Bình Định đã được định danh là “miền đất Võ”, bè bạn trong và ngoài nước biết đến vùng đất này nhiều hơn sau các Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức ở đây. Không chỉ có thế, Bình Định còn là “đất học”. Nơi đây từng là trung tâm thi cử, là cái nôi đào tạo giáo dục cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên suốt từ thời phong kiến đến tận ngày nay.
Bình Định vốn là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học từ xưa, là nơi phát tích, xuất thân, nuôi dưỡng của nhiều danh nhân, nhà văn hóa xuất sắc. Dưới thời phong kiến, Bình Định là một trong những tỉnh xây dựng nhiều Văn chỉ. Sử quán triều Nguyễn chép: “Văn chỉ hàng huyện: Một ngôi ở thôn Hội An, huyện Bồng Sơn, một ngôi ở thôn Vạn Thiện, huyện Phù Mỹ và một ngôi ở thôn Trung Tín, huyện Tuy Phước, đều dựng từ giữa thời tự Đức”. Đến đầu thế kỷ XX, tất cả 7 phủ huyện của tỉnh Bình Định (Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê) đều có văn chỉ.
|
Ban giám khảo Trường thi Bình Định khoa Ất Dậu (1885). |
Theo sách Đại Nam Nhất thống chí: Văn miếu Bình Định được xây dựng vào năm đầu niên hiệu Gia Long (1802) tại thôn Vĩnh Lại, huyện Phù Cát (ngày nay thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Văn Miếu Bình Định cũng là một trong những Văn Miếu được xây dựng sớm so với nhiều địa phương khác.
Năm Tự Đức thứ 3 (1850) có chỉ dụ thành lập Trường thi Hương Bình Định. Mặc dù ra đời muộn so với các trường thi như Thừa Thiên, Thăng Long, Nghệ An… nhưng đây là điểm thi duy nhất dành cho sĩ tử các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Về sau nhận thêm sĩ tử Bình Thuận và một vài nơi khác.
Trường thi Bình Định tồn tại 65 năm (1850-1915), có 22 khoa thi, chọn được 342 vị cử nhân. Riêng Bình Định chiếm đến 194 vị, còn lại 148 vị thuộc các tỉnh còn lại. Bình Định chiếm 12 thủ khoa, Quảng Ngãi 10 thủ khoa, Phú Yên và Khánh Hòa không có thủ khoa nào.
Những năm đầu thế kỷ XX, khu vực miền Trung chỉ có 3 trường công lập mang tên Quốc học. Đó là Quốc học Huế, Quốc học Vinh và Quốc học Quy Nhơn. Trường Quốc học Quy Nhơn được thành lập năm 1921. Đến năm 1924 đổi tên thành Collège de Qui Nhơn. Niên khóa 1926 – 1927, trường hoàn chỉnh cấp Cao đẳng Tiểu học, có đủ 10 lớp từ lớp năm (lớp một ngày nay) lên đến lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay) và là ngôi trường duy nhất ở khu vực ở khu vực Nam Trung Bộ chia 3 cấp học bằng tiếng Pháp (sơ học yếu lược, tiểu học, cao đẳng tiểu học).
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), trường Quốc học Quy Nhơn chuyển sang một bước ngoặc mới, đổi tên là trường Nguyễn Huệ. Đến năm học 1950 – 1951, trường chia ra làm 2: Nguyễn Huệ Bắc (Bồng Sơn) và Nguyễn Huệ Nam (Nhơn Phong). Trường Quốc học Quy Nhơn (sau là trường Nguyễn Huệ) đã sản sinh ra nhiều thế hệ trí thức, yêu nước, họ đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực khoa học và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành lại độc lập dân tộc, cũng như bảo vệ, xây dựng đất nước sau năm 1975.
|
Trường Sư phạm Quy Nhơn năm 1962. |
Năm 1955, trường Trung học Cường Để được thành lập trên cơ sở của trường Collége de Qui Nhơn. Đây là ngôi trường Trung học công lập đầu tiên của tỉnh Bình Định dưới chế độ Sài Gòn và trở thành trường Trung học đệ nhị cấp lớn nhất tỉnh, mở đủ các ban: A,B,C (vạn vật, toán, văn). Từ năm 1955 – 1975, trường Cường Để Quy Nhơn có thể sánh vai với các trường: Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An ở Sài Gòn, trường Quốc học Huế. Được dạy và được học ở trường Cường Để là niềm vinh dự của thầy và của trò ở Bình Định lúc bấy giờ. Bởi trường luôn luôn có nhiều học sinh giỏi, thi đậu tỷ lệ cao trong các kỳ thi Trung học và thi Tú tài. Tỷ lệ trúng tuyển cả miền Nam lúc bấy giờ khoảng 15% - 20%, riêng học sinh trường Cường Để ít nhất đậu 50%, có năm lên đến 70% - 80%.
Một số học sinh tiêu biểu của trường Quốc học Quy Nhơn (Collège de Qui Nhon, Cường Để) như: Lê Văn Thiêm (Viện trưởng Viện toán học), Đặng Hữu (GS.VS Viện Hàn lâm Nga), Phan Phải (GS.Viện trưởng Viện di truyền học), GS. TS Bùi văn Ga, TS. Bùi Bá Bổng…
Về đào tạo giáo dục, năm 1962, trường Sư phạm Quy Nhơn được thành lập, thu nhận giáo sinh các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Phan Thiết và Tây Nguyên. Đến niên khóa 1972 – 1973, trường chỉ nhận giáo sinh 5 tỉnh gồm: Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Trường đào tạo giáo viên bổ nhiệm dạy tại các trường Tiểu học thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung và Cao nguyên Trung phần, đồng thời mở các khóa tu nghiệp chuyên đề dành cho các giáo viên đã và đang dạy tại các trường trong khu vực trách nhiệm. Từ năm 1962 đến năm 1975, trường đã đào tạo 13 khóa với 6.500 giáo viên ngạch giáo học bổ túc và 600 giáo viên ngạch tiểu học.
Năm 1977, Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn được thành lập, là 1 trong 3 trường Đại học Sư phạm đầu tiên ở Phía Nam (2 trường khác: ĐH Sư Phạm Huế, ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh). Cùng với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, trường đã mở rộng lĩnh vực, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Năm 2003, đổi tên thành Đại học Quy Nhơn. Là nơi đào tạo và cung cấp giáo viên phổ thông từ tiểu học đến trung học. Đồng thời, trường còn đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ chuyên môn thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, kinh tế - quản trị kinh doanh, kỹ thuật công nghệ trình độ Đại học và sau Đại học. Và là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai tiến bộ khoa học công nghệ.
Năm 2003, nhà nước tổ chức cụm thi Đại học, Bình Định được chọn là cụm thi cho 6 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum cho đến ngày nay.
Có thể nói, từ bao đời nay Bình Định luôn luôn là “đất học”, là trung tâm thi cử và là cái nôi đào tạo, giáo dục cung cấp nguồn nhân lực tri thức cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…
|