Hàng năm, vào dịp hè, tại Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn và các Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên ở các huyện có hàng ngàn trẻ em đến tham gia sinh hoạt, vui chơi và học tập ở các lớp năng khiếu: âm nhạc, hội họa, võ thuật và các câu lạc bộ sở thích như: văn học, ngoại ngữ, cờ vua, công tác Đội... Những hoạt động nói trên đã làm phong phú đời sống tinh thần và hoạt động vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, việc tổ chức sáng tác bài hát cho thiếu nhi, thành lập các câu lạc bộ sở thích về âm nhạc thì chưa được các cơ quan chuyên môn quan tâm.
|
Tốp ca khúc Măng non biểu diễn phục vụ lễ bế mạc Festival thiếu nhi Bình Định năm 2006. Ảnh: La Ánh
|
Trẻ em rất thích ca hát; hoạt động này đối với các em thiếu nhi là một nhu cầu cấp thiết, tự nhiên. Việc giáo dục đạo đức cho các em thông qua lời ca tiếng hát là một hình thức thích hợp và đạt hiệu quả cao hơn các loại hình nghệ thuật khác.
Nhiều bài hát cho thiếu nhi rất hay được phổ biến trong mấy chục năm qua đã góp phần dạy dỗ các em trưởng thành về tâm hồn, về nhân cách và trí tuệ. Tuy nhiên, trong các năm gần đây tình hình sáng tác âm nhạc và phổ biến những tác phẩm hay đã không đáp ứng nhu cầu của đa số trẻ em. Số lượng bài hát dành cho thiếu nhi không nhiều và chất lượng có phần giảm sút.
Trong các lần hội diễn, các hoạt động ca hát của nhà trường, kể cả các lần Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ do Đài PTTH tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xuất hiện rất ít tác phẩm mới, hay của giới sáng tác bài hát thiếu nhi tỉnh Bình Định. Lâu nay, các hội diễn văn nghệ của các trường thường đưa lên sân khấu hoặc là những bài hát đã phổ biến trong nhiều năm qua hoặc là những bài hát do các nhạc sĩ nghiệp dư vừa sáng tác vừa dàn dựng để phục vụ cho một chủ đề nào đó. Có thể, sau các đợt hội diễn thì các sáng tác đó cũng sẽ không được các em tiếp tục ca hát. Một số đông các em đã hát rất nhiều những ca khúc của người lớn, nhất là các em lứa tuổi THPT. Có thể do thiếu các sáng tác mới và thiếu các tác phẩm hay, nên chương trình dạy hát cho thiếu nhi trên sóng Măng non - Đài PTTH tỉnh, duy trì từ nhiều năm nay cũng đã tạm hoãn từ đầu tháng 6 đến nay.
Chất lượng bài hát bao giờ cũng là vấn đề đặt ra đầu tiên. Đối với trẻ em, tốt nhất là những bài hát nói đến những gì gần gũi, thân thiết như: cảnh đẹp của thiên nhiên, quê hương xứ sở, tình cảm đối với ông bà, cha mẹ; mái trường yêu dấu, các thầy cô giáo và bạn bè. Những chủ đề về Tổ quốc, về Đảng quang vinh về Bác Hồ vĩ đại, về những sự kiện chính trị, truyền thống lịch sử đương nhiên là cần thiết, nhưng cần phải chuyển hoá nội dung để phù hợp với khả năng cảm nhận của trẻ.
Thiếu nhi nhìn nhận thế giới xung quanh bằng đôi mắt trẻ thơ, cảm nhận mọi điều từ trái tim non trẻ, cho nên đối với thiếu nhi, chỉ cần sáng tạo những bài hát có giai điệu đẹp, dễ nhớ, dễ hát đề cập đến những tình cảm, sinh hoạt gần gũi với đời sống thường ngày sẽ được các em đón nhận.
Hy vọng, trong thời gian sắp tới phong trào ca hát của thiếu nhi Bình Định sẽ được các cơ quan chuyên môn và các Nhà thiếu nhi, các Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên quan tâm nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ca hát của các em.
|