Nữ du kích diệt quân thiện chiến trong Tết Mậu Thân 1968
11:28', 23/1/ 2013 (GMT+7)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã mở ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.

 

Tiểu đội 11 Cô gái Sông Hương anh hùng. Ảnh tư liệu

 

Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cách đây đã 45 năm tại Thành phố Huế, có Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương. Trong những ngày tháng ác liệt đó, các chị mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đảm đương nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào thành phố. Dù là “thân gái”, với vũ khí trang bị gọn nhẹ, song các chị đã chiến đấu kiên cường, đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa thành phố Huế.

Những ngày cận Tết Qúy Tỵ 2013, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 thuộc ngõ 40, đường Duy Tân, thành phố Huế. Đây là nơi chị Nguyễn Thị Hao, thành viên của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương năm xưa đang sinh sống. Qúa khứ như thước phim quay chậm trong trí nhớ và chị Hao xúc động nhớ lại: “11 đứa con gái chúng tôi lấy dòng sông Hương đặt làm tên chung vì chúng tôi đều sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hương. Trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra khoảng hai tháng, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của quân địch trong nội thành; chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Triển khai nhiệm vụ, chúng tôi vào vai con gái làng nón đưa sản phẩm làng nghề đi bán dạo cho người dân khắp khu vực phía Nam thành phố để thu thập tình hình và nắm chắc đường đi lối về dẫn đến các mục tiêu”.

Đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12.2.1968, sau 10 ngày đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, giúp bộ đội ta mở đợt tấn công địch tại thành phố Huế, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương được đồng chí Hoàng Lanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Huế, giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại đợt phản công của địch từ thị trấn Phú Bài lên thành phố Huế theo quốc lộ 1A. Trước một tiểu đoàn thủy quân lục chiến thiện chiến của Mỹ, có xe tăng và máy bay yểm trợ, các nữ du kích, do chị Phạm Thị Liên chỉ huy, đã lên quyết tâm chiến đấu và nhận định: “Bọn Mỹ cao to, có hỏa lực mạnh nhưng chúng không thông thạo địa hình, trong khi tiểu đội có sự phối hợp của bộ đội chủ lực và sự che chở của nhân dân, nhất định sẽ đánh bại kẻ địch”. Từ quyết tâm và nhận định đó, với súng AK và một số mìn, lựu đạn, các nữ du kích sông Hương lợi dụng địa hình, dàn trận tại các địa điểm như phường Phú Hội, phường Xuân Phú, khách sạn Hương Giang, Đại học Sư phạm Huế, chợ Cống… để tiêu diệt địch.

 

Bia ghi chiến công của các nữ du kích sông Hương ở đường Bà Triệu, thành phố Huế.

 

Đêm đó, khi bọn địch vừa kéo đến, đang ngơ ngác quan sát thì chị Phạm Thị Liên hạ lệnh tiêu diệt địch. Ngay lập tức, những loạt đạn được nã chính xác vào đội hình địch, tiêu diệt tại chỗ những tên trong tốp đi đầu, ghìm chân cả tiểu đoàn quân Mỹ tại chỗ. Bọn địch xô nhau nằm xuống và bắn như vãi đạn lên trời, một giờ sau chúng mới dám phản kích.

Với tinh thần gan dạ, dũng cảm, trong trận đánh này, tiểu đội nữ du kích sông Hương đã tiêu diệt hàng chục lính Mỹ, 4 xe tăng và cản bước tiến của quân địch, góp phần cùng với quân ta làm chủ thành phố Huế trong suốt 26 ngày đêm liên tục của đợt tập kích đầu tiên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trong trận quyết chiến hôm đó, bốn nữ du kích sông Hương đã anh dũng hy sinh là các chị: Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên.

Với chiến công đánh tan một tiểu đoàn quân Mỹ, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi chiến công: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Sau này, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định dựng bia ghi chiến công của các nữ du kích sông Hương tại phường Xuân Phú, nơi gắn với chiến công của họ 45 năm về trước. Đặc biệt, ngày 2.9.2008, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

. Theo TRẦN ĐÌNH THĂNG/QĐND Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Cặp bài trùng” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy  (20/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri: Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”  (18/01/2013)
Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước  (17/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri  (16/01/2013)
Hiệp định Pa-ri – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam  (16/01/2013)
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”  (11/01/2013)
Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ  (09/01/2013)
Quốc hiệu Việt Nam qua góc độ từ Mộc bản triều Nguyễn  (07/01/2013)
Ông Bí thư “nói được là làm được”  (04/01/2013)
Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris  (04/01/2013)
Hà Nội không khuất phục  (03/01/2013)
Những căn hầm thắng bom B-52  (02/01/2013)
Sáng tạo độc đáo và phong phú  (30/12/2012)
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt  (27/12/2012)
Hà Nội 12 ngày đêm qua ký ức cựu binh Nga  (27/12/2012)