Những căn hầm thắng bom B-52
17:17', 2/1/ 2013 (GMT+7)

Chuẩn bị hầm trú ẩn cá nhân cho người dân trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972.  Ảnh tư liệu

Những ngày cuối đông năm 1972, dọc các ngõ phố, bên các vườn hoa Hà Nội đều có hầm trú bom. Ngoài những hầm cá nhân của các gia đình tự đào (thường gọi là hầm tăng xê) trên vỉa hè trước cửa mỗi ngôi nhà, nơi tập trung đông người như tập thể Nguyễn Công Trứ, quanh Bờ Hồ, gần Nhà hát Lớn... còn có hầm chữ A tránh bom tập thể. Ngày nay, trên những căn hầm đó cây trái đã mọc lên xanh tươi tỏa bóng mát bốn mùa. Dấu vết của những căn hầm còn lại không nhiều, nhưng những kỷ niệm vẫn in đậm trong ký ức của nhiều người.

Tuổi thơ bên những căn hầm tránh bom

"Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số về phía tây. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn...". Lời của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn vang lên mỗi lần B-52 xâm phạm bầu trời Hà Nội vào những ngày cuối đông năm 1972 vẫn in sâu trong tâm trí nhiều người Hà Nội. Mỗi lần giọng đọc trầm ấm được phát lên hơn 6 vạn loa được kết nối bởi hơn 1.700km đường dây khắp nội, ngoại thành, người dân dù đang mải miết đạp xe trên đường, đang trật tự xếp hàng trong cửa hàng bách hóa... đều khẩn trương xuống hầm tránh bom. Nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch, Hội Mỹ thuật Hà Nội, kể: "Trên vỉa hè các con phố như Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Huân, Trần Hưng Đạo và xung quanh Bờ Hồ ngày ấy đầy những hầm tránh bom cá nhân, rất tiện. Người dân vẫn đi lại bình thường và khi nghe báo động có thể trú tại hầm gần nhất.

Giờ đây, chúng ta vẫn có thể tận mắt thấy một căn hầm tránh bom của khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Nhà bà Trịnh Thị Thoa ở sát hông lối vào đường hầm. Khu vực này trước vốn là nhà quàn xác binh lính Pháp tử trận. Sau ta xây dựng tập thể Nguyễn Công Trứ, giữ lại hàng cột đá và căn hầm phía dưới để làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư ở đây. Cuối năm 1972, căm hầm được tận dụng thành nơi trú bom cho cả khu tập thể. Dưới hầm sâu, bà con đã kê sẵn từng chiếc phản, để sẵn chăn màn, giường chiếu cùng nhiều lu nước đầy. Hễ nghe tiếng loa phóng thanh, tiếng còi báo động từ phía Nhà hát Lớn là người lớn, trẻ con lại gấp gáp bồng bế nhau xuống hầm tránh bom.

Bà Thoa ngày ấy làm công nhân Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất trên phố Tràng Thi. Cơ quan gần nên bà có điều kiện tạt qua nhà bất kể lúc nào. Bà kể, dân khu tập thể Nguyễn Công Trứ thường làm ca kíp, có người là dân quân tự vệ, họ thường gửi con cho ông bà trông giúp khi có báo động. Lâu dần thành quen, cứ nghe báo động lũ trẻ lại kéo đến cửa nhà bà Thoa để ông bà hướng dẫn xuống hầm trú ẩn, bố mẹ cứ yên tâm công tác.

Giờ đã ngoài 70, bỏm bẻm miệng trầu, bà Thoa kể: "Khu hầm ngày xưa rộng hơn trăm thước vuông, được các hộ sinh sống gần cửa hầm quét tước tinh tươm, sẵn sàng chăn màn, giường chiếu đón bà con". Cũng mùa đông của 40 năm trước, cô bé Hạnh và cậu bé Sơn mới có 5 - 6 tuổi đã chẳng thể quên những giây phút cuống quýt theo chân người lớn xuống hầm tránh bom. Vốn là hàng xóm nên bố mẹ thường bế cả hai đặt chung một phản rồi vội vã đi làm nhiệm vụ. Chiến tranh đi qua, khu nhà quàn lạnh lẽo cùng căn hầm tránh bom dường như bị quên lãng. Đôi bạn "thanh mai, trúc mã" ngày nào chỉ còn nhớ việc cậu bé Sơn nhiều lần đi học qua căn hầm đều trêu Hạnh đến phát khóc. Mỗi lần như vậy, Hạnh lại tức tưởi về mách người lớn để đến nỗi bố mẹ phải lôi sang hàng xóm nói về sau cho chúng mày nên vợ nên chồng để khỏi bắt nạt nhau.

Câu nói đó ai ngờ thành sự thật. Những trò chơi tuổi thơ cùng những ký ức tránh bom dưới hầm đã đưa đẩy hai đứa trẻ ngày nào nên vợ nên chồng. Sơn giờ là Trung tá cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang chỉ huy một tổ công tác đặc biệt 141. Cứ mỗi dịp Tết về, họ lại quay về chốn cũ kể cho các con nghe về tuổi thơ bên căn hầm tránh bom. Căn hầm qua từng đấy năm tháng vẫn nguyên vẹn giờ treo biển CLB sinh hoạt chung của phường Nguyễn Công Trứ. Bốn hộ dân vẫn còn sinh sống bên hai cửa hầm. Họ đã cải tạo lối lên xuống cửa hầm thành những căn phòng nhỏ…

Nơi trú ẩn an toàn của du khách

Cách đây hơn một năm, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội trên phố Ngô Quyền khi khoan một lỗ rộng 1m2 gần khu vực bể bơi, người ta đã phát hiện căn hầm rộng chừng 40m2.

Cũng vào năm 1972, trong chuyến đi không thể quên tới Hà Nội vào những ngày tháng ác liệt đó, nữ diễn viên người Mỹ, Jane Fonda đã tới thăm trận địa pháo cao xạ. Cô đội lên đầu chiếc mũ sắt, ngồi lên mâm pháo, hát vang những bài hát ngợi ca hòa bình, tố cáo tội ác chiến tranh. Những ngày tháng ở Hà Nội, người bạn Mỹ này đã lưu lại khách sạn Thống Nhất (Metropole Hà Nội ngày nay). Đúng vào thời khắc cô chuẩn bị lên xe ô tô để ra sân bay, còi báo động rúc ầm ĩ từ phía Nhà hát Lớn và xung quanh khu vực Bờ Hồ, Jane Fonda cùng nhiều khách được nhân viên Metropole đưa xuống căn hầm bê tông cốt thép ngay dưới lòng khách sạn để tránh một đợt bom điên cuồng.

Căn hầm trong vườn của Metropole với công năng là hầm trú ẩn tránh bom được xây ngầm dưới lòng đất có lối đi xuống theo bậc cầu thang, khác với căn hầm xây nửa nổi trên mặt đất từng được đặt ở dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ bây giờ. Hiện tại, căn hầm trú bom này đã được khách sạn Metropole giữ nguyên như một chứng tích chiến tranh với những mảng tường mốc thếch, những cánh cửa gỗ mục nước, chiếc bóng đèn cũ, chai dầu còn gần một nửa cùng chai rượu cũ bám đầy bùn đất…

Lịch sử còn ghi, đến trước năm 1962, tất cả các phố trong nội thành Hà Nội đều có hầm cá nhân tránh bom. Hầm nhỏ như chiếc hố được đào thẳng xuống vỉa hè và ghép bằng hai ống "bê tông" đúc bằng xỉ than trộn với xi măng đủ để cho một người trú ẩn an toàn. Theo tính toán, cứ 20m có một căn hầm như thế nằm so le nhau hai bên vỉa hè. Kể từ chiến tranh phá hoại đến khi B-52 ném bom đánh phá miền Bắc, quân và dân Thủ đô đã đào khoảng 40 vạn hầm tăng xê và 9 vạn căn hầm tập thể đủ chỗ trú ẩn an toàn cho cỡ 90 vạn người. Để giữ tính mạng cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Trân đã chỉ đạo: "Yêu cầu đặt ra của thành phố là mỗi người bám trụ lại Hà Nội phải có 3 hầm trú ẩn: tại nhà, ở cơ quan và trên đường phố". Tính tổng cộng Hà Nội khi đó có tới 230.000 hầm tăng xê và hàng nghìn hầm tập thể.

Ít người biết rằng, những ống bê tông dùng làm hầm cá nhân trên đường phố Thủ đô năm đó được sản xuất hàng loạt từ Xí nghiệp Xi măng Vĩnh Tuy. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần trách nhiệm cao, các công nhân ở đây đã biến hàng núi xỉ than thành những hầm cá nhân đúc sẵn nắp bằng cui rơm chống mảnh bom rất hữu hiệu.

Nơi chỉ huy diệt pháo đài bay

Cùng với những căn hầm trú bom cá nhân và những căn hầm trú bom tập thể, Hà Nội còn có những căn hầm dành cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mới đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã mở căn hầm chỉ huy tác chiến nằm dưới tòa nhà Cục tác chiến trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long cho du khách tham quan. Trong những ngày B-52 bắn phá, hầm chỉ huy tác chiến là nơi đón tiếp nhiều lãnh đạo đến họp bàn. Riêng sáng 19-12-1972, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã trực tiếp điều hành cuộc họp trong hầm cùng với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng quyết định cho trận chiến trên bầu trời Hà Nội. Căn hầm được xây dựng vào những ngày đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc cuối năm 1964, do Trung đoàn 259 (Cục Công binh) thiết kế và thi công. Căn hầm rộng 64m2 được thiết kế bảo đảm chống được sức công phá của bom tấn, tên lửa và thậm chí bom nguyên tử. Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nói, căn hầm giúp người tham quan thấy lại một thời kỳ lịch sử, tái hiện thời kỳ đấu tranh anh dũng và chiến thắng của quân và dân Việt Nam. Căn hầm này được bảo tồn nguyên vẹn theo đúng định hướng của UNESCO về bảo tồn di sản.

Còn ở phố Trần Quốc Toản, dưới nền trụ sở Hội Nhà báo Hà Nội, căn hầm chỉ huy của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân cũng được bảo tồn một cách cẩn trọng. Căn hầm rộng khoảng 100m2, sâu khoảng 4m, bên trên nóc hầm là bao cát để chống bom bi. Từ hầm ra phố Trần Quốc Toản có lối thoát thông ra cống để phòng khi căn hầm bị sập. Bên trong hầm có chỗ nghỉ ngơi 25m2, có chỗ họp với chiếc bàn bằng đá, đầu hầm phía tây có đường dây điện thoại hữu tuyến. Hầm được xây bằng bê tông cốt thép dày tới mét rưỡi. Trong hầm, những chiếc cốc nhôm tráng men uống nước, những chiếc điện thoại quay số vẫn được lưu giữ nguyên vẹn như một chứng tích về một thuở Hà Nội kiên cường bất khuất chống B-52.

. Theo HNMO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sáng tạo độc đáo và phong phú  (30/12/2012)
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt  (27/12/2012)
Hà Nội 12 ngày đêm qua ký ức cựu binh Nga  (27/12/2012)
Bản lĩnh người Hà Nội làm nên chiến thắng   (27/12/2012)
Học giả Pháp viết gì về Tướng Giáp?  (22/12/2012)
Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972  (21/12/2012)
Trung tướng Phạm Tuân: Khi phóng tên lửa, tôi tin mình sẽ bắn trúng B-52  (19/12/2012)
Dấu tích vương triều Champa ở Cấm Mít  (18/12/2012)
“Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô” giữa mưa bom B52  (17/12/2012)
Chuyện về chiếc chiếu cổ tắm máu anh hùng Nguyễn Trung Trực  (14/12/2012)
Dâng hương tưởng niệm 704 năm ngày Vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn  (13/12/2012)
Chuyện vượt ngục Côn Đảo  (12/12/2012)
12 ngày đêm ấy…  (09/12/2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản nhân loại  (07/12/2012)
Tầm vóc Nguyễn Diêu  (05/12/2012)