Về chủ nhân của gốm Chăm Bình Định
17:4', 29/1/ 2013 (GMT+7)

Một ngôi tháp Chăm ở Bình Định (Ảnh: Internet)

Trong gần một thế kỷ nghiên cứu văn hóa Champa, gốm Chăm gần như bị quên lãng. Cùng chung số phận với gốm, nghề sản xuất gốm Chăm hầu như không được đề cập đến. Ngay sau khi Gò Sành được phát hiện, một số nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Sài Gòn - những người đầu tiên có mặt tại khu di chỉ năm 1972 đã tỏ ý nghi ngờ về chủ nhân của các lò sản xuất gốm này là người Chăm.

Những năm gần đây, các di tích gốm Champa Bình Định được phát hiện, song vấn đề chủ nhân của nó vẫn đang được các nhà khoa học thảo luận. Có thể phân các ý kiến của họ thành 3 loại:

Một, chủ nhân các lò gốm Bình Định là người Chăm. Đại diện cho loại quan điểm này là những người khai quật Gò Sành và số đông các học giả nước ngoài: Nhật, Anh, Mỹ, Newzeland, Philippines…

Hai, chủ nhân của các lò gốm này là người Chăm, nhưng thời điểm kết thúc của nó khoảng thế kỷ XVI – XVII. Những người này không đưa ra ý kiến trực tiếp xác định chủ nhân của các lò gốm cổ ở Bình Định. Nhưng qua bài viết ta có thể hiểu rằng một loại ý kiến cho rằng chủ nhân các lò gốm này từ trước năm 1471 là người Chăm, còn sau năm 1471 cho đến thế kỷ XVII là người Việt tiếp thu. Đại biểu cho ý kiến này là một tác giả Nhật Bản chuyên về gốm tiền sử. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đến thế kỷ XVII đồ gốm sản xuất ở Bình Định vẫn là gốm Chăm, nghĩa là sau năm 1471, khi vùng đất này đã thuộc về Đại Việt, người Chăm vẫn tiếp tục duy trì sản xuất ở các khu lò đó. Nhưng cả hai đều không đưa ra bất kỳ chứng cứ nào.

Ba, chủ nhân của các lò gốm không phải là người Chăm. Đại diện cho ý kiến này là một học giả lớn trong giới Khảo cổ học Việt Nam. Trong bài “Miền trung Việt Nam và văn hóa Chăm - một cái nhìn địa văn hóa”, ông đã viết “bởi vậy cái gọi là Gò Sành với nhiều lò nung (ở Bình Định) mà Tiến sĩ Trịnh Cao Tưởng cho là lò Chàm thế kỷ XIII – XIV  (hình như có mấy học giả Nhật nói theo) là rất đáng ngờ vực. Nhiều nhà gốm sứ học Việt nam như TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Quốc Hùng, TS Quang Văn Cậy, Hồng Kiên … cũng đồng tình với quan điểm này: Người Chăm xưa không đắp lò, gạch/gốm/sứ.

Trong hai quan điểm thì quan điểm thứ nhất xem ra có lý hơn cả (vì những lý do sau).

Tuy nhiên, khi chọn quan điểm thứ nhất, đồng thời cũng đưa ra những giả thiết khác nhau mà một số tác giả nghi ngờ hoặc khẳng định, sau đấy dùng phương pháp loại trừ để lựa chọn một giả thiết hợp lý nhất.

Chủ nhân người Hoa:

Điều này khó có thể xảy ra vì mấy lý do sau:

- Người Hoa đến định cư ở miền Trung Việt Nam vào thế kỷ XVI – XVII. Kết quả điều tra cho thấy, người Hoa mang họ Lý có mặt đầu tiên ở Bình Định không sớm hơn thế kỉ XVII -  XVIII.

- Ở bất kỳ nơi nào có người Hoa cư trú đều để lại dấu tích các công trình xây dựng như chùa Ông, chùa Bà, giếng cổ, cấu trúc dân cư kiểu phố, dấu vết của các kiến trúc nhà cửa như ngói ống, gạch… nhưng quanh các khu lò gốm Bình Định không hề có một di tích, di vật kiến trúc nào gắn với tộc người này.

- Đồ gốm cổ Bình Định hoàn toàn khác với loại gốm nhẹ lửa, có tráng men bên ngoài, loại gốm do người Hoa sản xuất tại các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đồng Nai…

Do đó, nếu chủ nhân của các khu lò gốm này là người Hoa là không có căn cứ lịch sử và khoa học.

Chủ nhân người Việt:

- Theo người Việt đang sống ở khu vực này cho biết, họ không hề nghe cha ông nói đó là di sản của tổ tiên họ mà đó là người Hời hoặc Thời - tên người Việt dùng để chỉ người Champa cổ.

- Hầu hết các trung tâm sản xuất gốm của người Việt đều được ghi trong thư tịch, vậy thì tại sao một trung tâm có quy mô lớn như đã biết ở Bình Định lại không thấy được ghi chép trong lịch sử.

Mặc dầu có nhiều nét tương đồng với gốm Việt Nam, nhưng gốm Champa Bình Định hoàn toàn khác gốm Việt ở tất cả mọi phương diện: xương, dáng, men, họa tiết trang trí, cho đến những vật liệu kiến trúc. Như đã biết, vào thời điểm này gốm hoa lam đang giữ vai trò thống trị các lò gốm phía Bắc, nhưng tại các lò Bình Định gốm đơn sắc lại là phong cách chủ đạo.

Như chúng ta đều biết, năm 1471 khi kinh thành Vijaya bị thất thủ, nếu nhà Lê di dân từ phía Bắc vào ít nhất cũng phải tới thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI người Việt mới có thể định cư một cách ổn định để sản xuất với qui mô lớn. Vậy thì tại sao, những người thợ gốm từ phía Bắc vào lại không mang bất kỳ một dấu ấn nào của đồ gốm quê hương vào vùng đất mới. Và, lý do gì đã khiến người Việt từ thế kỷ XVII trở đi lại không tiếp tục sản xuất nữa.

Với các lý do trên, khó có thể cho rằng chủ nhân của các lò gốm này là của người Việt.

Chủ nhân là người Chăm:

Nếu như chủ nhân các lò gốm Bình Định không thể là người Việt và người Hoa như đã dẫn ở trên, thì chủ nhân đích thực của các khu lò gốm Bình Định không thể là ai khác ngoài cư dân bản địa trước đó - người Chăm.

- Như đã nói, ít nhất từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV vùng đất Vjaya là một vùng đất quan trọng của người Chăm với sự hiện diện của nhiều tòa thành như thành Cha niên đại khoảng thế kỷ VIII – IX. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV nó đã trở thành kinh đô của nhà nước Champa với tòa thành Vijaya hiện hữu. Vì thế với niên đại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV của đồ gốm Bình Định thì cho dù người tạo ra chúng có là ai đi nữa thì cũng có thể nói đó là gốm Champa mà không bị khiên cưỡng.

- Ngoài những tư liệu về dân tộc học, văn hóa dân gian, lịch sử…, đặc biệt tài liệu thu được từ những cuộc khai quật khảo cổ học có thể xem là tư liệu sát thực nhất, trên hai phương diện cấu trúc lò nung và sản phẩm.

Như phần trên đã phân tích, cấu trúc lò gốm Gò Sành, Gò Hời và các lò tương tự ở Bình Định hoàn toàn khác với các lò phía Bắc Việt Nam. Có ý kiến cho rằng chúng thuộc trung gian giữa lò rồng và lò cóc. Ngoài ra, sự khác nhau về loại hình, men và nghệ thuật trang trí cũng có nhiều điểm cần nhấn mạnh.

Về men, Brown đã đưa ra ý kiến cho rằng: Men nâu Bắc Việt Nam thường có màu Socola đậm, còn gốm Bình Định (tiêu biểu là gốm Gò Sành) thường có màu sắc vàng nâu hoặc vàng nhạt.

Về hoa văn trang trí, theo nhận xét của Kerry Nguyen Long, hoa văn chạm “lộng” xuất hiện ở nhiều nơi: gốm thời Nguyên (Trung Quốc 1279-1368) chạm lộng trong khung viền hạt chuỗi nhỏ. Các lò Bắc Việt Nam chạm “lộng” theo kiểu khắc sâu dưới mặt bằng trang trí, chủ yếu là thú, chim hoặc một số con vật huyền thoại, rất hiếm họa tiết bằng hoa lá. Trong khi đó, chạm “lộng” trong gốm Bình Định phổ biến là gốm tráng men, còn Bắc Việt Nam chủ yếu là gốm không men. Mặc dù cả ba nơi đều có kỹ thuật trang trí chạm “lộng” song chúng không có họa tiết nào giống nhau.

Ngoài các sản phẩm dễ gây cho ta sự ngộ nhận, ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, trên thân chiếc bình gốm tráng men còn khắc một dòng chữ Chăm cổ, ngay tại các lò Bình Định cũng đã tìm thấy những sản phẩm gốm mang đặc trưng riêng của người Chăm, văn hóa Chăm: ngói mũi lá và hay nhất là đã tìm thấy một số chi tiết gốm trang trí đất nung mang sắc thái Chăm rất rõ nét, những chi tiết này được sản xuất ra để gắn điểm trang trí trên các vòm cửa mà ngày nay ta vẫn thấy, trong đó một vài hiện vật có khắc chữ Chăm cổ như hai tiêu bản trang trí vòm cửa và mỏ chim thần Garuđa bằng đất nung được tìm thấy trong hố khai quật di tích tháp Bánh Ít, Gò Chùa Phước Lộc. Đây là những sản phẩm được sản xuất tại lò nung Gò Sành, Gò Cây Me.

Tại khu lò Cây Me, trong đống phế thải tìm thấy hiện vật trang trí kiểu hình ngọn lửa hay hình đuôi phượng theo cách gọi dân gian, thu nhỏ, tráng men màu xanh lục, giống với sản phẩm gốm trang trí đất nung, loại hình đã tìm thấy trong hố khai quật khu lò Gò Sành. Ngoài ra, cũng tại khu lò này, còn tìm thấy hai mảnh khuôn in, kiểu hoa văn chạm lộng theo mô típ xoắn, đặc trưng hoa văn ấy là mô típ đã thấy trên một số sản phẩm vò, chóe gốm ở lò Gò Sành, Gò Cây Me và cả trên đồ gốm xuất khẩu tìm thấy trên tàu đắm ở Pandanan Philippines, nhất là trên những lá vàng dát mỏng thuộc kim loại quý đều thấy xuất hiện kiểu hoa văn này, đó là những tư liệu dẫn ra để khẳng định thêm chủ nhân của các lò gốm này là của người Chăm.

Tư liệu tìm thấy trong con tàu đắm Pandanan và một số sưu tập ở nước ngoài khá phong phú, phổ biến loại hoa văn in khuôn hình mặt Kala, tư thế hai tay đang bắt rắn. Theo các nhà nghiên cứu đó là mô típ có nguồn gốc Chăm được sản xuất tại Bình Định. Kala là con vật huyền thoại được người Chăm thể hiện nhiều trên các tượng, cửa tháp mà ngày nay ta có thể nhìn thấy trên vòm cửa tháp Dương Long, Cánh Tiên, Thủ Thiện.… (Bình Định).

Việc phát hịện dòng chữ Chăm cổ viết ngay trên bình gốm, những vật liệu kiến trùng dùng vào trang trí trên vòm cửa các tháp Chăm và hũ gốm bên trong chôn theo các vật tùy táng bằng kim loại quí như bạc,vàng mang phong cách Chăm là những chứng cứ đáng tin cậy để khẳng định thêm về nguồn gốc chủ chân các khu lò gốm Bình Định. Vớùi tất cả những lý do trên, có thể khẳng định về chủ nhân các lò gốm ở Gò Sành, Gò Hời và các lò gốm khác ở Bình Định là của người Champa.

Tất nhiên, những ý kiến trên mới dừng lại ở những kiến giải ban đầu, trên cơ sở những tài liệu có được trong tay, hiện tại rất cần có thêm nhiều tài liệu cũng như nhiều công sức nghiên cứu, làm sáng tỏ vấn đề của các nhà khoa học.

  • Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quyết chiến đấu tới viên đạn cuối cùng  (27/01/2013)
Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ, chuyện giờ mới kể  (25/01/2013)
Chuyện người bắt viên phi công Mỹ cuối cùng  (25/01/2013)
Nữ du kích diệt quân thiện chiến trong Tết Mậu Thân 1968  (23/01/2013)
“Cặp bài trùng” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy  (20/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri: Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”  (18/01/2013)
Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước  (17/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri  (16/01/2013)
Hiệp định Pa-ri – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam  (16/01/2013)
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”  (11/01/2013)
Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ  (09/01/2013)
Quốc hiệu Việt Nam qua góc độ từ Mộc bản triều Nguyễn  (07/01/2013)
Ông Bí thư “nói được là làm được”  (04/01/2013)
Những nẻo đường hòa bình tới Hiệp định Paris  (04/01/2013)
Hà Nội không khuất phục  (03/01/2013)