Nhơn Châu từ góc nhìn lịch sử
16:59', 30/8/ 2012 (GMT+7)

Thôn Thanh Châu là tên cũ của một cụm dân cư ở Cù Lao Xanh, người phương Tây trong các luồng hàng hải qua phương Đông từ thế kỷ XVI, XVII gọi là Poulogambir. Cù Lao Xanh có diện tích 5 km2, chiều dài của đảo 4km, nơi rộng nhất 1,2km, xác định tọa độ địa lý Cù Lao Xanh ở vị trí 130 36 vĩ Bắc; 1090 30 kinh Đông.

 

Đình làng ở Nhơn Châu và các sắc phong.

Cù Lao Xanh cách bờ biển nội thành Quy Nhơn 24 km về phía tây bắc và cách bờ tỉnh Phú Yên 22 km về phía tây. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi rằng Hòn Thanh Chim thuộc thôn Chánh Thành ở phía nam huyện, tục gọi là Cù Lao, là trấn Sơn Nam của cửa biển Thị Nại. Đầu thời Gia Long thuộc huyện Đồng Xuân Đạo Phú Yên, đến giữa năm Minh Mệnh đổi lệ thuộc huyện Tuy Phước. Tư liệu thuộc địa lại xác nhận về sự chính xác của sách Đại Nam nhất thống chí.

Năm 1997 đoàn nghiên cứu lịch sử thành phố Quy Nhơn đã phát hiện một tấm bia gỗ ở Miếu Thanh minh (Miếu cô hồn) ở thôn Đông. Bia dài 1,27m, rộng 0,47m có ghi tên 39 người và tập thể bô lão cúng tiền xây dựng miếu là 388 tiền, bia được lập vào mùa hè năm Thành Thái thứ 8 tức là năm 1888. Như vậy, cách đây hơn một thế kỷ đã có dân Cù Lao Xanh, lúc đó là đơn vị hành chính có dấu riêng cấp cơ sở thuộc thôn Chánh Thành. Đến năm Bảo Đại thứ 10 năm 1935 đã là đơn vị hành chính độc lập như các thôn làng khác. Sắc phong ở Miếu Thành hoàng gọi là Đình làng tọa lạc tại thôn Trung vào năm 1935 ghi là thôn Thanh Châu, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Văn tế ở thôn cũng ghi là Tuy Phước phủ, Chánh Thành xã, Thanh Châu thôn. Các họ Nguyễn, Trần, Đinh, Lê, Hồ, Phan, Phạm đến lập cư xóm ở Thanh Châu đến nay đã từ 5 – 6 đời đều có nguồn gốc từ Tuy Phước, Phù Mỹ theo nghề đánh cá rồi ở lại lập cư. Trong tấm bia lập năm 1896 họ nguyễn có 10 người, họ Trần có 10 người. Đây là hai họ có nhiều người đứng cúng xây dựng miếu thờ nhiều nhất, điều đó phản ánh đúng tình hình cư dân theo tộc họ hiện nay. Các tư liệu thuộc địa chỉ cho phép chúng ta nhận thức về sự tụ cư lập làng ở Nhơn Châu là vào giữa thế kỷ XIX trở về sau. Nhưng địa danh Bờlucambia đã được các nhà hàng hải phương tây ghi lại trên các tấm bản đồ đi về phương đông cách đây 4 – 5 thế kỷ.

Một bằng chứng khác là tại Nhơn Châu người ta phát hiện được khá nhiều gạch Chăm, các mảnh gốm Chăm, giếng Chăm lát đá ong hình vuông còn lại chứng minh từ xa xưa ở Cù Lao Xanh đã có người ở, ít ra cũng là một căn cứ tiền tiêu, án giữ kiểm soát lãnh hải, bảo vệ đất nước dưới các vương triều Chăm Pa, Đại Việt trong nhiều thế kỷ qua.

Có thể nói Cù lao Xanh là một trong những làng xã văn hóa biển điển hình của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Nhơn Châu ngày nay được thành lập đơn vị hành chính là một xã đảo trực thuộc Thành phố Quy Nhơn và được chia làm 3 thôn: Thôn Tây, Thôn Trung và Thôn Nam. Ở đây có đầy đủ các di tích sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của cư dân làng xã miền biển như: Thờ ngũ hành (có đầy đủ 5 miếu thờ Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ). Có Lăng ông thờ Nam hải thần ngư (cá voi); có Đình làng để sinh hoạt hội họp và thờ Thần hoàng làng phù hộ cho dân làng an cư lạc nghiệp; có Miếu Thanh minh (Miếu cô hồn) để thờ những linh hồn phiêu tán không có người thờ cúng. Ngoài ra còn có Chùa (Chùa Thanh Phước), Tịnh xá (Tịnh Xá Ngọc Châu)... Đặc biệt, tại Lăng ông Nam hải và Đình làng còn lưu giữ được 4 tờ sắc phong dưới triều đại nhà Nguyễn.

Ở Nhơn Châu còn có một ngọn Hải Đăng trên 100 năm tuổi do Pháp xây năm 1890 (là ngọn Hải Đăng xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam) hiện nay vẫn còn hoạt động cũng là một điểm nhấn thu hút du khách gần xa khi đến thăm quan nơi đây. Hầu hết các kiến trúc này đều có niên đại trên 100 năm hoặc được xây mới trên nền kiến trúc cũ có từ trước đó hàng trăm năm.

Giờ đây khi đến với Nhơn Châu chúng ta sẽ thấy sự thay đổi lớn lao trên hòn đảo này. Nhơn Châu hôm nay đã khang trang hơn với những ngôi nhà ngói mới, đường bê tông kiên cố chạy dọc bờ biền, những chiếc ghe, tàu đậu chi chít ngoài mặt biển chờ những chuyến ra khơi. Với những tiềm năng về danh lam thắng cảnh cũng như các di tích lịch sử văn hóa Nhơn Châu hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn khách thăm quan khi tới Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng.

  • BẢO ĐỊNH

(Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dốc sức giữ màu thổ cẩm  (25/08/2012)
TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ  (22/08/2012)
Gò Thị-Di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đất Vĩnh Thạnh  (13/08/2012)
BÌNH ĐỊNH – KHÔNG CHỈ LÀ “ĐẤT VÕ”…  (04/08/2012)
Khu Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công: Ấn tượng một vùng quê xứ Quảng  (03/08/2012)
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Sơn - một niềm tự hào của người xứ Nẫu  (31/07/2012)
Sống mãi những anh hùng…  (26/07/2012)
Người đầu tiên phát hiện hang yến ở Quy Nhơn   (24/07/2012)
Chùa Thắng Quang  (15/07/2012)
Bình Định - một khoảng trời thiêng   (07/07/2012)
Người chị Hoài Châu vắt sữa cứu thương binh  (06/07/2012)
Về Quy Nhơn ăn cua huỳnh đế  (30/06/2012)
Thiếu nữ Tây Nguyên: ‘Kiếm củi bắt chồng”   (30/06/2012)
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt  (24/06/2012)
Tổ chức lễ kỷ niệm 259 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung  (23/06/2012)