Du xuân về núi thiêng Yên Tử
10:46', 7/2/ 2013 (GMT+7)

Mùa xuân là dịp để du khách trong và ngoài nước cùng Tăng, Ni, Phật tử hành hương về Yên Tử trảy hội, du xuân và chiêm bái cảnh Chùa, dự Lễ cầu Phúc, cầu May, mong một năm mới tốt lành và an thịnh.

 

Tọa lạc trên đỉnh Yên Tử là ngôi Chùa Đồng, có độ cao khoảng trên 1.000 m so với mực nước biển.

Vùng núi Yên Tử tỉnh Quảng Ninh trải dài gần 20 km, gồm 2.686,5 ha rừng đặc dụng, có hệ sinh thái đa dạng phong phú của rừng nhiệt đới và Á nhiệt đới. Riêng khu di tích và danh thắng Yên Tử thuộc địa bàn hai xã Phương Đông và Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, có quần thể di tích chùa và am tháp, với 3 chùa chính là chùa Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Đồng.Theo sử sách chép lại, vùng Yên Tử xưa trải qua nhiều tên gọi như: Tượng Sơn, Bạch Vân Sơn, Phù Vân Sơn, Linh Sơn. Danh sơn Yên Tử gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thắng lợi đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và xuất gia về Yên Tử tu hành (1299), lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà để sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm (Tam Tổ gồm: Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông; Đệ Nhị Tổ Pháp Loa; Đệ Tam Tổ Huyền Quang).Với tinh thần nhập thế và yêu nước, giáo lý Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử trở thành nền tảng tư tưởng dựng nước và giữ nước thời Trần, có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo tại Việt Nam.Tương truyền thời đó, rất nhiều cung tần, mỹ nữ trong cung vì khuyên giải nhà Vua trở về không thành đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Thương cảm trước cảnh ngộ, nhà Vua đã cho lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, cũng là tên con suối Giải Oan tại Yên Tử ngày nay.Thông lệ du xuân Yên tử, sau khi Lễ Mẫu, du khách bắt đầu hành trình từ suối Giải Oan với một cây cầu cổ kính bắc qua hai bờ suối, tiếp đến là chùa Hoa Yên (còn có các tên gọi khác là: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên). Tại Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m có hàng cây tùng cổ, tương truyền được trồng từ khi Vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử.

Phía trên, ở độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu nằm ẩn khuất trong trời mây bên triền núi. Cứ thế lên tiếp theo từng cung bậc là một chuỗi các chùa với nhiều dấu tích được sử sách ghi chép lại như Tháp Tổ, chùa An Tự, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên.

Chùa Đồng là nơi dừng chân cao nhất của du khách. Chùa được khởi dựng vào thời hậu Lê với tên gọi "Thiên Trúc Tự". Từ năm 2010 đến 2012, tại khu vực chùa Đồng đã khởi công và khánh thành bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc.

Bức tượng cao hơn 3 m, đài sen hơn 2 m, thân tượng đồng cao 9,9 m, được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2 gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các công trình khác. Theo Ban Tổ chức Lễ hội, đây là bức tượng đồng lớn nhất Đông Nam Á và để đúc bức tượng khổng lồ này, hơn 100 tấn đồng được nhập về từ Australia.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh: “Mọi năm, sáng mùng 10 tháng Giêng mới làm Lễ khai hội, nhưng năm nay, chúng tôi “xin” Phật Hoàng thay đổi một chút, khai hội vào tối mùng 9 (18.2.2013) để kết hợp 2 việc: Gắn khai hội với Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia cấp đặc biệt cho thêm trang trọng”.

Nằm xen kẽ với núi rừng trùng điệp Yên tử còn có nhiều điểm tham quan kỳ thú như khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Được xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà Vua Trần Nhân Tông từng dừng chân trước khi tu hành, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được biết đến như là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. Nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu hủy hoàn toàn, đến năm 2002 thì được phục dựng lại với kiến trúc cổ truyền thống của ngôi chùa Việt.

Theo bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí: Lễ khai mạc Hội Xuân Yên Tử năm Quý Tỵ (2013) được tổ chức tại chùa Trình thay cho sân lễ hội như mọi năm. Ngoài các nghi thức truyền thống, tỉnh Quảng Ninh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh còn làm Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cho Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Đây cũng là sự kiện văn hóa nổi bật của tỉnh Quảng Ninh trong mùa lễ hội Xuân 2013. Dự kiến có khoảng trên 10.000 lượt du khách hành hương về Yên Tử.

. Theo Dân Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ông chủ Đại Nam: Đừng chọn lối sống xa hoa, lấy vật chất làm của  (06/02/2013)
Ông chủ Đại Nam: “Điên mà làm được như tôi thì cũng nên điên”  (05/02/2013)
Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng - nhà bác học lúa  (04/02/2013)
Tính cách Nguyễn Khắc Viện  (31/01/2013)
Về chủ nhân của gốm Chăm Bình Định  (29/01/2013)
Quyết chiến đấu tới viên đạn cuối cùng  (27/01/2013)
Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ, chuyện giờ mới kể  (25/01/2013)
Chuyện người bắt viên phi công Mỹ cuối cùng  (25/01/2013)
Nữ du kích diệt quân thiện chiến trong Tết Mậu Thân 1968  (23/01/2013)
“Cặp bài trùng” Lê Đức Thọ - Xuân Thủy  (20/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri: Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”  (18/01/2013)
Cao Lỗ - Danh tướng đầu tiên trong lịch sử dựng nước  (17/01/2013)
Những cuộc đấu trí ở Pa-ri  (16/01/2013)
Hiệp định Pa-ri – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam  (16/01/2013)
Tạo thế trận hiểm hóc, chủ động “đánh điểm, diệt viện”  (11/01/2013)