KỶ NIỆM 5 NĂM NGÀY MẤT CỦA GS.VS VŨ TUYÊN HOÀNG:
Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - nhà bác học lúa
17:30', 4/2/ 2013 (GMT+7)

Vậy mà đã gần 5 năm GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, người “anh cả” của ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, vị Chủ tịch đáng kính của LH các hội KH&KT Việt Nam đi xa. Đến giờ, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự ra đi của ông. Bởi, trước ngày ông mất độ một tuần, tôi có may mắn được ông tiếp chuyện. Ông đã chăm chú nghe tôi trình bầy đề cương hai công trình lớn tôi có ý định viết để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

 

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng (bìa trái)

Đó là công trình Mười thế kỷ Giáo dục và đào tạo Việt Nam (1010 – 2010) và Mười Thế kỷ Y tế Việt Nam. Ông không khỏi băn khoăn khi biết, mỗi công trình dày gần nghìn trang in này tôi làm có một mình và, không có một xu kinh phí nhà nước cấp. Vẫn nhớ, năm 2006, khi ông cầm trên tay cuốn Bách khoa thư Giáo dục và đào tạo Việt Nam tôi tặng, ông đã nói vui “một mình cậu làm bằng cả một viện nghiên cứu”. Không biết có phải vì thế, nên sau khi nghe tôi trình bày ý định viết hai công trình trên, ông tin tưởng và cho nhiều ý kiến hay, nhất là ông động viên tôi cố gắng và dũng cảm để hoàn thành. Được một nhà khoa học vô cùng khả kính, lại là người giỏi cả văn chương, hội họa động viên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tự tin bắt tay vào công việc. Nay, cả hai công trình trên tôi đã hoàn thành, còn ông thì đã đi xa, tôi không còn được “khoe” với ông sản phẩm của mình nữa. Trong buổi nói chuyện cuối cùng với ông đó, ngoài nói về công việc của tôi, ông đã nói với tôi nhiều về cái Tâm và cái Tài của con người, về công việc ở cơ quan mà ông làm Chủ tịch. Sắp tới ngày kỷ niệm 5 năm ngày GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đi xa, ký ức về buổi trò chuyện đó ùa về, tôi xin ghi lại để giới thiệu cùng bạn đọc về những gì mà ông đã tâm sự, và ở nơi suối vàng, mong ông xem đây như một nén tâm hương dâng lên hương hồn ông - GS.VS Vũ Tuyên Hoàng kính mến.

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng nói, từ xa xưa, các cụ ta đã quan tâm đến chữ “Tài”, với nhiều cách cắt nghĩa khác nhau. Chữ “Tài” có thể hiểu theo nghĩa là “tài năng”, “tài chính”. Ông muốn nói về “tài năng”. Nguyễn Du từng viết “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Chữ “Tài” ở đây là tài năng. Như vậy, giá trị của chữ “Tâm”, mang tính nhân văn, nhân đạo hơn rất nhiều so với chữ “Tài”. Một con người muốn có tài năng thực sự phải có chữ Tâm đầu tiên, chữ Tâm biểu hiện qua tư duy, hành động rất khác nhau và rất phong phú. Tâm không chỉ là lòng thương người sâu sắc, rộng rãi mà chữ Tâm còn biểu hiện qua rất nhiều tư duy, hành động khác nhau, là lòng tốt, từ thiện, nhân ái. Chữ Tâm có thể là tâm huyết, tâm tình, tâm trạng cộng lại… Xuất phát từ chữ Tâm, con người dần dần nảy sinh ra tài năng. Do đó Tâm, Tài liên quan hết sức mật thiết với nhau. Bác Hồ nói “người có Tài phải là người có Đức”, “Có tài mà không có Đức thì nhiều khi có hại”. Tâm là cội nguồn của Đức, Tâm và Đức đi đôi với nhau. Chúng ta đào tạo nhân tài sao cho vừa có đức, vừa có tài năng, tôi cho đó chính là một tiêu chí của một người có khả năng cống hiến cho xã hội. Người có Tâm, có đức phải là người ham suy nghĩ, sáng tạo, cống hiến, lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ, biết đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Đối ngược lại không có tâm, là ác độc, hư hỏng, sống không có đạo lý, hủy hoại lẫn nhau, âm mưu, thủ đoạn giành quyền lợi cho mình lên trên quyền lợi chung. Có Tài mà không có Tâm, có đức sẽ làm hại cho xã hội.

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng cho rằng, cái Tâm và cái Tài trong quan niệm cổ nhân xưa trong hoàn cảnh xã hội chưa phát triển và ngày nay trong xã hội hiện đại đều không có gì thay đổi, nó chỉ mang theo những nội dung mới mà thôi. Tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, trong từng xã hội sẽ sản sinh ra những người có Tâm và có Tài. Nếu được trọng dụng, nâng đỡ, họ sẽ phát triển được. Nhưng cũng trong một xã hội, người có Tâm có Tài không được sử dụng, họ sẽ bị mai một dần. Những người có Tâm thường dễ dàng trở thành người có Tài, bởi người ta có đức tính cần cù, bền bỉ, kiên trì chịu khó rèn luyện. Họ không dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn, gian khổ trong học tập và trong cuộc sống, từ đó hun đúc họ thành những tài năng. Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt hiện tượng của tâm trí. Tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó, thế giới hiện tượng xuất hiện. Trong đạo Phật cho rằng “mọi sự đều do Tâm tạo ra”. Hiểu được chữ tâm là gì chính là điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người. Tấm lòng của mình hay tấm lòng của người đời, không phải là chuyện dễ hiểu như chúng ta thường tưởng tượng như vậy. Đừng bao giờ tự nhận rằng mình tự hiểu lòng mình hay lòng người; có ý thức trọn vẹn như vậy mới có khả năng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính tất cả những gì khó khăn và khó hiểu nhất hiện nay. Mỗi khi mình vừa tìm thấy Tâm thì Tâm đã mất đi rồi. Tâm không phải cái mình đạt được trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều bí mật lạ thường là cái Tâm không ở thời gian và không gian mà vẫn bừng sáng liên tục… Nghĩ tốt xấu gì đều do cái Tâm mà ra cả, đặc biệt là đối với những doanh nhân và các nhà khoa học.

Đối với doanh nhân, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng cho rằng, chữ Tâm, chữ Tài phải đồng hành trong suốt quá trình học tập, lập nghiệp, kinh doanh, sản xuất. Cái tâm của doanh nhân không chỉ thể hiện ở việc họ đã dành ra những khoản tiền tài trợ lớn để giúp đỡ, ủng hộ người nghèo, ủng hội đồng bào bão lụt, nạn nhân chất độc màu da cam… mà thể hiện sâu sắc nhất là ở chữ tín, ở làm ăn trung thực, tử tế, không gian dối trong sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Những doanh nhân như thế rất đáng được biểu dương, khích lệ để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp noi theo. Họ phải là người có Tâm, có Tài, miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, biết áp dụng và coi khoa học, kỹ thuật là động lực hàng đầu trong sản xuất kinh doanh, từ đó phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng những thương hiệu và nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm, uy tín chất lượng được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng và bình chọn. Đông viên các doanh nhân phấn đấu vì một môi trường văn hoá kinh doanh lành mạnh, việc làm này rất đáng trân trọng.

Đối với nhà khoa học, cái Tâm thể hiện ở sự trung thực, dũng cảm, có chính kiến. Trung thực, dũng cảm, chính kiến trong nghiên cứu tạo dựng công trình khoa học của mình, tránh đạo văn. Trung thực, dũng cảm, có chính kiến trong tư vấn, phản biện khoa học về một công trình nghiên cứu hay về một dự án kinh tế – xã hội. GS.VS Vũ Tuyên Hoàng nhấn mạnh, sự khách quan, trung thực, có chính kiến là sức mạnh của trí thức. Các nhà khoa học làm mọi điều chỉ vì khoa học, theo một tiêu chí chứ không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Các nhà khoa học đều chân thật, không vụ lợi, làm việc một cách vô tư nhất và ý kiến có tính xác thực cao. Điều đó tạo ra niềm tin của mọi người đối với các nhà khoa học. Ông nói, xưa, các cụ ta có khái niệm về chữ “tiết” hay lắm. Xã hội xưa (cụ thể là Nho giáo) đề cao sự trinh tiết của phụ nữ. Những người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, nuôi con được trân trọng, được vua ban biển đề “Tiết hạnh khả phong”. Nam giới, được cho là bậc quân tử, nhất là những người làm quan, đề cao khí tiết, nghĩa là đề cao chí khí kiên cường trong việc bảo vệ giá trị và danh dự của mình là vô cùng quan trọng. Tài và trí xưa nay các bậc làm quan không thiếu, nhưng khí tiết thì rất hiếm. Trong lịch sử khoa học nhân loại, chúng ta đã biết đến khí tiết của Galile, dù có lên đàn hỏa thiêu, vẫn không thay đổi ý niệm mà mình cho là chân lý. Khí tiết cần lắm đối với một nhà khoa học, đặc biệt là những người làm công tác tư vấn, phản biện và giám sát xã hội.

Từ quan niệm về chữ Tâm, về khí tiết của người làm khoa học, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng nói về công việc tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của LH các hội KH&KT Việt Nam (dưới đây gọi là Liên HH Việt Nam). Đây là một trong ba chức năng của Liên HH Việt Nam (hai chức nữa là: Phổ biến khoa học và đời sống; tập hợp và đoàn kết các nhà khoa học trong và ngoài nước). Ông tâm sự, thực hiện chức năng này, các nhà khoa học dễ động chạm, vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, liên quan tới miếng cơm, manh áo của nhiều người. Công tác tư vấn, phản biện và giám sát xã hội đã được chính Thủ tướng Chính phủ chỉ thị và quyết định cho phép Liên HH Việt Nam được quyền xem xét mọi công việc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó đưa ra những ý kiến tư vấn, đề xuất hướng giải quyết vấn đề cho công việc tốt hơn lên. Những ý kiến đề xuất, kiến nghị của Liên HH Việt Nam sẽ được gửi và báo cáo thẳng lên các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để xem xét, ra quyết định chứ không phải trình qua bất cứ một cơ quan trung gian nào. Đa phần các ý kiến đề xuất, những góp ý của Liên HH Việt Nam đều nhằm một mục đích duy nhất là để công việc tốt hơn lên. Vì thế, những đơn vị, địa phương mà Liên HH Việt Nam gửi ý kiến tư vấn, phản biện tới đều lưu ý và chấp thuận. Nhiều chủ đầu tư, nhiều địa phương đã chủ động mời Liên HH Việt Nam tham gia tư vấn, phản biện và giám sát hoạt động. Rồi, ông kể về những công trình, dự án lớn của đất nước, nhờ có sự tư vấn, phản biện kịp thời của Liên HH Việt Nam, đã mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng vô cùng to lớn. Những vấn đề nổi cộm, những công trình trọng điểm quốc gia Liên HH Việt Nam được Nhà nước giao cho nhiệm vụ tư vấn, phản biện. Ông kể về công trình thuỷ điện Sơn La đang làm bây giờ, ngay từ năm 1999, Liên HH Việt Nam đã tổ chức một hội đồng để giám định phương án xây dựng công trình này. Hồi đó, chúng tôi thấy rằng phương án duy nhất mà bên thiết kế đưa ra không ổn, vì nếu xây dựng một cái đập ở độ cao 264m như phương án ban đầu là rất bất lợi. Ở độ cao đó, nếu chẳng may gặp phải tình huống như động đất chẳng hạn thì đập sẽ dễ dàng nứt vỡ, kéo theo hậu quả không lường. Đó là chưa nói đến vấn đề ở độ cao đó sẽ gây ngập một số tuyến đường chiến lược, sẽ phải di dời nhiều dân hơn…Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất phương án thứ hai cho dự án thuỷ điện Sơn La, đó là giảm độ cao của đập thủy điện xuống ở mức 215m. Ở độ cao này sẽ ổn định hơn, những vấn đề nêu ra trên đều được giải quyết hoặc hạn chế ở mức tối đa mà vẫn đáp ứng được mọi điều kiện của công trình này, năng lượng phát sinh ở độ cao ấy cũng không thấp hơn năng lượng ở độ cao cũ. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã chấp nhận và phương án này đã được Chính phủ chọn thông qua - đó chính là phương án đang được thực hiện bây giờ. Hay như vấn đề Hoàng thành Thăng Long cũng là một vấn đề nổi cộm khi mà di tích này được tình cờ phát hiện ra trong lúc những người thợ đào đất để chuẩn bị xây móng toà nhà Quốc hội sau Hội trường Ba Đình. Nhận thấy vấn đề, chúng tôi lập tức triệu tập các nhà khoa học, sử học và một số bên liên quan họp lại với nhau rồi mới thống nhất đề nghị lên Chính phủ không nên xây nhà Quốc hội và Trung tâm Hội nghị quốc gia tại đó nữa mà nên chuyển sang xây tại một địa điểm khác để bảo tồn thành cổ - một di tích vô cùng quý giá của đất nước. Ý kiến này cũng phù hợp với ý kiến của Hội nghị các nhà khảo cổ học quốc tế tại Việt Nam. Đề xuất này của các nhà khoa học đã được Bộ Chính trị và Chính phủ đồng ý. Nhờ vậy, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã có thêm một Di sản Văn hóa thế giới - Hoàng thành Thăng Long. Còn nhiều công trình trọng điểm quốc gia khác đã được Liên HH Việt Nam tư vấn, phản biện đã và đang được triển khai trong những năm qua.

Ngoài những công việc Nhà nước giao, với chức năng và nhãn quan khoa học của mình, Liên HH Việt Nam còn thường xuyên theo dõi mọi việc đang diễn tiến trong mọi lĩnh vực của xã hội. Nếu việc nào tốt rồi thì Liên HH Việt Nam không can thiệp, còn nếu nhận thấy có việc chưa ổn, chưa hợp lý và đang gây bàn tán, tranh cãi thì Liên HH Việt Nam sẽ tự thẩm định và đề xuất ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền. Có thể kể đến những “vụ” mà Liên HH Việt Nam đã “nhảy vào”, như vấn đề giáo dục đào tạo, vấn đề phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh thành ở Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Nam….hoặc tư vấn về vấn đề nhà ở, vệ sinh trong các khu phố cổ, vấn đề đê điều sông Hồng… Thường là các ý kiến tư vấn của Liên HH Việt Nam đưa ra kịp thời, đúng lúc, giúp “gỡ rối” hoặc “sửa sai”, đều được các bên được tư vấn tiếp thu ngay.

Để có được sự tín nhiệm cao của các đơn vị được tư vấn, phản biện, để Nhà nước “chọn mặt gửi vàng”, những nhà khoa học trong ngôi nhà Liên HH Việt Nam đã mang hết khả năng chuyên môn/chuyên gia của mình, làm việc nghiêm túc, đặc biệt là cương quyết giữ vững bản lĩnh/khí tiết trong bảo vệ quan điểm khoa học, chính kiến xã hội của mình. Rồi, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng say sưa kể về một số “vụ” điển hình mà Liên HH Việt Nam đã triển khai thành công.

Để giải quyết tình trạng nước Hồ Tây bị ô nhiễm nặng, đã có đơn vị đề xuất Dự án thay nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng. Trong bối cảnh có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, rất gay gắt về Dự án này, Liên HH Việt Nam đã vào cuộc. Sau khi đủ dữ kiện, Liên HH Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội không triển khai Dự án trên; đồng thời đưa ra giải pháp giữ nguyên nước Hồ Tây, bởi lẽ đó là môi trường sinh thái cho rong tảo và các loài thuỷ sinh khác sống, tạo nên bản sắc riêng của nước Hồ Tây đã đi vào tiềm thức của người dân Kinh kỳ. Để chống ô nhiễm nước Hồ Tây, Liên HH Việt Nam đưa ra giải pháp ngăn không cho nước thải từ các cống quanh hồ chảy vào hồ, thu gom và xử lý nguồn nước thải đó trước khi cho chảy ra sông Hồng. Ý kiến của Liên HH Việt Nam đã được UBND TP. Hà Nội đồng ý.

Một ví dụ nữa, năm 2004, bên cơ quan thú y đã có chủ trương tiêu huỷ gà trong bán kính 3km tại điểm có dịch theo ý kiến chuyên gia quốc tế. Nhưng nếu làm như vậy thì có tới hơn 80% giống gà ta thuần Việt rất quý như gà Đông Cảo, gà ri,… sẽ bị tiêu diệt trên tổng số 80 triệu con gà trên cả nước. Ai dám chắc là sau dịch chúng ta còn những giống gà quý đó? Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội… không áp dụng cách làm đó, mà làm theo cách là tại điểm có dịch chỉ cần tập trung cách ly gà trong bán kính 3km chứ không dứt khoát cần phải tiêu diệt chúng, đồng thời đề xuất việc các địa phương xung quanh nên chủ động có biện pháp bảo vệ đàn gà tại địa phương mình. Đề nghị đó cũng đã được áp dụng cho tới bây giờ và đã bảo vệ được nhiều giống gà quý của chúng ta. Hoặc việc đường Hồ Chí minh đi qua rừng Quốc gia Cúc Phương cũng gây tranh cãi rất ghê gớm. Chúng tôi đã kiến nghị làm một cái cầu xuyên qua rừng thay vì con đường cắt ngang hai cánh rừng như dự án sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và di chuyển của các loài vật trong rừng. Chiếc cầu này đã được thực hiện và tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn được thông suốt qua rừng Cúc Phương mà không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của khu rừng quý này. Chỉ với một số “vụ” tư vấn, phản biện và giám sát xã hội rất hiệu quả trên đây, đủ thấy Liên HH Việt Nam đã không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Liên HH Việt Nam đã góp phần giảm hoặc tránh sự lãng phí tiền của, tránh những rủi ro về sau của nhiều công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa về lâu về dài.

Như để kết thúc buổi tiếp tôi, GS. VS Vũ Tuyên Hoàng đọc mà như ngâm nga hai câu Kiều của Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài cùng với chữ tai một vần”. Rồi ông nói, dù là có “tài chính” hay “tài năng” mà cứ cậy (ỷ vào ưu thế) mình có tài chính/tài năng thì “tai” là không tránh khỏi đâu. Xưa thế, nay vẫn thế! Cậu cứ ngẫm xem mình nói có đúng không?

Thưa GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, lời ông dạy phải lắm ạ!

. Theo Hoàng Linh/Văn hiến Việt Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tính cách Nguyễn Khắc Viện  (31/01/2013)
Về chủ nhân của gốm Chăm Bình Định  (29/01/2013)
Quyết chiến đấu tới viên đạn cuối cùng  (27/01/2013)
Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ, chuyện giờ mới kể  (25/01/2013)
Chuyện người bắt viên phi công Mỹ cuối cùng  (25/01/2013)
Nữ du kích diệt quân thiện chiến trong Tết Mậu Thân 1968  (23/01/2013)
“Cặp bài trùng” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy  (20/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri: Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”  (18/01/2013)
Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước  (17/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri  (16/01/2013)
Hiệp định Pa-ri – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam  (16/01/2013)
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”  (11/01/2013)
Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ  (09/01/2013)
Quốc hiệu Việt Nam qua góc độ từ Mộc bản triều Nguyễn  (07/01/2013)
Ông Bí thư “nói được là làm được”  (04/01/2013)