5 liệt sĩ có thành tích đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Nhớ đến công trạng của họ cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những tấm gương hy sinh cao cả.
AHLLVTND Biên Cương
AHLLVTND Biên Cương tên thật là Nguyễn Phụng Khuông, sinh năm 1929, ở thôn Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thị xã Quy Nhơn trong thời kì chống Mỹ, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Biên Cương gắn liền với những chặng đường đấu tranh quyết liệt, tự hào của nhân dân Bình Định.
|
Thân nhân của AHLLVTND Biên Cương và AHLLVTND Đinh Sẵn nhận Bằng danh hiệu AHLLVTND tại Lễ Truy tặng danh hiệu AHLLVTND và gặp mặt các đối tượng chính sách tiêu biểu nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2012); do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn tổ chức ngày 24.7. Ảnh: PHI HÙNG |
Tháng 7.1960, phong trào cách mạng tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, nhờ khả năng tổng hợp tình hình thực tiễn nhanh nhạy, đồng chí đã đề xuất nhiều ý kiến chỉ đạo có giá trị. Trong 2 năm 1962 và 1963, khi kế hoạch phá “ấp chiến lược” gặp khó khăn, đồng chí đề xuất “…địch chỉ cứng vùng giáp ranh, bên trong sẽ sơ hở, cho lực lượng thọc sâu, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược…”. Ý kiến đó được Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện thành công, nhất là trong chiến dịch “Đồng khởi khu Đông”, giúp giải phóng hoàn toàn 8 xã, 50 thôn với 130 ngàn dân.
Trong những năm 1965-1967, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, mở nhiều cuộc hành quân “tìm, diệt”, liên tục càn quét vào khu Đông và Núi Bà - khu căn cứ của tỉnh và Quy Nhơn, gây nhiều tổn thất cho cách mạng. Trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng Quy Nhơn, với tinh thần chủ động tiến công địch, đồng chí đã kiên trì bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở, khôi phục phong trào; đồng thời mưu trí, đưa cả cơ quan Thị ủy vào sát thị xã, tổ chức xây dựng bàn đạp vùng ven khá vững. Nhờ vậy, lực lượng cách mạng thị xã không những được bảo toàn mà còn phát triển vào nội thị. Đầu năm 1967, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo LLVT Quy Nhơn tổ chức 6 trận tập kích vào các cơ sở quân sự và khu hậu cần của địch trong thị xã, diệt hơn 100 tên Mỹ, đánh thiệt hại 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 trung đội bảo an, 2 trung đội dân vệ, phá hủy 30 triệu lít xăng… tạo tiền đề cần thiết cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).
Cuối tháng 1.1968, đồng chí Biên Cương trực tiếp chỉ đạo và cùng với một bộ phận của Tiểu đoàn Đặc công tỉnh đánh chiếm, làm chủ Đài phát thanh của địch trong nhiều ngày đêm. Trước sự phản kích liên tục của địch, đồng chí và các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, đánh lui các đợt phản kích, diệt hàng trăm tên địch. Biết đồng chí gặp nguy hiểm, tổ chức bố trí đưa đồng chí ra ngoài, đồng chí nói: “Chiến sĩ còn đang đánh giặc, tôi không thể đi được”. Đồng chí Biên Cương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi rút chốt quả lựu đạn, bình thản chờ địch đến gần mới cho nổ, diệt thêm một số tên và anh dũng hy sinh.
Ngày nay, tên hoạt động cách mạng của đồng chí Biên Cương được đặt cho 3 đường phố lớn ở TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Hoài Nhơn.
AHLLVTND Đinh Sẵn
AHLLVTND Đinh Sẵn sinh năm 1930, trong một gia đình bần ngư có truyền thống cách mạng ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Với tinh thần mưu trí, quả cảm, những chiến công tiêu biểu của đồng chí Đinh Sẵn gắn liền với các trận đánh, phục kích tiêu diệt lính Mỹ và ác ôn.
Năm 1950, đồng chí Đinh Sẵn nhập ngũ. Đến năm 1954, đồng chí được Đảng phân công ở lại hoạt động ở chiến trường miền Nam. Là Thị đội phó thị xã Quy Nhơn, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngại gian khổ, hy sinh, kiên cường trụ bám, xây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu 103 trận lớn nhỏ, diệt 169 tên địch, bắt sống 31 tên, thu 126 súng các loại, bắn rơi một máy bay F5E, đánh chìm một tàu chiến Mỹ và 1 bobo…
Đồng chí Đinh Sẵn đã hy sinh anh dũng vào ngày 12.12.1968, khi đang chỉ huy một tiểu đội chiến đấu với một tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên đánh vào cơ quan Thị đội Quy Nhơn.
AHLLVTND Võ Sáu
AHLLVTND Võ Sáu sinh năm 1911, ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Tham gia cách mạng từ những ngày đầu thành lập Đảng, trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, đồng chí Võ Sáu là tấm gương sáng ngời lòng yêu nước, ý chí không khuất phục trước kẻ thù.
|
Ông Phạm Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát trao Bằng danh hiệu AHLLVTND của liệt sĩ Nguyễn Thị Chuẩn cho chị Mai Thị Bích Vấn, con gái của liệt sĩ. Ảnh: THỤC QUYÊN |
Là đội viên của Đội công tác xã Hoài Châu (thành lập đầu năm 1960), đồng chí Võ Sáu xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng làm nòng cốt lãnh đạo quần chúng đấu tranh, gây cho địch nhiều tổn thất. Năm 1963, địch dùng lực lượng triển khai nhiều hướng để phá vỡ phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng chí Võ Sáu bị bao vây và bị bắt vào sáng ngày 3.3.1963 tại Hố Cây Lội (xã Hoài Châu). Trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết. Giặc dùng bạo hình, lấy dây cột cổ đồng chí kéo đi trên đường núi dốc đá, rồi mổ bụng, cắt tim, gan để răn đe tinh thần cách mạng của nhân dân địa phương.
Những lời thách thức kẻ thù của đồng chí Võ Sáu như còn sống mãi trong lòng dân: “Người chỉ huy, đồng đội, đồng chí của tao rất nhiều, cơ sở cách mạng ở khắp mọi nơi”.
AHLLVTND Nguyễn Thị Chuẩn
AHLLVTND Nguyễn Thị Chuẩn sinh năm 1930, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Từ năm 1964-1965, Nguyễn Thị Chuẩn là cán bộ đấu tranh chính trị thôn, được giao làm hầm bí mật che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội trong nhà và dẫn đoàn phụ nữ đấu tranh trực diện với địch ở Phù Cát, Quy Nhơn. Bị địch bắt giam, bất chấp sự tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn một lòng với cách mạng. Vượt ngục trở về, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1965, xã Cát Khánh được giải phóng, đồng chí được Huyện ủy giao làm Đội trưởng Đội du kích kiêm cán bộ phụ nữ xã. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đội du kích xã đã có nhiều trận đánh táo bạo, tạo điều kiện cho các đơn vị của tỉnh đẩy lùi địch ra xa địa bàn xã Cát Khánh, mở rộng tuyến hành lang Núi Bà.
Từ các năm 1966-1968, hoạt động cách mạng của đồng chí Chuẩn gắn liền với nhiệm vụ du kích mật, vừa rải truyền đơn, nắm tình hình địa bàn, tiếp tế lương thực cho căn cứ, vừa tổ chức du kích mật thực hiện diệt ác phá kiềm. Đặc biệt, trong một lần vận chuyển lương thực về cứ, khi phát hiện lính Nam Triều Tiên phục kích có cài mìn claymo, đồng chí đã bình tĩnh, mưu trí quay hướng mìn về phía địch để chúng tự bị tiêu diệt.
Ngày 27.12.1968, hầm bí mật bị chỉ điểm, đồng chí Chuẩn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hành động hy sinh anh dũng của đồng chí đã được truyền, kể lại cho nhân dân, cán bộ, nhất là lực lượng trẻ đang cầm súng đánh Mỹ lúc bấy giờ, tạo khí thế thi đua sổi nổi giết giặc lập công...
|
Bà Hoàng Thị Bảo, vợ của AHLLVTND Biên Cương xúc động phát biểu cảm tưởng tại Lễ Truy tặng danh hiệu AHLLVTND và gặp mặt các đối tượng chính sách tiêu biểu nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2012); do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn tổ chức ngày 24.7. Ảnh: PHI HÙNG |
AHLLVTND Phan Năm
AHLLVTND Phan Năm sinh năm 1937, quê ở Nhơn An, An Nhơn; thoát ly tham gia hoạt động trong Đội vũ trang công tác xã từ tháng 10.1961, với bí danh Hoàng Anh. Cùng với Đội vũ trang công tác khu Đông An Nhơn, đồng chí đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy, tổ chức đồng khởi thắng lợi ở điểm Thuận Thái, xã Nhơn An, mở ra phong trào Đồng khởi ở khu Đông và cả huyện.
Đầu năm 1963, Phan Năm là một trong những người thành lập Chi bộ Đảng liên xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh. Tháng 5.1963, đồng chí cùng Đội vũ trang công tác xã Nhơn An đánh vào trụ sở hành chính xã Nhơn Hạnh, diệt và làm tan rã 2 trung đội dân vệ. Tháng 6.1963, đồng chí đã tham gia diệt nhiều tên ác ôn địch ở An Nhơn.
Đầu năm 1966, quân địch càn quét đánh phá dữ dội. Một số cán bộ, đảng viên hy sinh, phong trào cách mạng ở xã Nhơn An và khu Đông gặp khó khăn. Là Bí thư xã Nhơn An, đồng chí đã tiếp tục lãnh đạo phong trào, tổ chức lực lượng bám dân để hoạt động. Đồng chí Phan Năm đã cải trang diệt 4 tên lính Mỹ, phá hủy xe quân sự; trực tiếp trừng trị một tên ác ôn cùng 7 tên địch ngay trong lòng địch giữa ban ngày. Địch ra thông báo trao thưởng lớn cho ai “bắt hoặc giết được tên Việt cộng Hoàng Anh”.
Cuối năm 1972, do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí được điều động về công tác tại Thị ủy Quy Nhơn. Ngày 28.12.1973, trên đường đi công tác, đồng chí đã bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh ở xã Nhơn Thạnh (nay là phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).
(Theo hồ sơ của Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) |