Chiến dịch tiến công An Khê:
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”
17:59', 11/1/ 2013 (GMT+7)

Đồn của quân Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong chiến dịch. Ảnh tư liệu.

Sau khi rút kinh nghiệm chiến dịch Quảng Nam - Đà Nẵng (9.1952) và kết quả thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc (12.1952), đầu tháng 1.1953, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định tập trung lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương mở chiến dịch An Khê (từ ngày 13.1 đến 28.1.1953) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ “bức bình phong lớn” án ngữ khống chế đoạn đèo hiểm trở của đường 19 nối Quy Nhơn (đồng bằng ven biển) với Plây-cu (Tây Nguyên), đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với các chiến trường.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến dịch là tích cực, chủ động, kiên quyết tiến công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích vùng sông Ba, dân công tỉnh, huyện (đông Gia Lai, tây Bình Định) bắt đầu nghi binh lừa địch, cơ động lực lượng, khẩn trương thực hiện mọi công việc chuẩn bị cho chiến đấu. Trong công tác trinh sát chiến trường, hai Trung đoàn chủ lực 108, 803 (lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch) được du kích địa phương hỗ trợ bí mật, thận trọng tìm hiểu kỹ các căn cứ từ Kon Lía, Tú Thủy đến Đầu Đèo (những vị trí chiến thuật quan trọng), đều được bố trí một đại đội sơn chiến “có độ dày tác chiến cơ động và phòng ngự” bảo vệ vòng ngoài của địch ở An Khê để thiết lập phương án tác chiến. Qua trinh sát các mục tiêu được xây dựng kiên cố, nhiều hàng rào kẽm gai bao bọc (đồn bốt có ba tầng hỏa lực phòng ngự, ngăn chặn từ xa), nên trước khi bước vào chiến đấu, Bộ tư lệnh chiến dịch và các ban chỉ huy trung đoàn đã cho các tiểu đoàn chủ lực học tập và huấn luyện kỹ chiến thuật công kiên (theo tài liệu và kinh nghiệm từ miền Bắc đưa vào) để tạo thêm niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ.

Xác định phương châm “đánh điểm, diệt viện”, đêm 13 rạng ngày 14.1.1953, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo hai Trung đoàn 108, 803 đã chiếm lĩnh trận địa (được Trung đoàn 120 tỉnh chốt chặn trên các hướng hỗ trợ), cho các tiểu đoàn đồng loạt tiến công các cứ điểm Tú Thủy, Cửu An, Eo Gió. Được huấn luyện (bổ sung) chu đáo cách đánh công kiên “tứ tổ nhất đội”, “bộc phá liên tục”, nên bộ đội nhanh chóng tiêu diệt quân địch, làm chủ mục tiêu, khiến quân Pháp ở Kon Lía hốt hoảng tháo chạy. Để hàn gắn tuyến phòng thủ bảo vệ An Khê, ngày 17.1.1953, chỉ huy địch vội vã điều một tiểu đoàn tăng cường ra phản công chiếm lại các vị trí vừa mất. Dự kiến đúng lực lượng và hướng hành quân của địch, quân ta từ các vị trí phục kích (đông Cửu An 500m) nhất loạt xung phong đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn sơn chiến 8 có xe bọc thép yểm trợ. Phát huy thắng lợi, quân ta tiến công Thượng An và lô cốt Đầu Đèo (hai vị trí nhô ra trên đèo An Khê). Sau gần nửa giờ chiến đấu, vị trí Thượng An bị tiêu diệt, riêng lô cốt Đầu Đèo (do thông thoáng 4 mặt) quân ta phải điều hỏa lực kiềm chế và phải qua 4 lần xung phong mới làm chủ được mục tiêu.

Hệ thống cứ điểm vòng ngoài An Khê bị san phẳng, tuyến phòng thủ bảo vệ đèo Mang Giang (tây An Khê) bị uy hiếp nghiêm trọng. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở khu vực phải xin điều động 3 tiểu đoàn dự bị chiến lược từ Bắc Bộ vào cứu nguy cho An Khê, tạo thuận lợi cho chiến dịch tổ chức đánh địch ngoài công sự. Ngày 24.1.1953, nắm chắc Tiểu đoàn dù số 1 ngụy hành quân lên tăng viện cho An Khê, Trung đoàn 803 cho Tiểu đoàn 39 vận động đến vị trí quy định (giữa Thượng An và An Khê) tổ chức phục kích đánh thiệt hại nặng. Trưa hôm sau, trên đường 19 (tây An Khê), Tiểu đoàn 68 (Trung đoàn 120) phục kích chặn đánh đoàn xe 25 chiếc, diệt một đại đội địch. Bị thất bại liên tục và nặng nề trên khu vực đường 19 - An Khê, Bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương buộc phải tăng viện lớn (6 tiểu đoàn) cho An Khê và điều một hạm tàu (6 chiếc) đến vùng biển Quy Nhơn sẵn sàng đổ bộ lên đánh phá các huyện đồng bằng (vùng tự do của ta ở hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định). Nhận định lực lượng so sánh trên mặt trận An Khê đã thay đổi không có lợi cho ta, ngày 28.1.1953, Bộ chỉ huy Liên khu 5 quyết định kết thúc chiến dịch, chuyển sang hoạt động nhỏ lẻ kìm chân địch.

Chiến dịch tiến công An Khê giành thắng lợi thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật sử dụng binh lực hợp lý, hình thành thế trận hiểm hóc, chủ động tiến công và tiến công liên tục, tập trung dứt điểm từng mục tiêu, diệt gọn từng đơn vị cả trong công kiên và trong vận động phục kích. Chính vì đánh giá đúng tình hình địch, ta giữ vững quyền chủ động từ khi mở màn đến khi kết thúc chiến dịch, ta đã đạt mục đích chiến dịch đề ra, buộc địch phải phân tán một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược vào chiến trường Tây Nguyên và duyên hải Trung - Trung Bộ, cùng với các chiến trường khác tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Bắc Bộ mở rộng lực lượng, thế trận chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

. Theo Đại tá Trần Tiến Hoạt/QĐNDO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ  (09/01/2013)
Quốc hiệu Việt Nam qua góc độ từ Mộc bản triều Nguyễn  (07/01/2013)
Ông Bí thư “nói được là làm được”  (04/01/2013)
Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris  (04/01/2013)
Hà Nội không khuất phục  (03/01/2013)
Những căn hầm thắng bom B-52  (02/01/2013)
Sáng tạo độc đáo và phong phú  (30/12/2012)
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt  (27/12/2012)
Hà Nội 12 ngày đêm qua ký ức cựu binh Nga  (27/12/2012)
Bản lĩnh người Hà Nội làm nên chiến thắng   (27/12/2012)
Học giả Pháp viết gì về Tướng Giáp?  (22/12/2012)
Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972  (21/12/2012)
Trung tướng Phạm Tuân: Khi phóng tên lửa, tôi tin mình sẽ bắn trúng B-52  (19/12/2012)
Dấu tích vương triều Champa ở Cấm Mít  (18/12/2012)
“Giọng nói nổi tiếng nhất thủ đô” giữa mưa bom B52  (17/12/2012)