Ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn những năm chống Mỹ cứu nước có lan truyền câu thơ: “Em ra trận giữa chừng bị đạn. Mẹ chưa về, sữa chị nuôi em”. “Sữa chị nuôi em” là chuyện có thật, đó là chuyện người chị xứ Dừa vắt sữa mình cho một thương binh uống khi anh bị địch bắn gãy chân, chảy máu đến kiệt sức. 38 năm sau, hai nhân vật chính của câu chuyện trên gặp lại nhau…
Cựu chiến binh Lã Viết Quang vốn là chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng, hiện ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, không khỏi bồi hồi khi nhớ về một kỷ niệm cảm động khó quên ở Hoài Châu. Ký ức ấy thôi thúc ông vượt qua những trở ngại về sức khỏe để quay lại Hoài Châu, tìm gặp người chị - mẹ ngày xưa đã cứu sống mình.
Còn bà Võ Thị Đào, là vợ và mẹ liệt sĩ, năm nay 76 tuổi, ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn (xã Hoài Châu sau ngày giải phóng miền Nam được tách ra thành 2 xã - Hoài Châu và Hoài Châu Bắc), cũng chẳng thể nào quên những năm tháng chiến tranh ác liệt, dù quá khứ đã lùi xa gần 40 năm.
|
Tác giả phỏng vấn bà Võ Thị Đào (bên trái) ở Hoài Châu Bắc. |
“Chị đã sinh tôi ra lần thứ hai”
Trung tuần tháng 8 năm 1972, trong đội hình Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, ông Lã Viết Quang cùng đồng đội phối hợp với du kích xã đánh địch nống lấn, bảo vệ xã Hoài Châu mới được giải phóng. Khi Trung đội trưởng Quang bò theo dọc chiến hào kiểm tra các mũi chiến đấu thì bị pháo địch bắn vỡ khớp cổ chân trái. Đồng đội ở cả phía trước, không ai phát hiện ra anh bị thương. Đúng lúc đó, có 4 phụ nữ đi về phía anh. Họ là người dân Hoài Châu đi chợ về bị kẹt giữa trận càn. Người được gọi là chị Bốn (tức chị Võ Thị Đào) không ngần ngại xé ngay vạt áo băng bó vết thương cho Quang, rồi mấy chị em thay nhau dìu thương binh ra khỏi làn đạn đến căn hầm ở bìa làng. Anh thều thào xin nước uống, nhưng lúc này kiếm đâu ra nước. Chị Đào ra miệng hầm, một lát sau quay lại kèm một ly sữa. Nhìn là anh Quang hiểu ngay, anh bảo: “Tôi cần nước thôi!”. Chị Đào nghiêm giọng: “Cố mà uống đi, không ngại gì cả, lúc này tính mệnh anh là trên hết!”. Anh gật đầu, uống ly sữa của người chị còn ấm nóng, uống cả giọt nước mắt giàn giụa của mình. Anh nói với chị: “29 tuổi đầu, uống ly sữa của chị chắc tôi sống lại. Chị đã sinh tôi ra lần thứ hai”. Tối đó các chị đã báo du kích xã và anh được chuyển lên tuyến trên. Ra Bắc, anh viết thư về Hoài Châu nhưng do chia tách xã thành Hoài Châu và Hoài Châu Bắc, anh không nhận được hồi âm.
Ba lần bị tai biến, sức khỏe giảm sút nhiều, nên mơ ước vào lại Hoài Châu thăm ân nhân của ông Quang vẫn xa vời. Năm 2010, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức thăm lại chiến trường xưa. Lần này thì ông quyết tâm đi cho bằng được, dù gia đình lo ngại. Đoàn vào Hoài Châu Bắc và được bà con tiếp đón nhiệt tình. Đồng chí Nguyễn Đức Yên, lúc này là Chủ tịch UBND xã, sau khi nghe câu chuyện của ông Quang, đã âm thầm sắp đặt sự bất ngờ.
Hôm sau, giữa hội trường lớn hàng trăm người, anh Yên lên giới thiệu có một thương binh muốn tìm người đã dùng sữa cứu mình và dẫn anh Quang đến chỗ bà Đào. Sau chút ngỡ ngàng, bà Đào vén ống chân trái của anh Quang lên xem và nói: “Đúng anh ấy rồi!”. Lúc này cả hai ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào, không nói được nên lời. Cả hội trường cũng lặng đi.
Thâm tình hai gia đình
Nhờ những tấm lòng vậy, mà dù đã hàng chục năm rời xa đất Bình Định, các chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn thường xuyên vào ra thăm hỏi, ân nghĩa vẫn tươi rói, tình quân dân cá nước sâu nặng chẳng bao giờ vơi |
Bà Đào có chồng và một con trai hy sinh. Giờ bà sống một mình, cô con gái út đang theo chồng định cư bên Pháp, vợ chồng người con trai ở xóm trên thay nhau chạy qua viếng thăm.
Những ngày ở Hoài Châu Bắc, ông Quang thăm bà Đào và gặp gỡ ba người phụ nữ đã cùng dìu ông trong chiến hào năm ấy, là bà Võ Thị Lạc, Võ Thị An, Nguyễn Thị Khanh. Ai nấy đều rất vui mừng. Vài tháng sau, ông Quang đã đặt vé tàu mời bà Đào ra Hà Nội, nơi con ông đang làm việc. Vợ chồng ông từ Thanh Hóa ra tiếp bà, cùng bà tham quan Hà Nội. Hai gia đình trở thành thân thiết. Con trai bà Đào cũng đã ra Bắc, con trai ông Quang có dịp công tác lại ghé vào Hoài Châu Bắc.
Bà Võ Thị Đào, người phụ nữ vắt sữa mình cho thương binh uống năm trước nay đã 76 tuổi, nhưng còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ở đây, hàng xóm vẫn gọi bà là má Nhương. Má cười: “Hồi đó, má 39 tuổi, con út mới 4 tháng, ở nhà khát sữa, khóc rát cổ, còn mình thì bị kẹt trong trận càn. Má nhớ lúc đó dìu được vô tới hầm thì anh Quang đã kiệt sức, cứ đòi nước. May mà trong hầm có cái ly, má nghĩ ngay đến chuyện vắt sữa cho anh ấy uống. Sau này má biết có một số xã ở Hoài Ân dựng hoạt cảnh chung quanh chuyện này, chắc các anh Sư đoàn 3 về kể lại”.
Trong chiến tranh, cả nước nói chung và ở Hoài Châu, Hoài Nhơn nói riêng, hẳn đâu đâu cũng có những tấm lòng như bà Đào. Có lẽ nhờ những tấm lòng vậy, mà dù đã hàng chục năm rời xa đất Bình Định, các chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn thường xuyên vào ra thăm hỏi, ân nghĩa vẫn tươi rói, tình quân dân cá nước sâu nặng chẳng bao giờ vơi.
|