Ở Đàng Trong, sau hai đô thị cảng Hội An (Quảng Nam ) và Thanh Hà (Huế) là đô thị Nước Mặn Bình Định ra đời và đã được ghi trong Hồng Đức bản đồ với tên gọi “Nước Mặn hải môn”. Đây là trung tâm buôn bán xuất nhập khẩu không những cho phủ Quy Nhơn mà cả các dinh, phủ ở phía nam thời đó.
|
Lễ hội Đô thị Nước Mặn. (Ảnh: Internet)
|
Nước Mặn được Alexandre de Rodes vẽ trên bản đồ vào thế kỷ 17 với tên phiên âm là Nehorman. Tên này xuất phát từ chữ Cristoforo Borri ghi lại trong tập ký sự của mình vào năm 1818. Borri chỉ đích danh là phố (ville). Ông viết “Vị tổng trấn liền ra lệnh xây dựng cho chúng tôi một cái nhà rất tiện nghi ở thành phố (ville) Nehorman”
Tên Nước Mặn không được ghi trong bộ chính sử Việt Nam thời phong kiến nhưng lại được ghi trong các gia phả người Hoa sinh sống ở đây.
Đầu thế kỷ17, chúng ta có luồng buôn bán giữa Hội An và Nước Mặn với một số trung tâm thương mại quốc tế được thể hiện trên bản đồ vẽ vào năm 1608 có hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Hải Phố (Hội An) và Thị Nại (tức Nước Mặn) nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva (tức bắc philippines).
P.B.Lafont cũng cho biết, trong các cảng ở Đàng Trong thì Binai (tức Thị Nại) thuyền buôn các nước Phương Tây, Malasia và một số nước khác đến buôn bán .
Tháng 7 năm 1818, Borri đến nước Mặn, dưới con mắt của Giáo sĩ này Nước Mặn là một thành phố. Ông viết “Chúng tôi lại leo lên lưng voi và lên đường với một đoàn tùy tùng đông đảo để đi đến thành phố Nước Mặn”. Ông cũng cho biết, đây là một thành phố khá rộng: dài 5 dặm, rộng 0,5 dặm. Đó là thời kỳ thịnh vượng của phố cảng Nước Mặn.
Vào giũa thế kỷ 18, Pierre Poivre đến Đàng Trong còn đánh giá rất cao về phố cảng Nước Mặn, ông viết: “Tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn, là một cảng tốt an toàn được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo lại không thuận tiện vì xa kinh thành mà các thuyền trưởng nhất thiết phải đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường”.
Nhưng vào những thế kỷ sau không thấy sử sách ghi chép về phố cảng Nước Mặn. Đại Nam nhất thống chí bản biên soạn thời Tự Đức không ghi chép về phố cảng Nước Mặn, cũng không có tên trong danh mục 63 chợ lớn nhỏ trong tỉnh Bình Định.
Nước Mặn vang bóng một thời nay chỉ còn là dấu tích, những tên cầu Ngói vẫn còn và chợ mang tên Nước Mặn, vẫn còn dấu tích đền Quan Thánh và đặc biệt là chùa Bà Thiên Hậu đã được khôi phục.
Trên thực địa, khuôn viên Nước Mặn từ bờ cầu Ngói đến bến Cây Da. Bến cảng từ cầu Ngói đến chùa Bà của con sông Âm Phủ. Khu phố được khoanh vùng dài trên 1 km rộng 500m, ngày xưa thuộc làng Lạc Hòa và Vinh An (trước đó là Minh Hương) sau nhập chung gọi là An Hòa.
Thế kỷ thứ 18 trở về trước, khi cửa Kẻ Thử còn tấp nập thuyền bè vào ra buôn bán, tàu thuyền qua đầm Thị Nại vào sông Côn đi qua các nhánh sông Âm Phủ, Cây Da rồi lên cầu Ngói để trao đổi hàng hóa với thương nhân ở phố Nước Mặn. Các Giáo sĩ Bozomi, Pina, Angustin đến đây truyền giáo(7.1618) cũng kể lại về xây dựng ngôi nhà thờ ở phố Nước Mặn.
Vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mạch đứt gãy duyên hải Bình Định hoạt động, cửa Kẻ Thử bị bồi lấp thuyền không vào được để buôn bán, phù sa sông Côn cũng không thoát ra biển làm lắng tụ, các nhánh sông Cây Da, Âm Phủ bị cạn, nước mặn không lên đến chợ, thuyền không đến được cầu Ngói, phố Nước Mặn đi vào suy tàn và quên lãng.
Nước Mặn hôm nay đã được khôi phục, lễ hội nước đô thị Nước Mặn đã được tổ chức hàng năm, Chùa bà Thiên Hậu được liệt hạng vào danh mục di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Âm vang về một thời vang bóng của Nước Mặn vẫn còn với thời gian, nhân dân vẫn truyền tụng về những dòng họ đại phú xưa như họ Ngụy, Khưu, Lý, Khổng, Lâm, Huỳnh, Từ..., hoặc một ông Khách Bạc giàu có ở Nước Mặn xa xưa.
|