Cứ vào dịp lễ tết, nữ chiến sĩ biệt động Chính Nghĩa và các đồng đội lại đến thắp hương tại ngôi miếu nhỏ nằm đối diện cổng sau dinh Độc Lập. Chính tại đây, 45 năm trước trong chiến dịch Tết Mậu Thân, bà và các chiến sĩ biệt động thuộc Đội 5 đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Trong trận đánh đó, bà là nữ biệt động thành duy nhất và mới bước sang tuổi 19…
|
Nữ biệt động Chính Nghĩa thời trẻ (ảnh chụp lại).
|
Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, lực lượng biệt động Sài Gòn được chia thành nhiều đội (mỗi đội không quá 20 người) đánh vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố như Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, khám Chí Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân và dinh Độc Lập. Nữ biệt động Chính Nghĩa, tên thật là Vũ Minh Nghĩa, nằm trong đội hình Đội 5 gồm 15 người có nhiệm vụ tấn công dinh Độc Lập.
Thiếu nữ tuổi 19, sinh ra và lớn lên tại vùng đất thép Củ Chi, rất háo hức với nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng nguy hiểm này. “Đã đứng trước lá cờ của Đảng tuyên thệ rồi thì dù khó khăn như thế nào người đảng viên cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân địch, dù nguy hiểm nhưng tôi quyết chiến đấu tới cùng”, nữ biệt động thành tâm sự.
Trước đó, Chính Nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, vận chuyển thư từ, vũ khí trong nội và ngoại thành. Bà tự nhủ rằng nếu bị bắt thì phải giữ được khí tiết, hoàn thành nhiệm vụ thì mang về, còn chẳng may lọt vào tay giặc thì chấp nhận hy sinh. Có những ngày, bà đi lại như con thoi theo lộ trình Sài Gòn - Thủ Đức - Củ Chi trong khi đồn bốt địch bủa khắp nơi. Nhanh nhẹn và gan dạ bà được anh em trong Đội 5 khi đó gọi là “chiến sĩ tên lửa”.
Bà Nghĩa kể lại, lực lượng biệt động rất ít khi trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, phần lớn là đánh theo kiểu nổ chậm như đặt bom, mìn rồi bỏ đi nên không căng thẳng thần kinh như người chiến sĩ ôm súng ở chiến trường. Trước trận đánh lớn, bà đã chuẩn bị tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù phải hy sinh thân mình.
Theo kế hoạch, đội biệt động của bà do đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh, đội trưởng Đội 5) chỉ huy đánh vào dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 đến 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi động thái khác thường quanh mục tiêu sẽ bị địch kiểm tra và sẵn sàng bắn hạ.
Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 15 chiến sĩ biệt động đi trên ba chiếc xe tải nhỏ và hai chiếc xe máy tiến vào cổng sau dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng. 5 chiến sĩ của ta hy sinh ngay khi trèo qua tường rào vào trong dinh.
|
Bà Nghĩa bên miếu thờ các chiến sĩ biệt động đánh dinh Độc Lập.
|
Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với Chính Nghĩa bởi hôm đó bà chứng kiến những đồng đội thân thương của mình ngã xuống, trong đó người đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa hơn 10 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày. 8 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Số còn lại trong đó có bà đều bị thương, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Chính Nghĩa bị bắt và bị tra tấn dã man trong các nhà tù của Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Chí Hòa và cuối cùng là Côn Đảo. Năm 1974, bà Nghĩa được trao trả tự do.
Tại nơi các chiến sĩ biệt động chiến đấu và hy sinh anh dũng được nhân dân lập miếu thờ từ năm 1969. Ngôi miếu nhỏ nằm trên đường Nguyễn Du, đối diện cổng sau dinh Độc Lập, vẫn là nơi thường xuyên lui tới của các chiến sĩ biệt động năm xưa và những cựu chiến binh tóc đã điểm bạc.
Bà Nghĩa không giấu nổi xúc động mỗi khi đến thăm và thắp những nén hương thơm cho đồng đội cũ. “Đau lòng nhất là ngôi miếu nhỏ thờ các chiến sĩ biệt động hy sinh tại đây từ năm 1969 vẫn vậy. Không có nhiều người biết đến, chỉ có anh em nhớ đến anh em”, nữ biệt động năm xưa giọng trầm xuống.
Mong ước lớn nhất của bà và nhiều đồng đội là chính quyền địa phương sẽ sớm xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại đây để ghi nhận công lao của các đồng đội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
. Theo QĐND Online |