(Kỳ cuối)
Nhà ngoại giao nhân dân
|
Đồng chí Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thủy (hàng ngồi, từ trái sang) tại Pa-ri. Ảnh tư liệu |
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH và đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị làm Cố vấn đặc biệt. Hai ông được coi là “cặp bài trùng” bổ sung và hỗ trợ nhau rất tài tình trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Pa-ri. Cả hai đều được coi như là những “bậc thầy” về đàm phán. Họp công khai thì Trưởng đoàn Xuân Thủy là chính, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ ít xuất hiện mà thường chỉ đóng vai trò trong các cuộc họp bí mật.
Trưởng đoàn Xuân Thủy nổi tiếng là mềm mỏng, khéo léo nhưng cũng rất thẳng thừng và quyết liệt khi cần trong đàm phán. Như ở những phiên họp công khai đầu tiên, đồng chí Xuân Thủy đã chỉ thẳng mặt Trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man mà mắng là quân xâm lược. Trong phiên họp ngày 20.9.1968, bàn về việc để chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán, trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man nói, đây là điều kiện để Mỹ quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc và bắt đầu nói chuyện nghiêm chỉnh. Đồng chí Xuân Thủy đã chất vấn lại rằng, đây có phải là điều kiện mới và duy nhất không. Ha-ri-man đã không giữ được bình tĩnh nói: “Chúng tôi muốn nói chuyện nghiêm chỉnh thì phải có đại diện của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng các ông bác đi như vậy thì chiến tranh lại tiếp tục, bom lại rơi trên đầu các ông”. Phiên họp này có cả đồng chí Lê Đức Thọ tham gia. Cả trưởng đoàn Xuân Thủy và đồng chí Lê Đức Thọ đã bình tĩnh nhưng nghiêm khắc phê phán thái độ hiếu chiến của Ha-ri-man. Cuối cùng, Ha-ri-man đã phải xin rút lại câu “bom lại rơi trên đầu các ông”.
Đối đáp của đồng chí Xuân Thủy với đối phương có lúc nhẹ nhàng mà sâu sắc. Trong các cuộc họp, thường các trưởng đoàn đứng lên đi ra trước sau khi họp xong. Nhưng có lần trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man không ra trước mà đứng lại chờ để đồng chí Xuân Thủy ra trước. Sau đó, Ha-ri-man nói, hôm qua tôi ra trước rồi thì hôm nay có đi có lại nên hôm nay ông đi ra trước. Trưởng đoàn Xuân Thủy “đốp” lại ngay, cái “đi” không quan trọng mà vấn đề trong đàm phán về rút quân có đi có lại là không được. Đồng chí Xuân Thủy thường lèo vào cái yêu sách rút quân của Mỹ đối với rút quân ra miền Bắc là “không có đi có lại” rất giỏi. Vì khi đó, trưởng đoàn Ha-ri-man thường hay nhắc câu “có đi có lại” trong vấn đề rút quân, thậm chí có những lần nói luôn bằng tiếng Việt.
Anh em ngoại giao vẫn đánh giá Trưởng đoàn Xuân Thủy là Nhà ngoại giao nhân dân vì đồng chí rất giỏi về hoạt động hữu nghị và tranh thủ dư luận. Đồng chí đã khéo léo tranh thủ được hai nước anh em là Liên Xô và Trung Quốc. Trước và sau những diễn biến quan trọng của cuộc đàm phán, ông thông báo tình hình cho cả hai nước, nghe ý kiến của họ nhưng vẫn giữ vững tính độc lập, tự chủ của mình.
Trưởng đoàn Xuân Thủy rất “khỏe” tiếp xúc, gặp gỡ ngoại giao. Ông lại là nhà thơ nên ăn nói rất khéo. Ở Pa-ri, gần như không có tối nào ông rảnh rỗi. Tối này thì tiếp đại sứ Liên Xô, tối kia ông lại mời cơm đại sứ Hung-ga-ri, rồi đến gặp gỡ các nhà ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa, hay đi thăm nhà Việt kiều... Suốt gần 5 năm đàm phán ở Pa-ri, trong khi Mỹ 4 lần thay đổi trưởng đoàn thì đồng chí Xuân Thủy vẫn được giao trọng trách trưởng đoàn từ đầu đến cuối.
Tay nghề “nhà phẫu thuật”
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ là người nổi tiếng “cương, nhu” rõ ràng. Tới mức Kít-xinh-giơ có lần phải kêu ca rằng, mình bị Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ coi như học trò khi nói chuyện vì thái độ cứng rắn, dạy bảo. Có lúc Kít-xinh-giơ ca cẩm bảo, ông nói những điều này nhiều rồi, tôi nghe nhiều lần lắm rồi. Vậy là đồng chí Lê Đức Thọ đáp lại ngay, tôi nói nhiều lần nhưng ông chưa thuộc nên phải nhắc lại. Lần khác, Kít-xinh-giơ lại nói: “Ông nói chuyện với tôi mà cứ mắng tôi, thế ông nói chuyện với các đồng nghiệp của ông thì ông có mắng như thế không, họp trung ương, thì ông có mắng như thế không?”. Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời: “Xin ngài chớ quá nặng lời. Lúc trình bày với ngài, tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Làm sao tôi phải mắng đồng nghiệp của tôi, họ có lật lọng như ông đâu”.
Tại một cuộc hội thảo vào năm 2010 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kít-xinh-giơ thừa nhận đã bị đồng chí Lê Đức Thọ mổ xẻ bằng một con dao phẫu thuật rất sắc, với một tay nghề của nhà phẫu thuật. Kít-xinh-giơ phải thốt lên rằng: “Trời đã sinh ra Kít-xinh-giơ sao còn sinh ra Lê Đức Thọ?”. Có lần Kít-xinh-giơ biện bạch là đang nói theo Lê-nin, “một bước tiến hai bước lùi”. Nhưng đồng chí Lê Đức Thọ bác lại ngay: “Lê-nin nói khác, còn ông hiểu khác. Lê-nin nói thật, còn ông không phải”.
Kít-xinh-giơ rất lắm mưu mẹo nhưng chưa lần nào “qua mặt” được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Biết ông hay bị mất ngủ, sức khỏe hạn chế trong các cuộc thương lượng kéo dài thâu đêm, nên Kít-xinh-giơ lợi dụng hay “cò cưa” thảo luận những vấn đề không phải mấu chốt. Cố vấn Mỹ lọc lõi này thường rình tới lúc cuối giờ mệt mỏi mới đưa vấn đề chính ra để bàn vì nghĩ lúc đó ông dễ “ừ”, dễ “gật”. Nhưng chẳng lần nào chúng đạt được ý đồ vì Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ luôn giữ tỉnh táo tới phút cuối cùng và vào những lúc đặc biệt. Để xoa dịu nội bộ và dư luận, trong một phiên đàm phán, Kít-xinh-giơ đề nghị hai bên ký tắt vào những điều đã thỏa thuận để chứng tỏ đàm phán có kết quả như Kít-xinh-giơ đã tuyên bố với báo chí “hòa bình đã ở trong tầm tay”. Nhưng bất ngờ cho Kít-xinh-giơ, ông Lê Đức Thọ kiên quyết bác bỏ việc ký tắt như vậy. Cuối cùng, Kít-xinh-giơ phải nói: “Ông quả là một đối thủ xứng tầm”; “Đàm phán với ông Lê Đức Thọ quả là chơi trò cân não”.
Đồng chí Lê Đức Thọ được chọn sang Pa-ri một phần vì là người dày dạn kinh nghiệm chiến trường, phù hợp để thực hiện chiến lược “đánh-đàm” mà Đảng ta đã lựa chọn. Bác Hồ từng dặn đàm phán phải thận trọng, kiên trì, vững vàng nhưng phải khôn khéo, phải bám sát tình hình chiến sự, phải có chuyên gia quân sự tham gia. Dù bản thân đã là một người rất am hiểu chiến trường, nhưng khi sang Pa-ri, đồng chí vẫn mang theo các chuyên gia quân sự là những tướng lĩnh quân sự của Việt Nam như Hồ Quang Hóa, Nguyễn Đôn Tự. Sau này có thêm đồng chí Đoàn Chương.
Ở Pa-ri, mỗi lần thấy anh em trong đoàn đàm phán nôn nóng vì đàm phán giậm chân tại chỗ, đồng chí Lê Đức Thọ thường nhắc nhở: "Các cậu phải nhớ lời Bác Hồ dặn: “Phải đúng thời cơ như kỹ thuật nấu cơm. Sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy". Các cậu vẽ ra bao nhiêu phương án cũng được, càng nhiều càng tốt, nhưng phải nhớ lời Bác: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến là Mỹ phải rút quân, còn quân miền Bắc thì tiếp tục ở lại Nam Việt Nam”.
. Theo QĐNDO |