Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi cây Xay, xưa là ấp Hi Tường, xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn nay là thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
|
Mặt trước Chùa Thắng Quang.
|
Theo truyền thuyết thì núi cây Xay là nơi địa linh, các nhà phong thủy xưa cho núi này là đầu rồng. Chùa có hai bậc sân thấp và cao, qua khỏi cổng chùa là bậc sân thấp, tiếp theo là bậc sân cao nằm trước chánh điện. Ngày xưa chỗ sân thấp bây giờ là một cái hồ, nước có quanh năm, dẫu gặp nắng hạn hồ vẫn đầy nước bởi có nhiều mạch nước ngầm dồn về. Hồ đó có tên là Long thiệt hồ (Hồ lưỡi rồng). Phía hữu hồ Long thiệt có một cái hang đá, trong đó có hai con cọp trắng một mẹ một con ẩn náu, khiến dân quanh vùng không dám vãng lai, trở ngại lớn cho những người sống bởi nghề rừng.
Vào khoảng năm Nhâm Thân (1692) dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu nhằm niên hiệu Chính Hòa đời vua Hi Tông nhà Lê, bỗng một hôm người ta thấy có một nhà sư chẳng biết từ đâu tới, xăm xăm lên núi, bỏ mặc sau lưng tiếng vói gọi của dân làng. Người ta cứ nghĩ rằng nhà sư ắt bị cọp làm hại, nhưng kể từ hôm ấy trở đi đêm nào cũng có ánh đèn tỏa sáng giữa hồ, người ở xa cũng thấy. Mấy hôm sau, người ta thấy nhà sư phát dọn cây cối quanh hồ. Có người đánh bạo lên núi gặp nhà sư thì được sư cho biết hai cọp đã được thuần hóa rồi, từ nay chúng sẽ ở yên trong hang để dân làng vào núi hái củi đốt than; chúng chỉ đi kiếm thức ăn về đêm và cũng không bao giờ xuống tới chân núi.
Người ấy về nói lại, mọi người vô cùng hoan hỷ. Sáng hôm sau, Hương chúa ấp Hi Tường cùng các bô lão và dân làng lên núi gặp sư. Họ xin phép sư cho cất một cái am tranh trên khoảng đất trống phía sau hồ để thỉnh sư trụ tại đây tiếp tục hàng phục thú giữ bảo vệ cho mọi người. Nhà sư đồng ý, chỉ đề nghị xây dựng đơn sơ để đỡ hao công tốn của, sư cũng cần nhập thất tuần để tiếp tục thuần hóa hai con cọp. Ngay hôm ấy dân ấp Hi Tường khởi công vào núi đốn gỗ, cắt tranh, bứt dây mây đem về. Dân các ấp lân cận nghe biết cũng kéo nhau đến chung làm. Cũng bởi núi có nhiều cây gỗ tốt, vật liệu xây dựng có thừa, thợ thầy cũng khá đông đảo nên chưa đầy mười hôm mà thảo am đã cất xong, đúng hôm thiền mãn khai quan, nhà sư từ trong hang cọp bước ra, thấy am cất to lớn, chẳng thua gì một ngôi chùa, sư có vẻ trầm ngâm. Đến chừng hương chúa và bô lão ấp Hi Tường thỉnh sư vào am làm lễ an vị Phật rồi, một vị bạch xin sư cho biết pháp hiệu và đặt tên am.
Sư thản nhiên bảo: “Đây là linh địa, bần đạo không có duyên với núi này. Cũng vì nghiệt súc tới đây tác oai tác quái mà phải theo chúng tới đây. Chờ đến bao giờ hóa độ chúng xong thì bần đạo lập tức trở về núi cũ. Sau này sẽ có một vị Thiện trí thức đến khai sơn thì nơi này sẽ trở thành bảo sở. Vì vậy không cần thiết phải biết tên tuổi của bần đạo mà mọi người nên lo tu hành để gieo nhân lành. Từ nay trở đi mọi người có thể đến am vào các ngày sóc vọng cùng lễ lớn để lễ phật, những ngày khác xin miễn tới bởi bần đạo cần có sự yên tĩnh để thanh tu. Việc y thực xin đừng bận tâm bởi bần đạo có thể tự cung tự dưỡng”.
Cứ như thế 25 năm trôi qua, bấy giờ vào năm Đinh Dậu (1717) dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, nhằm niên hiệu Chính Hòa đời vua Hy Tông nhà Lê, có đến mấy đêm liền dân làng không thấy ánh đèn sáng trên hồ trước am thì lấy làm lạ bèn rủ nhau lên núi, lúc đi ngang qua hang cọp thì nghe có mùi thối từ trong tỏa ra bèn đánh bạo vào hang thì thấy hai cọp đã chết từ bao giờ. Họ kéo lên am tìm khắp nơi chẳng thấy sư đâu. Họ biết là sư đã rời núi sau khi hai cọp vừa chết, đúng như lời ngài thọ ký 25 năm trước. Họ bùi ngùi nhớ tiếc bèn xây một ngôi tháp vọng bên hữu am để hằng ngày thắp hương tưởng niệm ngài. Họ cũng lấp kín miệng hang để bảo toàn di thể hai cọp, họ nhớ tới lời thọ ký tiếp theo của nhà sư bí mật như rồng thần: “kiến thư bất kiến vỹ” mà mong ngóng vị Thiện trí thức sớm đến để cải am làm chùa và đặt tên cho ngôi chùa mới.
Quả nhiên trời phật không phụ lòng mọi người chẳng bao lâu sau đó có Hòa Thượng Minh Giác Kỳ Phương thừa đời pháp thứ 34, vừa kế vi trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà ở huyện Tuy Viễn, nay là huyện An Nhơn; trên đường vân du ngang huyện Bồng Sơn nghe đồn sự lạ ở núi cây Xay bèn đến thẳng nơi đây. Tin đệ tử cao túc của Hòa Thượng Nguyên Thiều là Hòa Thượng Kỳ Phương lên núi cây Xay chẳng mấy chốc lan truyền nhanh chóng. Hương chúa ấp Hi Tường cùng các bô lão và dân làng đã túc trực sẵn dưới chân núi nghênh đón ngài. Khi ngài vào đến am lễ phật xong, một vị trưởng lão thay mặt mọi người tác bạch lên ngài sự lạ đã xảy ra tại đây 25 năm trước và thỉnh cầu ngài đứng khai sơn am này như lời thọ ký của Thiền sư ẩn danh đã khai sáng ra nó. Hòa Thượng vui vẻ nhận lời. Sau đó một buổi lễ trọng thể được tổ chức tại đây, trước sự chứng kiến của chư sơn hai phủ Hoài Nhơn và Tư Nghĩa Thắng Quang Tự chính thức khai sanh. Xong việc ngài trở về chùa Thập Tháp, để một đệ tử hiệu Thiện Trực pháp danh Thiệt Tâm ở lại làm trụ trì Thắng Quang Tự. Từ ấy về sau, vì nhu cầu mở rộng sân chùa để đủ chỗ dung nạp tín đồ về chùa dự lễ hằng năm mà hồ đã bị lấp dần. Hang cọp cũng bị lấy đất đá lấp hồ nên nay không còn di tích. Khi phá hang, người ta đã lấy hai bộ xương cọp đặt vào hai chiếc hộp gỗ đem vào chùa đặt vào một khám thờ bên hữu điện, gọi là am Bạch hổ. Hai bộ xương cọp theo thời gian bị mục nát dần, đến năm 1947 thì chiếc răng cọp cuối cùng cũng đã biến khỏi chùa. Về tổng thể kiến trúc của chùa được sắp đặt một cách khoa học và giàu tính thẩm mĩ như sau:
Từ cổng chùa đi vào sân vuông thấp, nơi xưa kia là hồ Long thiệt, tiếp theo là bậc sân cao, leo lên mấy bậc thềm thì tới tiền đường. Tiền đường là một ngôi nhà ngang, mặt hướng về nam, dài 12m, rộng 5m, diện tích 60m2, mái cong chồng diêm, đỉnh cao 8m, hai bên có lầu chuông lầu trống, giữa có 3 cửa vào chánh điện. Chánh điện hai cái nhà dọc phân làm thượng điện, hạ điện, nối liền với tiền đường thành hình chữ đinh. Hạ điện đứng trước, ngang 8m, dọc 7m, diện tích 56m2, cao 6m. Thượng điện đứng sau ngang 8m dọc 5m, diện tích 40m2, cao 7m, toàn bộ kiến trúc rất vững chãi nhưng không nặng nề mà khỏe khoắn, trên nóc tiền đường có chạm khắc hai rồng chầu chữ Vạn. Cổ lầu phân ô, ô giữa đắp nổi ba đại tự bằng chữ Hán: “Thắng Quang Tự”, ô bên tả đắp 4 chữ “Phật nhật tăng huy” (Mặt trời Phật ngày càng thêm sáng), ô bên hữu đắp 4 chữ “Pháp luân thường chuyển” (Bánh xe pháp luân quay đều). Bên dưới, hai bên ba cửa vào chánh điện đều có biển chữ. Câu liễn hai bên cửa giữa:
“Phật tức tâm, tâm tức Phật, tâm trai thành Phật
Nhân hoằng đạo, đạo hoằng nhân, đạo bất viễn nhân”
Dịch nghĩa:
Phật là tâm, tâm là Phật, tâm sạch thành Phật
Người mở đạo, đạo mở người, đạo chẳng xa người.
Bước qua ngạch cửa giữa Tiền đường, một tấm hoành chạm tứ linh khá đẹp, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, treo trên gian giữa được đắp bằng chữ hán: “Sắc tứ Thắng Quang Tự”. Trên hoành hàng chữ nhỏ bên tả là dòng chữ hán: “Bảo Đại thập ngũ niên nhị nguyệt thập cửu nhật” (Năm Bảo Đại thứ 15 tháng 2 ngày 19 tức 27.3.1940); hàng chữ nhỏ bên hữu: “Lễ Công bộ Đại thần Tôn Thất Quảng cung lục”
Trên lầu chuông có treo một quả hồng chung khá đẹp, chuông được đúc bằng đồng, cao 1m cả quai, đường kính 0,65m, nặng khoảng trên 200kg. Trên thân chuông, có khắc nhiều chữ hán, trong đó có dòng chữ: “Nam Vang Kim Quang tự; Húy Đạt huệ, thượng thiền hạ định hiệu Yết ma phụng cúng Thắng Quang Tự” (Yết ma pháp danh Đạt Huệ, pháp tự Thiền Định trụ trì chùa Kim Quang tại thành Nam Vang, thủ đô nước Cao Miên, kính cẩn cúng chuông này cho chùa Thắng Quang)
Trên lầu trống thuở xưa có chiếc trống dài 1m50 đường kính 1m, thân trống làm bằng gỗ Xay nhưng do chiến tranh tàn phá nên nay không còn nữa mà chỉ có chiếc trống nhỏ hơn, thân bằng ván ghép nhiều mảnh.
Trên diềm gian giữa Thượng điện đắp 4 chữ hán: “ Đại Hùng Bảo Điện”. Bên dưới tôn trí pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng ngồi thiền xếp bằng trên tòa sen sơn đỏ làm bằng xi măng. Tượng cao 1m nặng khoảng 300kg. Tòa sen cao 0,5m, tượng cấu trúc cân đối, đường nét hài hòa, mắt thì nhắm mà miệng như mỉm cười làm nên vẻ mặt rất sống động. Về mặt mỹ thuật pho tượng này không thua bất cứ pho tượng cổ nào hiện còn. Đây được xem là một trong những bảo vật quý và có giá trị mà chùa còn lưu giữ được. Còn về niên đại thì tượng đã có tại chùa Thắng Quang trước năm 1822, bởi theo bản di chúc của ngài Bảo Tạng thì ngài có nói năm này ngài tới Thắng Quang thì thấy: “Tự trung hữu Phật tượng tướng hảo quang minh” (giữa chùa có tượng Phật tướng tốt rạng rỡ).
Ở hai gian tả hữu của Thượng điện, đứng trên hai bàn thờ riêng biệt là hai pho tượng hai vị tôn giả là Ca Diếp và A Nan, tượng bằng gỗ, cao 1m, điêu khắc khá sắc xảo.
Ở Hạ điện, trên bàn hộ pháp, có tượng Hộ pháp bằng đá cũng khá đẹp. Trở lên là 4 pho tượng cổ. Phía tả chánh điện là Đông đường làm nhà khánh, phía hữu chánh điện là Tây đường làm nhà Tổ và Phương trượng của sư trụ trì. Trên bàn thờ tổ chùa Thắng Quang hôm nay chỉ còn xót lại ba long vị tổ khai sơn Minh Giác Kỳ Phương đời pháp 34 (giữa), Đệ tam tổ Thiệt Tâm Thiện Trực đời pháp 35 (tả) và Đệ ngũ tổ Toàn Định Bảo Tạng đời pháp 37 (hữu).
Ngoài ra bên hữu Tây đường là Tháp vọng vị Thiền sư ẩn danh khai sáng Thắng Quang tự. Tháp xât từ năm 1717, đến năm 1840, ngài Bảo Tảng trùng tu, hầm vôi làm hồ ba ta nên tháp vô cùng kiên cố, chịu đựng nổi chẳng những với thời gian mà cả với bom đạn trong chiến tranh. Cho đến hôm nay, tháp vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Có thể nói rằng Chùa Thắng Quang (hay chùa Cây Xay) là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu giữ được những giá trị quý báu của lịch sử phát triển Phật giáo trên đất Bình Định. Nơi đây sẽ hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn của du lịch tâm linh và trong thời gian tới hi vọng chùa sẽ sớm được công nhận là di tích cấp tỉnh.
|