|
Hội thảo Lê Đại Cang thu hút nhiều đại biểu tham dự. ẢNH: HOÀI THU |
Ngày 9.1, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Viện Sử học đã tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu.
Từ lâu, trong các sách địa phương chí, nhân vật chí về Bình Định của các tác giả Bùi Văn Lăng, Quách Tấn - Quách Giao, Đặng Quý Địch, tên tuổi và sự nghiệp của Lê Đại Cang đã được nhắc đến nhưng còn khá rời rạc, sơ sài. Tại các địa phương mà Lê Đại Cang đã từng làm việc, để lại nhiều công tích như Hà Nội, Sơn Tây, An Giang, Hà Tiên, Quảng Nam… sách sử về địa phương chí các nơi này không thấy nhắc gì đến ông, hoặc có nhắc cũng rất qua loa, đại khái. Trong địa phương chí An Giang nhắc đến Lê Đại Cang với một dòng: “Tổng đốc đầu tiên, có tội, bị cách chức”. Điều này dễ dẫn đến sự hiểu lầm, đánh giá không công bằng về công lao to lớn của Lê Đại Cang.
Nhân vật lịch sử đặc biệt
Góp mặt tại Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu như PGS.TS Trần Đức Cường- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật- Viện trưởng Viện Sử học, Giáo sư Mạc Đường - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Trong tham luận “Mấy cảm nghĩ về danh nhân Lê Đại Cang”, Giáo sư Vũ Khiêu bày tỏ: “Cao Bá Quát chia trí thức làm 3 loại: loại người có chí lớn như chim Hồng, chim Ngọc bay tít lên mây xanh; loại người thanh cao, ở ẩn như chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi; đáng khinh là như những con hoàng điểu đi tìm chỗ kiếm ăn ở nhà quyền quý… Lê Đại Cang khinh rẻ loại thứ ba, ông không chấp nhận loại thứ hai, ông chỉ có thể là loại thứ nhất. Theo ông phải có chí lớn vì dân, phải như chim Hồng, chim Ngọc bay tít lên trời xanh…” .
Còn theo Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Lê Đại Cang là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Ông đã lập nên một sự nghiệp trải dài trong 41 năm làm quan ở 3 triều vua, trên cả 3 miền đất nước, qua rất nhiều lĩnh vực, khi làm quan cai trị những vùng phức tạp, lúc cầm quân đánh giặc ngoại xâm…
Một trong những công lớn của Lê Đại Cang- theo nhà nghiên cứu Ngô Vũ Hải Hằng (Viện Sử học)- là ông đã “đi khám xét và lên kế hoạch xây dựng hệ thống đê sông Hồng tất cả gồm 18 sở “đều là đại công trình cả” (theo Đại Nam thực lục, tập 2), trong đó gồm 11 sở đê mới. Công trình đồ sộ như vậy, mà chỉ trong 5 tháng có thể hoàn thành được, quả là một kì tích”.
Tấm gương kẻ sĩ
Cuộc đời của Lê Đại Cang đã được PGS.TS Nguyễn Phương Chi, Viện Sử học, dày công nghiên cứu, phân tích. Ông nhìn nhận: “Lê Đại Cang được chính sử triều Nguyễn ghi chép trong 6 tập “Đại Nam thực lục”, với dung lượng rất lớn. Sự phong phú trong tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp với những thăng trầm khó tưởng đã nói lên tầm vóc của Lê Đại Cang trong lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, với 77 năm cuộc đời, Lê Đại Cang đã đạt được một sự nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành một danh nhân lịch sử của Việt Nam đầu thế kỉ XIX. “Có được điều ấy, phải chăng trong ông từ rất sớm đã hàm chứa hai phẩm chất cao quý, tốt đẹp của Trúc như đại trượng phu, tiết tháo, kiên cường, và Lan như nghệ sĩ, tài tử, phong lưu?”, ông Tường hỏi như là khẳng định.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, Trưởng khoa Việt Nam học của Đại học Bình Dương, cho rằng hoạn lộ của Lê Đại Cang tuy rất gập ghềnh, nhưng bình sinh ông hầu như không quan tâm đến chức quyền, tước vị. Khi là đại thần hay là phu khiêng võng, khi là tướng cầm quân hay khi phải làm quân tiền hiệu lực, Lê Đại Cang vẫn cứ là Lê Đại Cang, sang giàu không cao ngạo, thụ án chẳng trách hờn, chất khí khái của kẻ sĩ chân chính trong ông đã khiến ông nhẹ nhàng vượt qua tất cả.
Nhiều tham luận khác tại Hội thảo đã phân tích sâu sắc nhiều khía cạnh cống hiến và tấm gương kẻ sĩ Lê Đại Cang. Đối với nhà thơ Thanh Thảo, ông đã cảm nhận từ cuộc đời Lê Đại Cang nhiều bài học về sự tận tụy vì công việc, dám làm, dám chịu, bài học về sự tự cân bằng mình: “Làm quan như Lê Đại Cang là quá vất vả… Nhưng Lê Đại Cang đã biết hóa giải sự vất vả hằng ngày bằng chính cách sống của mình”.
Lê Đại Cang (1771- 1847) quê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là một danh nhân lịch sử văn võ song toàn thời Nguyễn, dưới 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông đã có những đóng góp được sử sách ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa; nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực. Sau thời gian làm quan, thăng trầm nhiều nơi, ông trở về quê lập văn chỉ Tuy Phước, sau đó lập chùa Giác Am (nay là chùa Bảo Thọ) ở huyện Tuy Phước. |
|