Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi trong tỉnh có nguy cơ mai một. Bằng nhiều cách riêng, một số phụ nữ vẫn âm thầm, dốc sức giữ gìn nghề dệt thổ cẩm với lòng say mê và trách nhiệm.
Đam mê
Lần đi công tác mới đây hồi đầu tháng, tôi ghé thăm làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân. Trong ngôi nhà sàn nhỏ nằm giữa làng, chúng tôi bắt gặp chị Đinh Thị Sơn, 50 tuổi, đang ngồi dệt thổ cẩm. Chị Sơn khoe: “Mình vừa làm xong việc nhà, cho heo ăn, tranh thủ dệt vải thổ cẩm vì có người đặt mua để may bộ váy áo mới cho con gái sắp về nhà chồng. Mọi người nói tấm vải thổ cẩm của mình dệt là đẹp nhất, bền nhất”.
|
Dệt thổ cẩm. Ảnh: VĂN LƯU |
Để dệt hoàn thành 1 bộ váy áo bằng sợi chỉ truyền thống, chị Sơn mất 10 đến 15 ngày, bán ra với giá trên 500 ngàn đồng; còn nếu dùng sợi tổng hợp thì có giá chỉ khoảng 400 ngàn. Tiền bán vải, sau khi trừ chi phí thì lời chẳng đáng là bao. Song, chị Sơn vẫn miệt mài dệt thổ cẩm mỗi khi rảnh rỗi, chị tâm sự: “Làng có hơn 20 hộ nhưng chỉ còn 4 - 5 khung dệt. Nhiều chị em trong làng không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm. Nhưng mình lại thích dệt, hễ rảnh là mình lại kéo khung dệt ra. Ngày mùa bận quá, không đụng đến khung dệt là nhớ”.
Còn trong một chuyến công tác trước đó nữa, ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, nơi nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, tôi đã bắt gặp một hình ảnh khá đặc trưng của văn hóa miền núi: Một phụ nữ ngồi dệt vải dưới chân nhà sàn, trong một buổi trưa lộng gió ngàn. Đó là mí Yên với nụ cười phúc hậu và ánh nhìn tinh nghịch như trẻ thơ. Mí không nhớ chính xác mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết: “Nghe người ta nói tui khoảng 54 tuổi, không biết có trúng không”. Vậy mà mí nhớ, mình biết dệt từ năm 13 tuổi. Chừng như với người phụ nữ này, đó là mốc thời gian khá quan trọng trong đời. Mí nói: “Hồi đó, tui biết dệt là do má tui bày cho”. Tới giờ, mí vẫn giữ thói quen tự kéo sợi để dệt và hái chàm nhuộm những tấm vải thổ cẩm của mình, riêng chỉ màu là phải mua. Mí bảo, nhiều lúc buồn cứ lấy khung ra dệt rồi để đó, có ai cần thì bán lại.
|
Mí Yên đang dệt thổ cẩm dưới nhà sàn. |
Truyền nghề
Thời xưa, con gái trong làng phải biết dệt vải và đó được xem là thước đo để đánh giá một cô gái đảm đang. Song hiện nay, do vải vóc, quần áo may sẵn từ dưới xuôi mang lên nhiều, lại rẻ, đẹp nên nhiều người không dệt vải nữa, những em gái lớn lên cũng không muốn học dệt vải. Có lẽ, trong làng T2 xã Bok Tới này chỉ còn mỗi mí Sơn vẫn giữ thói quen dệt vải thổ cẩm. Mỗi khi đi chợ, mí lại mua thật nhiều chỉ để dệt. Tôi hỏi: “Lâu lâu mới bán được một bộ, mí dệt làm gì mà nhiều vậy?”, mí Sơn cười: “Dệt không thì chẳng khó, khó ở chỗ tạo hoa văn; việc kết cườm cũng mất nhiều thời gian. Mình cứ làm, khi có ai cần gấp thì có mà mặc, chứ đi mua mấy bộ quần áo thổ cẩm dệt bằng máy bán ở chợ không đẹp, không bền mà không phù hợp với văn hóa của người Bana mình”.
Còn mí Yên thì tranh thủ lúc trông cháu dệt thổ cẩm không phải để bán mà chỉ vì để dành cho con cháu dùng. Mí bảo: “Tụi nhỏ giờ bận làm rẫy rồi chăn nuôi làm giàu. Còn bà ở nhà ráng dệt để dành cho các con, các cháu dùng chứ không thì sau này chẳng còn những bộ váy áo đẹp, đúng bản sắc của người Bana nữa”.
|
Mỗi khi có lễ hội, phụ nữ Bana rất thích mặc bộ váy áo truyền thống do chính tay mình dệt vải. |
Để giữ nghề truyền thống ấy, một số địa phương có cách làm riêng của mình. Ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, chị Đinh Thị Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã, đã tích cực tuyên truyền, vận động để chị em trong làng lưu giữ nghề truyền thống của người Bana. Chị Bông phấn khởi khoe: “Ở làng có một tổ dệt thổ cẩm gồm 25 chị em. Trước đây, phụ nữ trong làng ít quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm vì để tạo ra một sản phẩm phải mất gần 1 tháng, nên chị em dành thời gian lo sản xuất, thiết thực với cuộc sống hơn. Còn nghề dệt thổ cẩm nếu tính thu nhập thì chỉ là phụ. Sau các lớp học truyền nghề do UBND huyện và Trung tâm Khuyến công tỉnh, Hội LHPN xã tổ chức, chị em đã nhận thức được giá trị của nghề dệt thổ cẩm. Bây giờ, tại các buổi lễ, biểu diễn văn nghệ… chị em lại xúng xính mặc những bộ váy thổ cẩm do chính tay mình làm nên”.
Trước khi các cấp, các ngành và chính quyền địa phương có những đề án bảo tồn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, thì sự đam mê và ý thức trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, như mí Sơn, mí Yên, chị Bông, các chị em trong tổ dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên là rất đáng quý và trân trọng.
|