Bình Định - một khoảng trời thiêng
19:6', 7/7/ 2012 (GMT+7)
  •  GS.TS Nguyễn Thuyết Phong

(Viện trưởng Viện CERA – Việt Nam)

Không biết tự bao giờ Bình Định – Tây Sơn đã trở thành một dấu ấn trong tâm trí tôi. Nhưng có lẽ từ rất lâu, tưởng chừng như hơn 50 năm trước khi tôi nghe đến võ Tây Sơn hay hát bội Bình Định mà trong lòng mình đã thấy kính phục.

Mỗi khi đi theo đoàn hát bội Mai Hoa tham gia ban nhạc hỗ trợ những buổi diễn tuồng Sơn Hậu, được nghe nhắc đến hậu tổ Đào Tấn, gốc gác Bình Định của của nghề này khiến một đứa trẻ non dại như tôi chỉ biết say mê như điếu đổ, dù chưa biết Bình Định là nơi đâu. Nhưng sao nghề hát xướng lại thâm thúy đến thế! Nó làm “mủi” lòng nhiều người và chinh phục hàng triệu trái tim! Địa danh Bình Định đã đi vào hồn tôi từ thủa xa xôi ấy!

 
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung.(ảnh TL)

Rồi tôi đã được vinh hạnh có mặt nơi đây, vùng đất mà tôi cảm nhận được nét tôn quý để lắng nghe, ôn lại câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh- một danh nhân văn hóa thế giới đã từng sống ở đây cả năm trời trước khi vào Nam và rời bến Nhà rồng tìm đường cứu nước, tôi càng cảm thấy trái tim mình xích lại gần với thực tế của lịch sử hơn.

Nhân đọc quyển “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” tôi được dịp tiếp cận cụ thể hơn qua tài liệu lịch sử vô cùng quý báu về danh nhân thế giới Hồ Chí Minh cũng như toàn cảnh về Bình Định ở thế kỷ 20. Những chứng tích hết sức sinh động của một thời, của một đời người cao quý như Bác Hồ và mối tương quan với Bình Định. Nhưng từ đó, tôi có cảm giác như mình đang đứng trước một bối cảnh lịch sử của đất nước cực kỳ hùng vĩ và sống động. Những thành tích của con người và sức sống hiện rõ ở một vùng trời đầy ý nghĩa. Thật đáng quý để chúng ta quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu cho đến tận cùng vùng đất Bình Định nổi tiếng nhưng tôi chỉ  xin mạn đàm về cái nhìn của mình từ góc độ Nhân học văn hóa (Cultural Anthropology) căn cứ vào những yếu tố khách quan của vấn đề.

Văn hóa kiến tạo

Từ một cái nhìn toàn cảnh đất nước Việt Nam, đất Bình định là đất kiến tạo địa  linh nhân kiệt. Không như một số các tỉnh khác, Bình Định có một địa thể đầy đủ các môi trường sinh thái: Biển, núi, đồi, sông ngòi, đầm phá, đồng bằng và hải đảo. Nếu sinh thái được xem là tác dụng trực tiếp với cuộc sống vật thể lẫn tinh thần của con người, thì người Bình Định có khả năng trông xa ra biển, ngẩng nhìn lên núi và cười với đồng lúa xanh bạt ngàn. Từ thời đại Văn hóa Sa Huỳnh đến ngày nay, vùng đất Bình Định đứng vững với chuỗi thời gian dài vô tận mà xuyên qua đó nhiều nền văn hóa tích tụ, chồng lên nhau thành những giai tầng chất ngất, càng lúc càng vững mạnh hơn. Đến nay Bình Định trở thành đỉnh cao nhất của “Kim tự tháp” văn hóa  được kiến tạo với vô số những đóng góp của không biết bao nhiêu thế hệ Việt - Chăm.

Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Lâm Châu, Đồ Bàn, Thị Nại, Hoài Nhơn, An Lão, Phủ Quy Nhơn, Quy Ninh, dinh Bình Định, trấn Bình Định, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Phú…, tỉnh Nghĩa Bình và sau cùng trở lại tên gọi chính thức là tỉnh Bình Định. Nhìn vào bản đồ tiến trình lịch sử xây dựng mảnh đất này, chúng ta không khỏi choáng váng về những thay đổi địa danh như trên. Một vùng đất “cửa ngõ”, đồng thời cũng là bàn đạp chiến lược đi về phương Nam. Phương ngữ, dấu giọng địa phương từ các nơi phía Bắc (Huế - Quảng) đổ về đây, dần dần giảm thiểu sự chấn động, gay gắt, hoặc khệnh khạng trong âm hưởng khó nghe, bỗng trở nên dịu lại qua sự chung sống, trà trộn, hòa quyện của không biết bao nhiêu người.

 
Biểu diễn võ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.(ảnh TL)

Hiện tượng nay tên cũ đổi thành tên mới này cũng có nghĩa tạo môi trường tiếp nhận một cách năng động những yếu tố đa phương về các mặt xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, phương ngữ và ngôn ngữ, tộc người… Chăm, Bahnar, Hrê, cũng như các dân tộc khác hiện diện ở đây tạo thêm sự trao đổi văn hóa và màu sắc hóa vùng đất này thêm lóng lánh. Vì thế, không ngạc nhiên khi xem hát bội chúng ta thấy các nhân vật thuộc tộc ít người đi thẳng vào tuồng tích, điều ít khi thấy trong loại kịch nghệ truyền thống khác. Gia tài văn nghệ dân gian hẳn nhiên thể hiện tư duy, ứng xử, nếp sống của con người khai phá qua các loại bài chòi, vè, hát đố, hát đối, hát huê tình… Nổi bật hơn hết là vè chàng Lía với 1.438 câu, một số lượng cực kỳ to lớn ấy đã thực sự vượt quá những trường ca Heike Monogatari (Nhật Bản), tổng lượng thơ ca về người nữ anh hùng dân tộc Jeanne d’ Arc (Pháp), hay những ballads (dân ca truyện kể) của Hy Lạp hoặc Bắc Âu. Những khía cạnh nhân văn này không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn đi sâu trong nghiên cứu về “Người Bình Định”.

Mảnh đất học thuật, danh nhân kiệt xuất

Trong văn hóa kiến tạo (innovative culture), con người không ngừng suy nghĩ và phát triển kiến thức. Chính mảnh đất Quy Nhơn - Tây Sơn, hay nói đúng hơn là cả vùng mang tên Bình Định đã cống hiến cho đất nước ta thời cận sử một niềm vinh quang và hãnh diện về nhiều mặt.

Càng hãnh diện hơn nữa là danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam có một không hai: Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải Tây Sơn vùng lên cùng thời và có thể so sánh như một Napoleon Bonaparte (1769 – 1821) hay các Daishôgun (Đại tướng quân) Tokugawa thống lĩnh nước Nhật xưa kia.

Về mặt giáo dục, học thuật và hành chính, chúng ta không khỏi khâm phục những nhân tài sinh ra, trưởng thành, hoặc đến cư trú nơi vùng đất thiêng này. Bắt nguồn từ giáo dục truyền thống với trường Thi Hương Bình Định cho đến giáo dục (giáo dục Pháp - Việt) nổi tiếng như Alliance Franscaise hay Ecole Franco – Annamite. Một Đào Tấn làm rạng danh nền học thuật, quan trị và nghệ thuật Việt Nam. Một ông quan cấp cao đồng thời cũng là nhà giáo, nhà thơ, nhà viết kịch có một quá trình bản thân hiếm có trong lịch sử, một con người mà ngay cả Bác Hồ cũng ngưỡng mộ, kính yêu. Nơi đây cũng đã sinh ra những nhân tài xuất chúng, nổi tiếng trong cả nước như Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân, đến án sát Nguyễn Văn Đàm. Cũng không quên nhắc đến những bậc anh hùng, những nhà yêu nước bất tử như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, cùng các danh sĩ lừng danh như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn... cho đến nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang và các GS, TS…  mà nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn còn đang quyết tình phát hiện thêm.

Chúng ta cũng không quên sức hút mãnh  liệt của Bình Định (từ những yếu tố khách quan cũng như chủ quan) khiến nhiều người đã đến đây sống và hoạt động. Chúng ta đọc lại lịch sử Bình Định và hiểu rằng ông giáo Phạm Ngọc Thọ (con cụ Phạm Ngọc Quát) quê ở Hạnh Thông Tây (Gia Định, nay là Gò Vấp) và đặc biệt hơn nữa là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy từ đất Nghệ An xa xôi cũng được bổ nhiệm đến làm tri huyện trên đất Bình Khê - quê hương của những anh hùng áo vải Tây Sơn.

Từ câu chuyện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy dẫn đến việc người con yêu quý của cụ là Bác Hồ đến đây, nơi vùng đất huyền thoại, kỳ bí này, khiến tất cả chúng ta chung sức phát hiện  những khía cạnh mới qua một cái nhìn khách quan. Nếu “nghiên cứu là con đường đi không bao giờ đến” giả thuyết được đặt ra và cần xác minh ở đây: Phải chăng đất Bình Định là một khoảng trời thiêng liêng do tổ tiên kiến tạo và tích tụ những nhân tài kiệt xuất cho đất nước Việt Nam.

  • GS.TS: NTP
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người chị Hoài Châu vắt sữa cứu thương binh  (06/07/2012)
Về Quy Nhơn ăn cua huỳnh đế  (30/06/2012)
Thiếu nữ Tây Nguyên: ‘Kiếm củi bắt chồng”   (30/06/2012)
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt  (24/06/2012)
Tổ chức lễ kỷ niệm 259 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung  (23/06/2012)
Tìm lại ký ức trong tên gọi B’lao  (21/06/2012)
Thành nhà Hồ: Hướng mở thổi hồn cho di sản   (16/06/2012)
Về Đề Gi, nếm gỏi cá mai…  (11/06/2012)
Kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu   (05/06/2012)
“Phủ” đơn vị hành chính ở Bình Định ngày xưa  (28/05/2012)
Lặn nhum ở "thung lũng tình yêu"  (24/05/2012)
NSƯT Văn Bá Anh - Một nghệ sĩ, một người thầy  (21/05/2012)
Mực nháy Nhơn Châu  (19/05/2012)
Góp phần tìm hiểu quê hương danh tướng nhà Tây Sơn - Trần Quang Diệu  (17/05/2012)
Lung linh đêm Quy Nhơn  (16/05/2012)