Trường thpt Hùng Vương (TP Quy Nhơn):
25 năm - ghi nhận một chặng đường
22:52', 31/8/ 2012 (GMT+7)

25 năm qua, thầy và trò Trường THPT Hùng Vương không ngừng nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học; nhiều thế hệ học sinh của Trường đã trưởng thành, làm vẻ vang cho truyền thống của Trường.

Ngày 29.7.1987, Trường Phổ thông Trung học Kỹ thuật Quy Nhơn (tiền thân của Trường THPT Hùng Vương) ra đời trong niềm vui của người dân ngoại thành. Ông Trịnh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, nhớ lại: “Ngày ấy, TP Quy Nhơn chỉ có 2 trường THPT thì cả hai đều nằm ở khu vực nội thành. Vì thế, trước năm 1987, học sinh ở các xã vùng ven thành phố, như: Nhơn Bình, Nhơn Phú muốn được vào học cấp THPT buộc phải đi rất xa”.

 

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Hùng Vương.

Đáp ứng niềm mong mỏi của người dân vùng ven

Niềm mong ước có một ngôi trường gần nhà để tiện cho việc học tập của con em người dân đã được đáp ứng. Trong ký ức của thầy Võ Văn Bồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bình Định, nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương giai đoạn 1988-2000, ngày ấy Trường được quy hoạch rộng 19.000 m2, nhưng cơ sở vật chất chỉ có 1 dãy phòng học, ngoài ra gần như không có gì hơn. Lứa học sinh đầu tiên được chuyển về từ Trường Phổ thông Trung học số 3 Tuy Phước (huyện Tuy Phước), biên chế thành 8 lớp. Ban giám hiệu và Hội đồng sư phạm nhà trường quyết tâm ổn định nề nếp, tổ chức nâng cao chất lượng dạy - học và tạo ra cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

“Nhân tố quan trọng nhất làm nên thành tích của Trường là truyền thống đoàn kết, nhân ái, tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, thương yêu nhau cùng chung sức chung lòng xây dựng Trường phát triển”.

Ông Trịnh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương

Năm học 1989 - 1990, năm đầu tiên trường có học sinh thi tốt nghiệp 12 và đã đạt tỉ lệ 83%. Năm học 1991-1992, Trường tiếp nhận thêm học sinh từ Trường THCS Trần Quang Diệu và trở thành trường có hai cấp học. Năm 1999, UBND tỉnh cho đổi tên Trường thành Trường THPT Hùng Vương. 10 năm sau, Sở GD-ĐT Bình Định tách khối THCS của Trường ra để thành lập Trường THCS Trần Quang Diệu.

Cô Nguyễn Thái Thị Hợp, giáo viên dạy Văn Trường THPT số 1 Tuy Phước, là cựu học sinh lớp 12A niên khóa 1990-1994 của Trường THPT Hùng Vương, trải lòng: “Lứa học trò ở phường Bùi Thị Xuân tầm như tôi rất vui sướng khi được học trường gần nhà. Ấn tượng đọng lại trong tôi đến giờ là tình cảm yêu thương và sự tận tụy hết lòng của thầy cô. Ấn tượng ấy mạnh đến nỗi hơn một nửa học sinh lớp tôi ngày ấy đã đăng ký thi vào trường sư phạm”.

Khẳng định vai trò trong sự nghiệp trồng người

Từ ngày thành lập đến nay, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của nhà trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Đến thời điểm này, Trường THPT Hùng Vương đã có 4 dãy nhà với 30 phòng học, hệ thống phòng thí nghiệm thực hành đáp ứng được yêu cầu giảng dạy - học tập, hai phòng máy tính tạo điều kiện để giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Khuôn viên Trường rộng rãi, thoáng mát, luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho khoảng 1.600 học sinh.

Một số thành tích nổi bật của Trường THPT Hùng Vương:

- Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1994 - 1996).

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (1994 -1996).

- Bằng khen của UBND tỉnh với các thành tích: Đơn vị dẫn đầu khối THPT (1997-1999); 5 năm liền (2000-2005) đạt môi trường trong sạch, không ma túy, tội phạm...

Bên cạnh nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học để truyền đạt hiệu quả lượng kiến thức trong sách vở, nhà trường còn chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh thông qua các buổi tọa đàm, hoạt động ngoại khóa, mô hình câu lạc bộ học tập. Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, vào mùng 10.3 âm lịch hàng năm, Trường tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, với hai phần: lễ và hội, để học sinh nhớ về nguồn cội, tri ân công lao ngàn năm dựng nước, giữ nước của tổ tiên.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường trưởng thành vững vàng không ngừng. Từ chỗ chỉ có 24 người, đến năm học 2012- 2013, trường đã có 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong số này 100% đạt chuẩn và vượt chuẩn, trên 50% là giáo viên dạy giỏi cấp trường, gần 20% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 15 cán bộ giáo viên có trình độ thạc sĩ, 5 giáo viên đang học cao học.

Từ mái trường này, đã có hàng ngàn học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp quốc gia, trong đó có 70 học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 học sinh giỏi cấp Quốc gia. Hàng năm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt 95-100%; tỉ lệ thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng 40-50%. Nhiều học sinh cũ của trường đã trở thành những nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học trẻ, nhà quản lý, kinh doanh giỏi, văn nghệ sĩ, vận động viên tài năng, hay những người lao động có tay nghề cao…

Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nhận xét: “Trường THPT Hùng Vương có đội ngũ giáo viên trình độ khá đồng đều, giàu tâm huyết, nhiệt tình với học sinh; cán bộ lãnh đạo nhà trường năng động, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Địa bàn tuyển sinh của trường là các phường, xã ngoại thành, gặp không ít khó khăn; vì vậy, những thành tích đã đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng, biểu dương”. 25 năm, thời gian tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để Trường THPT Hùng Vương khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục tỉnh nhà, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Châu từ góc nhìn lịch sử  (30/08/2012)
Dốc sức giữ màu thổ cẩm  (25/08/2012)
TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ  (22/08/2012)
Gò Thị-Di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đất Vĩnh Thạnh  (13/08/2012)
BÌNH ĐỊNH – KHÔNG CHỈ LÀ “ĐẤT VÕ”…  (04/08/2012)
Khu Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công: Ấn tượng một vùng quê xứ Quảng  (03/08/2012)
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Sơn - một niềm tự hào của người xứ Nẫu  (31/07/2012)
Sống mãi những anh hùng…  (26/07/2012)
Người đầu tiên phát hiện hang yến ở Quy Nhơn   (24/07/2012)
Chùa Thắng Quang  (15/07/2012)
Bình Định - một khoảng trời thiêng   (07/07/2012)
Người chị Hoài Châu vắt sữa cứu thương binh  (06/07/2012)
Về Quy Nhơn ăn cua huỳnh đế  (30/06/2012)
Thiếu nữ Tây Nguyên: ‘Kiếm củi bắt chồng”   (30/06/2012)
Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc đặc biệt  (24/06/2012)