, tài năng của Văn Bá Anh phát triển rất nhanh, nghề nghiệp trở nên tinh thông, điêu luyện. Tất cả những ngón kèn , ngón đàn và nhịp trống của ông mạnh mẽ như có ma lực hấp dẫn lôi cuốn người nghệ sĩ biểu diễn tỏa sáng trên sân khấu.
Năm 1969, cùng với những nghệ sỹ tên tuổi của ngành Tuồng như NSND Đinh Quả, NSƯT Dương Long Căn, ông được điều qua giảng dạy tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Hà Nội). Ở môi trường mới, NSƯT Văn Bá Anh thể hiện mình là một người rất gắn bó, tâm huyết với âm nhạc tuồng. Ông hệ thống kiến thức, hiểu biết của mình và đồng nghiệp viết thành giáo trình dạy cả Trống, Kèn, Nhị mà đến nay lớp học trò của ông vẫn giữ gìn và sử dụng như cuốn cẩm nang để tiếp tục truyền dạy âm nhạc .
NSƯT Văn Bá Anh thương học trò nổi tiếng. Có những lần giỗ chạp trong nhà, ông không mời khách mà tự tay làm cơm, gọi học trò đến ăn uống vừa để thêm vui, vừa để thêm hiểu biết đoàn kết, và thêm sức học tập. Những học trò qua tay ông đều coi ông như cha. NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh ( Nhà hát tuồng Trung ương ) nghẹn ngào đầy xúc động kể: “Tôi trưởng thành nghề nghiệp được như bây giờ là nhờ chịu ảnh hưởng của thầy tôi – NSƯT Văn Bá Anh. Tôi nhớ từng ngón kèn , ngón đàn cơ bản thầy dạy năm thứ nhất đến những ngón kỹ thuật năm thứ tư. Mãi mãi không thể nào quên. Khi thầy mất, tôi lập bàn thờ người thầy kính yêu của mình!”.
Trong số học trò của NSƯT Văn Bá Anh, nhiều người đã thành danh, có thể kể đến NSƯT Ngọc Khánh, NSƯT Văn Quý , NSƯT Thanh Tỵ, NSƯT Trọng Quế hoặc những nhạc công chủ chốt trong dàn nhạc như nghệ sĩ Văn Díu, Ngọc Quang, Đức Nhã và có người trở thành nhạc sĩ sáng tác, chỉ huy dàn nhạc như Cao Đình Lưu, Gia Thiện…
Nhạc sĩ NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám Đốc nhà hát tuồng Đào Tấn bồi hồi kể lại: “Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thủ đô Hà Nội hân hoan tổ chức lễ diễu hành mừng chiến thắng thống nhất đất nước, lớp chúng tôi khi đó tham gia diễu hành với dàn trống dân tộc, bài năm trống do thầy Văn Bá Anh sáng tác rất hào hùng, tươi vui rộn rã. Đến khi tập luyện bài 12 trống với thầy Văn Bá Anh, tôi mới hiểu ra là thầy đã phát triển bài Nhạc võ Tây Sơn này. Lúc đó , chỉ cầm cây sinh tiền đứng đệm trong dàn nhạc thôi mà lần nào tôi cũng như bị hút hồn vì những roi trống tài hoa, điêu luyện của thầy đến nỗi cứ đứng ngẩn người ra quên cả đánh nên bị thầy nhắc nhở hoài .
Đến giờ giải lao , tôi hỏi và được thầy giải thích… - Thực ra bài 12 trống này có nguồn gốc từ nhạc tế lễ, từ 3 trống rồi phát triển tới 6 trống, 12 trống. Tương truyền là Hoàng đế Quang Trung đã lấy dàn trống 12 chiếc, tạo thành một bài Nhạc võ Tây Sơn gồm bốn phần là Hợp quân, Hành quân, Xung trận phá thành và Khải hoàn. Nghệ thuật chơi 12 trống rất công phu. Người biểu diễn phải múa dùi trống như các bộ võ , có lúc phải trở ngược dùi để đánh. Tiết tấu âm thanh sôi động hào hùng, có lúc diễn tả tiếng ngựa phi, tiếng quân reo vang trời dậy đất. Điều đặc biệt của nghệ thuật chơi 12 trống là trong khuôn nhịp kết bài phải gõ đủ 12 tiếng trên 12 trống, đây là một kỹ thuật rất khó mà không phải ai cũng học cũng trình diễn được.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - 1975, ông cùng Đoàn tuồng Liên khu V trở về quê hương Bình Định tiếp tục tham gia công tác biểu diễn, giảng dạy. Cho đến bây giờ, khán giả Bình Định yêu âm nhạc vẫn còn nhớ mãi ngày mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1977) khi được chính thức trở lại tiết mục độc tấu “Trống trận Quang Trung” nhân dịp khánh thành tượng đài Quang Trung tại công viên Quy Nhơn do NSƯT Văn Bá Anh biểu diễn.
Trở về quê hương, NSƯT Văn Bá Anh tham gia công tác biểu diễn với nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc được 3 năm, đến năm 1979 ông chuyển hẳn qua công tác đào tạo. Các học trò của thầy trong giai đoạn này cũng có nhiều người tài năng, kế tục được sự nghiệp của thầy như NSƯT Văn Bá Hùng, các nhạc công như: Văn Phụng, Hữu Trí, Ngọc Châu.
NSUT Văn Bá Anh mất vào tháng 2.1981, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp và các học trò. Rất nhiều lớp học sinh tuồng được NSƯT Văn Bá Anh đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhiều đoàn tuồng, để rồi những lứa học sinh đó tỏa đi khắp các nơi trên mọi miền tổ quốc và trở thành những nhạc công trụ cột tại các đơn vị tuồng trên cả nước.
NSƯT VĂN BÁ ANH (1922 – 1981) tên thật là Văn Bá Nghiêu, sinh năm 1922 tại thôn Trường Xuân, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Năm 1988, ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. |
|