Chuyện người bắt viên phi công Mỹ cuối cùng
11:51', 25/1/ 2013 (GMT+7)

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Toàn.

Ông Nguyễn Đức Toàn lúc đó là chỉ huy Trung đội bắn dơi chiếc F4J ngay loạt đạn đầu và bắt song viên phi công.

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa hè năm 1972 và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị đã góp phần buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam.

Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, phóng viên VOV gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Đức Toàn, nguyên Trung đội Trưởng phòng không ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, người chỉ huy và trực tiếp bắn rơi máy bay, bắt sống viên phi công của Mỹ cuối cùng trên bầu trời Quảng Trị vào đêm trước ngày ký Hiệp định Paris.

13 tuổi đã tham gia cách mạng, có mặt ở nhiều chiến trường với trăm trận đánh lớn nhỏ, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đức Toàn nhớ mãi trận chiến cuối cùng trên chiến trường Quảng Trị vào đêm trước ngày ký Hiệp định Paris năm 1973.

Lúc đó, chỉ còn mấy giờ nữa là Hiệp định Paris ký kết, hòa bình lập lại nhưng súng hai bên vẫn nổ rền trên bầu trời Quảng Trị. 2 máy bay của không lực Hoa Kỳ quần đảo trên bầu trời Quảng Trị. Ông Toàn chỉ huy Trung đội bắn phá, chiếc F4J trúng đạn ngay loạt đầu. Một phút sau, chiếc máy bay viễn thám OV10 cũng dính đạn bốc cháy dữ dội. Hai viên phi công của chiếc F4J thoát khởi máy bay, nhảy dù rơi xuống cánh đồng xóm Cộ, xã Triệu Phước, một người bị thương nặng đã chết; người thứ hai là thiếu tá Phillip Allen Kientzler, bị thương được ông Toàn đưa về hầm trú ẩn cứu chữa. Chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ trên bầu trời Quảng Trị bị bắn hạ trong sự vui mừng của ông Nguyễn Đức Toàn: “Khi bắn rơi chiếc F4J chiếc đó quan trọng trong trận đấu nhưng thực ra khi bắn rơi chiếc OV10, chiếc máy bay quyết định, khi chọc thủng con mắt viễn thám của không lực Hoa Kỳ thì tất cả các loại máy bay ngoài hạm đội bay vào thì không có chỉ điểm. Lúc đó ở vùng phía đông không có máy bay nào trên vùng trời Quảng Trị, anh em rất phấn khởi”.

Đêm đó, ông Toàn được cấp trên giao nhiệm vụ đưa viên phi công Mỹ ra tuyến sau. Ngồi trong hầm trú, Phillip Allen chưa hết run vì sợ bị thủ tiêu. Có thời kỳ làm điệp báo nên ông Toàn biết tiếng Anh, chủ động gợi chuyện với người lính Mỹ. Hai người lính ở 2 bên chiến tuyến chia nhau từng khói thuốc lá nói chuyện thâu đêm. Phillip kể cho ông Toàn nghe về người vợ đang mang thai 3 tháng và đứa con gái 3 tuổi ở bên Mỹ đang đợi ông về. Phillip cũng mong chiến tranh kết thúc để được về với gia đình, vợ con. Đến lúc chia tay ông Toàn, Viên phi công tù binh nhìn ông với ánh mắt biết ơn. Ông Toàn đáp trả bằng nụ cười thân thiện.

Về lại Mỹ, đoàn tụ với gia đình, ông Phillip không thể nào quên hình ảnh “người lính Việt Cộng” đã cho ông được sống để gặp lại vợ và các con. Ông hằng mong đưa gia đình trở lại Việt Nam tìm ông Toàn nói lời cảm ơn. Nhưng đầu năm 2005, Phillip đã qua đời sau một cơn đau tim. Mãi đến cuối năm 2005, bà Nyla - vợ của người cựu binh Mỹ mới có thông tin về ông Toàn qua những dòng nhật ký chiến trường được Hội cựu chiến binh Mỹ đăng tải trên mạng điện tử. Thực hiện di nguyện của chồng, năm 2007, đúng dịp kỷ niệm 34 năm ngày ký Hiệp định Paris, bà NyLa và các con sang Việt Nam tìm gặp ông Toàn. Một cuộc gặp mặt đầy cảm động.

Câu chuyện bao dung, độ lượng của cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Đức Toàn được đăng trên các trang điện tử ở Hoa Kỳ. Tháng 8.2012, thông qua Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu binh Mỹ - Ron Osgood, Giáo sư sử học Trường Đại học Indiana, của Hoa Kỳ đã tìm gặp ông Toàn để tìm hiểu về chiến tranh tại Việt Nam. Ông Toàn được mời sang Mỹ nói chuyện với sinh viên, cựu chiến binh và cả những người Mỹ phản đối chiến tranh, yêu chuộng hoà bình. Ông Toàn đã nói lên sự thật chiến tranh ở Việt Nam mà nhiều người Mỹ chưa hề hay biết.

Sau lần nói chuyện ấy, ông Toàn được các bạn Mỹ mời ở lại nói chuyện về lịch sử chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, nhưng ông từ chối. Ông trở về quê hương để tiếp tục tìm kiếm hài cốt đồng đội đang còn nằm lại trên chiến trường Quảng Trị. Hiện trong tay ông Toàn đang cất giữ tấm bản đồ của quân đội Mỹ chôn cất 53 hài cốt liệt sỹ của Trung đoàn Phú Xuân trong trận đánh đầu tiên tại chiến khu Ba Lòng, vào ngày 19.10.1965. Tấm bản đồ do ông Bill Deeter, Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tin tưởng trao tặng ông Toàn với mong muốn góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ông Toàn dự định: “Bây giờ còn tài liệu mình còn giữ trong tay chính xác 100% 53 liệt sỹ hy sinh trận đánh đầu tiên tại Ba Lòng. Nếu như quan tâm theo hồ sơ tôi có sẵn, tôi nghỉ rằng sẽ tìm ra”.

9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, kinh qua nhiều trận đánh thập tử nhất sinh, ông Nguyễn Đức Toàn 9 lần được nhân Huân huy chương kháng chiến chống Mỹ, dũng sỹ diệt Mỹ. Sau ngày giải phóng, vì nhiều lý do nên ông phải vào miền Nam sinh sống. Bây giờ, ông Toàn vẫn không được hưởng chế độ gì nhưng ông không lấy làm buồn. Niềm vui lớn nhất của ông là 4 đứa con đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn đinh. Sức khỏe yếu nhưng ông vẫn lặn lội khắp núi rừng Quảng Trị tìm kiếm hài cốt của đồng đội.

. Theo VOV

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nữ du kích diệt quân thiện chiến trong Tết Mậu Thân 1968  (23/01/2013)
“Cặp bài trùng” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy  (20/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri: Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”  (18/01/2013)
Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước  (17/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri  (16/01/2013)
Hiệp định Pa-ri – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam  (16/01/2013)
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”  (11/01/2013)
Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ  (09/01/2013)
Quốc hiệu Việt Nam qua góc độ từ Mộc bản triều Nguyễn  (07/01/2013)
Ông Bí thư “nói được là làm được”  (04/01/2013)
Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris  (04/01/2013)
Hà Nội không khuất phục  (03/01/2013)
Những căn hầm thắng bom B-52  (02/01/2013)
Sáng tạo độc đáo và phong phú  (30/12/2012)
Tổ chức lễ hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt  (27/12/2012)