HOÀI NHƠN: CÁI NHÌN ĐỊA LÝ, VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ
17:28', 14/9/ 2012 (GMT+7)

Phủ Hoài Nhơn xưa bao gồm cả Bình Định, sau này thuộc nhà Lê vào năm 1471. Thời kỳ đầu Hoài Nhơn có 3 huyện,phía bắc là huyện Bồng Sơn, chính giũa là huyện Phù Ly đóng tại Hoài Nhơn địa điểm ấy nằm trên một đèo núi, hiện nay là biên giới giữa hai huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn, tục danh  gọi là đèo Phủ Cũ, từ lâu vẫn chưa cuộc khảo sát nào về địa điểm này.

Từ một góc nhìn về địa lý

Với vị trí địa lý, phía đông giáp biển, phía Tây giáp Tây Nguyên, phía Bắc giáp phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), phía nam giáp Hoa Anh (Phú Yên) đất đai màu mỡ sản vật nhiều. Hoài Nhơn có hai cửa cảng quan trọng đó là An Dũ và Tam Quan, chính cửa biển này là nơi trao đổi thuận tiện tạo cho vùng này phát triển về nghề đi biển và thông thương biển. Sau khi tiếp quản vùng đất từ Champa, những cư dân Việt sống cộng cư với người Chăm, giữa hai cư dân Việt - Chăm trong quá trình giao tiếp đã tiếp biến văn hóa của nhau, bổ sung cho nhau để làm nên nét văn hóa Hoài Nhơn. Có thể kể ra nghề đánh bắt Hải sản, nghề làm nước mắm, đặc biệt nghề đánh bắt xa bờ học hỏi từ người Chàm, ngày nay đã trở thành thế mạnh của Hoài Nhơn xưa và nay. Đến nay, Hoài Nhơn vẫn là địa phương có đội tàu đánh bắt nhiều nhất Bình Định.        

 

                          Di tích Trường Lũy Hoài Nhơn.

Nhìn về không gian lịch sử

Hoài Nhơn, hay Bình Định ngày nay trở thành vùng đất của Đại Việt từ năm 1471 thuộc Quảng nam Thừa tuyên và vệ Thăng Hoa. Quảng Nam Thừa tuyên bao gồm 3 phủ 9 huyện, mỗi phủ như vậy có 3 huyện. Phủ Hoài Nhơn bao gồm Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn đến nay đã trên 600 năm. Trong đó, Tuy Viễn là vùng xa nhất của phủ Hoài Nhơn,  hồi bấy giờ vẫn chưa bổ được chức quan cai trị. Về cư dân, theo như ghi chép thời kỳ đầu chưa có người Việt đến định cư sinh sống, chủ yếu vẫn là dân  bản địa (người Chăm) một số lớn đã di chuyển về phía Nam, một số khác vẫn tiếp tục ở lại làm ăn sinh sống, cộng cư với người Việt, chỉ 20 năm sau (1490) vùng Tuy Viễn đã khá sầm uất.

Sau khi lập phủ Hoài Nhơn, nhà Lê đã rất coi trọng, củng cố tổ chức bộ máy cai trị quản lý vùng đất mới và đề có đủ nhân lực đến định cư và cai quản. Nhà Lê đã sử dụng các tội nhân bị lưu đày biệt xứ nhưng đã được triều đình ân xá đến đây lập nghiệp và khai phá, đó là lớp cư dân đầu tiên của người Việt vào thế kỷ XV di dân đến phủ Hoài Nhơn, các làng xã từ đó cũng được hình thành. Bộ máy cai trị dần dần được củng cố, căn cứ vào con dấu phát hiện vào năm 1813 tại Bình Định đề Phù Ly huyện Ấn, một mặt đề “Hồng Đức Thập tam niên tạo” (1842) cho thấy dưới thời Hồng Đức nhà Lê, huyện Hoài Nhơn đã tổ chức được bộ máy cai trị đến cấp huyện. Dưới thời chúa Nguyễn lại càng được củng cố thêm, đứng đầu phủ do chúa Nguyễn Hoàng đeo ấn Tổng Trấn tướng quân,dưới tổng có huyện.

Từ khi vùng đất Quảng Nam, vùng đất Hoài Nhơn (hay Bình Định) luôn được chúa Nguyễn xem là vùng đất phiên dậu của xứ Quảng ở phía Nam. Từ 1602, chúa Nguyễn Hoàng đã cử Hoàng tử thứ sáu của mình sau này là chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào nhậm chức xứ Quảng Nam, chúa Nguyễn Hoàng đã nhìn nhận xứ Quảng bao gồm cả Hoài Nhơn ngày nay là vùng “…đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” và xem là vùng đất “yết hầu của miền Thuận Quảng”. Để nắm thêm tình hình phủ Hoài Nhơn, chúa Nguyễn cho mời Khám Lý Trần Đức Hòa (con Dương Hàm hầu Trần Ngọc Phần, phó tướng dinh Quảng nam) để yết kiến và cũng trong năm này, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi tên làm phủ Quy Nhơn. Đến 1651, dưới đời chúa Nguyễn Phúc Tần cho đổi làm phủ Quy Ninh và năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên là Quy Nhơn.

Các chúa Nguyễn đã tích cực đẩy mạnh khai phá, phát triển vùng đất mới phía Nam và để tăng cường củng cố vai trò của mình trên vùng đất mới  khai phá đồng thời chuẩn bị cho việc tiếp tục mở cõi phía nam. Năm 1578, chúa Nguyễn bổ Lương Văn Chánh làm tri huyện Tuy Viễn đưa dân vào khai phá lập làng dưới chân đèo Cù Mông mở đường cho việc di dân vào vùng Phú Yên. Các vùng mới mở được chia thành Thôn, Ấp, Nậu, hợp lại thành Thuộc (đơn vị tương đương cấp Tổng), người đứng đầu vùng đất này là Khám Lý Trần Đức Hòa, với chức Đô sứ ty (tương đương với chủ tịch tỉnh hiện nay).   

Liên quan đến Trần Đức Hòa có có 10 đạo sắc dưới có niên đại từ Chánh Trị thứ 7 (1504) đến Vĩnh Thịnh thứ 12 (1515) dưới triều Lê. Có lẽ đây là những đạo sắc có niên đại xưa nhất còn lại trên vùng đất Bình Định. Những đạo sắc này không chỉ cho biết về chính sách di dân của nhà Lê mà còn cho chúng ta biết một cách chắc chắn từ thế kỷ XV tổ chức hành chính ở phủ Hoài Nhơn (bao gồm cả Hoài Nhơn hiện nay) đã được hình thành từ tỉnh đến huyện.

Hoài Nhơn đã là phố thị

Chủ trương của tỉnh đang tiến dần để trở thành đô thị loại I với các đô thi vệ tinh là Phú Phong, An Nhơn và Bồng Sơn. Các cứ liệu lịch sử để có thể khẳng định Hoài Nhơn đã là thủ phủ của Bình Định từ thế kỷ 15 rõ nhất là từ chúa Nguyễn, tư liệu về các sắc phong như ta đã thấy đã minh chứng cho Hoài Nhơn từ trong quá khứ.

Đất Hoài Nhơn là vùng đất văn hóa, ngược dòng lịch sử từ thế kỷ II trước Công Nguyên, Hoài Nhơn đã là một trong những nôi của nền văn hóa cổ, một truyền thống văn hóa không chỉ của Miền Trung mà cả Tây Nguyên –Văn  hóa Sa Huỳnh, tiếp sau đấy là văn hóa Chăm. Hoài Nhơn cũng là vùng đất quan trọng dưới vương triều Vijaya, nơi giao thương buôn bán quan trọng của vương quốc Champa, cửa biển Tam Quan, An Dũ trở thành cảng biển quan trọng trong lịch sử. Chính nhờ những cửa biển quan trọng này mà Hoài Nhơn sớm trở thành vùng đất trù phú, sầm uất. Dưới các triều đại Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, Hoài Nhơn là vùng đất giàu có. Không phải ngẫu nhiên mà nhà Lê khi tiến về phía nam đã chọn Hoài Nhơn là thủ phủ, vùng đất phiên dậu của mình.

Nói Bình Định, người ta nghĩ ngay đó là xứ Dừa sau mới đến vùng đất Võ. Cả miền Nam chỉ có hai nơi có nhiều giống cây cây này đó là Bình Định và Bến Tre, mà ta biết cây dừa vốn có nguồn gốc ở vùng Nam Á, sự có mặt của chúng không phải là sự ngẫu nhiên mà phải bằng con đường thương mại, điều đó cho thấy Hoài Nhơn đã từ rất sớm là nơi trao đổi hàng hóa rất quan trọng của vương triều Vijaya với các nước trong khu vực.

Với các điều kiện lịch sử, địa lý đã tạo cho Hoài Nhơn sớm trở thành phố thị mà không khiên cưỡng. Cách nay hàng ngàn năm người Sa Huỳnh và người Champa đã nhìn thấy thế mạnh của Hoài Nhơn đó là biển và giao thương trao đổi buôn bán với bên ngoài. Tôi nghĩ, muốn đưa Bồng Sơn phát triển, chúng ta nên học tập người xưa trong việc định hướng cho sự đi lên của phố thị trước mắt và dài lâu.

  • TS.Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước Mặn - Đô thị cổ  (04/09/2012)
25 năm - ghi nhận một chặng đường  (31/08/2012)
Nhơn Châu từ góc nhìn lịch sử  (30/08/2012)
Dốc sức giữ màu thổ cẩm  (25/08/2012)
TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ  (22/08/2012)
Gò Thị-Di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đất Vĩnh Thạnh  (13/08/2012)
BÌNH ĐỊNH – KHÔNG CHỈ LÀ “ĐẤT VÕ”…  (04/08/2012)
Khu Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công: Ấn tượng một vùng quê xứ Quảng  (03/08/2012)
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Sơn - một niềm tự hào của người xứ Nẫu  (31/07/2012)
Sống mãi những anh hùng…  (26/07/2012)
Người đầu tiên phát hiện hang yến ở Quy Nhơn   (24/07/2012)
Chùa Thắng Quang  (15/07/2012)
Bình Định - một khoảng trời thiêng   (07/07/2012)
Người chị Hoài Châu vắt sữa cứu thương binh  (06/07/2012)
Về Quy Nhơn ăn cua huỳnh đế  (30/06/2012)