Để phát triển đất nước, cần có nhiều yếu tố, và có thể khẳng định ngay rằng, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực.
Việt Nam với dân số trẻ cao, luôn quan tâm đến giáo dục và quan điểm “giáo dục suốt đời” ngày càng được chú ý đến. Nhu cầu của người học được Nhà nước, xã hội đáp ứng với việc mở ra những loại hình học tập ngày một đa dạng, phong phú. Hiện nay, hầu hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã có các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Chính từ đây, có hàng triệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp, ra trường, đem những kiến thức, tri thức đã học áp dụng vào công việc, cuộc sống, góp phần làm mạnh hơn, phong phú hơn nguồn nhân lực của nước nhà.
Trên địa bàn tỉnh ta có 2 trường đại học, một số trường cao đẳng và trung cấp. Bên cạnh đó, một số dự án xin thành lập mới và nâng cấp trường cũng đang được tỉnh xem xét, phê duyệt. Đó là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, không ít học sinh, sinh viên Bình Định sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã phải “bôn ba xứ người” để tìm việc làm. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này như: thu nhập thấp, môi trường làm việc không thuận lợi, khó có cơ hội thăng tiến… Trong khi đó, những người có trách nhiệm chưa có giải pháp, hoặc có nhưng chưa khả thi, nên người có trình độ cao, công nhân lành nghề cứ lần lượt ra đi.
Dẫu biết rằng, đó cũng là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhưng bản thân người viết vẫn thấy nhói lòng khi tỉnh nhà vẫn còn chậm trong việc thu hút nhân lực giỏi.
Một năm mới đã bắt đầu. Có lẽ, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều học sinh, sinh viên đang học trong và ngoài tỉnh, những người trẻ đang làm việc ở nhiều lĩnh vực, đều mong có một cuộc gặp gỡ để cùng nhau đề xuất những biện pháp ngõ hầu tạo nên sự đột phá mạnh mẽ trong vấn đề nhân lực, góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
|