Giáo sư, Viện sĩ Hàn lâm khoa học Paris – New york – Eurozone, Tiến sĩ quốc gia Cộng hòa Pháp: Trần Đình Sơn, sinh ngày 28.8.1939 tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước.
|
GS.VS Trần Đình Sơn cùng các đồng nghiệp tại Pháp.
|
Dù du học, sống và làm việc tại Paris (Pháp) nhưng tâm hồn GS.VS. Trần Đình Sơn luôn hướng về nguồn cội. Ông vừa từ trần ngày 14.7.2012. Thực hiện nguyện ước cuối đời của ông “lá rụng về cội”, gia đình và tộc Trần – Cảnh Vân đưa thi hài ông từ Paris về an táng tại Núi Thơm, thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước hôm 28.7.
GS.VS. Trần Đình Sơn là con trai thứ cụ Trần Đình Tân. Một dòng dõi khoa bảng; cụ Trần Đình Tân đậu cử nhân Hán học năm 1915, làm đến chức Thương tá Tỉnh vụ Ninh Thuận (hàm ngang Án sát) về hưu năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ giữ chức Hội trưởng Liên Việt huyện, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học Bình Định. Cụ mất năm 1979, thọ 86 tuổi. Tác phẩm của cụ còn để lại rất nhiều, gồm thơ, văn, đối, liễn, sách thuốc… bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Thuở nhỏ, Trần Đình Sơn học Tiểu học trường làng Cảnh Vân, rồi trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn ... Sau khi đậu cử nhân giáo khoa ngành Vật lý học tại Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1964, ông được học bổng du học ở Pháp, học Đại học Sorbonne, Paris và được thực tập tại Trung tâm nguyên tử Sarclay. Đậu Tiến sĩ đệ tam cấp năm 1967, đậu Tiến sĩ quốc gia nguyên tử lực của Cộng hòa Pháp năm 1970 và được mời làm việc tại Trung tâm nghiên cứu nguyên tử sarclay từ đó đến khi về hưu.
|
GS.VS Trần Đình Sơn tại Bệnh viện Nhân Dân 115 TP. Hồ chí Minh.
|
Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, ứng dụng cho y học. Là Trưởng phòng nghiên cứu hạt nhân của Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Sarclay, ông đã thành lập 4 phòng thí nghiệm. Trong đó, có một phòng chuyên về Phổ và Hình cộng hưởng từ, áp dụng vào y học; đã xuất bản 2 tập sách về công trình nghiên cứu: Phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Ông có nhiều phát minh, sáng chế và tham gia nhiều hoạt động khoa học quốc tế, được mời thuyết trình các Đề tài khoa học đã nghiên cứu thực nghiệm tại các Hội nghị chuyên đề nghiên cứu, khám phá của các nhà khoa học hàng đầu ở Châu Âu. Ông được phong tặng Viện sĩ Hàn lâm khoa học New York năm 1995… Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục được mời làm cố vấn nghiên cứu nguyên tử lực phục vụ y học tại Viện Sarclay.
Mặc dù sống và làm việc tại Pháp, nhưng Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Sơn luôn luôn hướng về tổ quốc và mong muốn có những đóng góp cho quê hương. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông là một trong số ít những người Việt Nam đầu tiên đang sinh sống ở nước ngoài được về thăm Việt Nam năm 1977, với giấy thông hành của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (lúc đó, ông chưa nhập quốc tịch Pháp). Lần về nước đầu tiên này ông đã giảng dạy lắp ráp máy điện toán ở Việt Nam.
|
GS.VS Trần Đình Sơn cùng vợ tại quê nhà.
|
Năm 1979, ông được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó là Viện Trưởng Viện Vật lý Việt Nam) mời tổ chức khóa học đầu tiên tại Việt Nam về cộng hưởng từ hạt nhân.
Năm 1985, ông đưa cả gia đình về thăm Việt Nam, tổ chức nhiều buổi thuyết trình tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác giới thiệu máy MRI và các phương pháp chụp hình bằng cộng hưởng từ hạt nhân áp dụng vào y học. Lúc bấy giờ, đây là một phương pháp rất mới, chỉ có vài nước phát triển trên thế giới mới có máy này. Ngay ở Pháp cũng chỉ có một máy chụp duy nhất đặt ở Bệnh viện Kremlin – Bicetre (Paris) do chính ông và đồng nghiệp sử dụng. Sau đó, ông thường xuyên về Việt Nam và được các Viện Hóa học, Viện Vật lý, Trung tâm chẩn đoán y khoa TP. Hồ Chí Minh, các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, các trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh,…mời thuyết trình và hướng dẫn sử dụng máy MRI.
Nặng lòng với quê cha đất tổ, ông còn bộc lộ mong muốn nhà nước Việt Nam sẽ có thêm nhiều chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học khác là Kiều bào đang ở nước ngoài trở về phục vụ quê hương, sinh hoạt lâu dài ở Việt Nam.
Đối với dòng tộc, GS.VS Trần Đình Sơn không quên truyền thống gia đình: hiếu học, khuyến học. Ông có 3 người con gái: 2 người là bác sĩ, 1 tiến sĩ mỏ địa chất đang sống và làm việc tại Pháp. Năm 1993, ông vận động thành lập quỹ học bổng của Trần tộc Đại tôn từ đường, hỗ trợ biểu dương các con cháu họ Trần vượt khó học giỏi và hàng năm ông đều gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học dòng họ. Hiện nay, họ Trần ở Cảnh Vân là điểm sáng trong phong trào khuyến học của tỉnh Bình Định.
Xin thắp nén hương vĩnh biệt ông, một nhà khoa học tài ba, một người con “Xứ nẫu” đã làm rạng danh quê hương Bình Định, tổ quốc Việt Nam, cả cuộc đời luôn luôn hướng về nguồn cội.
|