|
Đền thờ anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương ở thị xã An Nhơn ngày nay. |
Bình Định trở thành một đơn vị hành chính của nước Việt Nam thống nhất nếu tính từ thế kỷ XV đến nay đã gần 600 năm. Những người Việt có mặt tại Bình Định có lẽ từ thời nhà Trần với cuộc chinh phạt của Hồ Quý Ly, rồi đến nhà Lê và ồ ạt nhất là từ thời chúa Nguyễn thế kỷ XVI –XVII.
Theo sử sách ghi chép thì những người đến định cư vùng này mang nhiều thân phận khác nhau, trước hết là những người do triều đình điều chuyển vào cai quản vùng đất mới theo con đường nam tiến, một số khác bị mang tội danh với triều đình, một số khác là tù binh và cuối cùng là di dân tự do, do mùa màng thất bát,thiên tai địch họa… Cư dân vào định cư thuộc đạo Quảng Nam theo cuộc hành quân của vua Lê Thánh Tông, chủ yếu là là những cư dân cư trú ven biển, một số đóng tại Phủ Lỵ, Châu Lỵ, huyện Lỵ …
Thư tịch cổ cho biết, trong cuộc thiên di về phương Nam định cư, sinh sống, chúa Nguyễn quy định cứ 50 người thì lập một làng, do vậy làng thời kỳ này rất thưa thớt, nhưng mô hình đó thế nào, cơ cấu tổ chức ra sao chưa có công trình nào nghiên cứu. Nhân tiếp xúc được một số văn bản liên quan đến làng xã của thôn Kim Tây, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn đã cho chúng ta biết về một số nét về mô hình quản lý làng xã mà chúng ta đang quan tâm. Thiết nghĩ, tìm hiểu mô hình làng xã xưa để áp dụng cho việc xây dựng làng văn hóa mà chúng ta đang vận động xây dựng, một việc cần tìm hiểu và nên làm.
Theo tư liệu chúng tôi có được có niên đại từ Duy Tân năm thứ 8 (1903) đến Khải Định năm thứ 4 (1920), nội dung các văn bản có thể hiểu là một tờ biên bản họp làng cử người ra trông coi việc trùng tu đình chùa, miếu của làng kèm theo danh chữ ký xác nhận của các chức sắc trong làng:
“Hoài Nhơn Phủ, Phù Cát huyện, Xuân An Tổng, Lý Nhơn thôn, tây giáp Phước Lộc miếu, bản diên viên quan hương chức lý dịch sĩ binh dân đẳng.
Vi lập từ bảo cử từ: Duyên tiền miếu vũ phục tạo dĩ lai chí tư quân bị trùng đố hủ tài mộc, tư bản diên thiết niệm sự thần, đồng ưng thi công tu bổ miếu vũ, cập tác thôi hoàn sở chư sự, hiện hữu vi bằng, đồng ưng bảo cử cựu chánh tuần Đoàn Văn Hàng. Vi phó đốc công khả kham, thổ mộc thổ thức quy tại cai đẳng suất bát dân phu phục dịch, đồng bảo y phó đốc chư sự miếu vũ công thoan bản diên thiết tưởng biển tình, nhược sở sự phất, hữu hương pháp tại.
Tư bảo cử từ.
Thành Thái Thập tứ niên, chánh nguyệt nhi tập cửu nhật.
Bản diên đồng ký
- Lý Trưởng Hề ký (đóng dấu), Hương trưởng Phương tự ký, Viên Hà đểm chỉ, Tư gia điểm chỉ, Thủ sắc Đô tự ký, Nhiêu Cự điểm chỉ, Phó lý Tồn tự ký, Dịch mục vạn tự ký, Trùm miếu điểm chỉ, Cựu Trương Văn Ánh tự ký, Cựu dịch mục tự ký.
Dịch nghĩa:
Phủ Hoài Nhơn, Huyện Phù Cát, Tổng Xuân An, thôn Lý Nhơn, xóm tây miếu Phước Lộc, các viên quan hương chức lý dịch diên chúng tôi lập tờ bầu cử về việc;
Do vì từ ngày tu tạo lại ngôi miếu đến nay đã bị mọt mối làm mục nát rường cột, nên nay bản diên nghĩ việc thờ thần, đồng lòng lo việc tu bổ ngôi miếu và làm vôi toàn bộ, để có cơ sở làm bằng chúng, đồng ưng bầu cử ông cựu chánh tuần Đoàn Văn Hàng, làm phó đốc công lo các việc: về đất, về gỗ và các thể thứ làm ngôi miếu, điều hành nhân công phục dịch. Vậy đồng cử ông làm phó đốc công, trông coi các việc xây ngôi miếu hoàn tất, diên nghĩ phải đồng tình. Nếu không làm tròn phận sự, sẽ xử theo phép làng.
Nay bầu cử .
Năm Thành Thái thú 14, tháng giêng, ngày 19.
Biên bản đồng ký.
Từ những tư liệu trên chúng ta biết về cơ cấu làng Lý Nhơn (nay là Lý Tây) có hương hào Lý trưởng, Phó lý, Chánh Tuần, Điển biện ngoài ra còn có các chức sắc về hưu như cựu phó lý .
Cũng theo văn bản,trong cơ cấu làng ngoài tổ chức quản lý nhà nước do triều đình bổ nhiệm, làng còn có người trông coi về tinh thần như Tri đình, Trùm miếu, viên bảo cử từ. Những vị này chỉ có nhiệm vụ trông coi đình, miếu của làng và được hưởng hoa lợi từ đất đình làng trích ra, hàng ngày lo việc hương khói cho đình, miếu.
Về tín ngưỡng: Theo tư liệu thì thôn Lý Nhơn xưa có hai ngôi miếu thần, theo các cụ thôn Lý Nhơn vị thần của làng xưa là thần Bạch Mã một vi thiên thần được cư dân vùng này thờ tự cũng là vị thần được thờ phổ biến vùng Nghệ -Tĩnh, rất có thể khi di cư vào phía Nam định cư sinh sống,ngoài phong tục tập quán họ còn mang theo cả vị thần của mình. Thần Bạch Mã nghiễm nhiên trở thành vi thần bảo hộ cho dân làng Lý Nhơn trong lịch sử.
Một yếu tố trong văn hóa làng xã xưa đó là tính dân chủ, một thời chúng ta coi thiết chế này như là một yếu tố mê tín, lạc hậu. Qua các văn bản chúng ta thấy, để huy động sức dân trong làng mọi việc đều được minh bạch, phải có lý do chính đáng như việc sửa chữa lại miếu làng là một ví dụ. Việc cử người trông coi việc xây dựng cũng được bàn bạc dân chủ, ngoài tuổi tác người đó phải có uy tín trong làng, người được dân tín nhiệm bầu ra phải thực hiện được ý nguyện của làng còn phải chịu trách nhiệm, hình phạt theo luật làng nếu như không làm tròn.
Văn hóa làng là một vấn đề cần phải được nghiên cứu trước khi đưa ra một sách lược. Có lẽ khi xây dựng chiến lược về văn hóa không thể không nghiên cứu về truyền thống văn hóa làng trong lịch sử. Những văn bản như đã giới thiệu còn sót lại rất hạn chế trên địa bàn An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung. Chúng ta nên hiểu, cơ cấu tổ chức làng xã trong xã hội Việt Nam là một cơ cấu bền vững, chính vì vậy mà suốt một nghìn năm Bắc thuộc và một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ không làm sao phá vỡ được. Trong lịch sử, có lúc chúng ta bị mất nước, nhưng làng chưa bao giờ mất, để thấy làng có vai trò quan trọng thế nào trong xã hội xưa và nay.
|