Vài năm gần đây, cứ vào dịp “Năm hết Tết đến” là chuyện thưởng Tết cho giáo viên, lại được dư luận bàn tán xôn xao. Người ta không chỉ nói đến trong lúc trà dư tửu hậu mà cả trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, trả lời trên báo chí, một đại diện của Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết: Từ trước tới nay, chưa bao giờ ngân sách có dành phần để thưởng Tết cho ngành giáo dục, do vậy việc thưởng Tết cho giáo viên là do các trường tự lo. Ngành giáo dục không có quy định thưởng Tết vì không có nguồn nào chi cho khoản này. Công đoàn ngành chỉ có thể làm được việc gửi công văn nhắc nhở các địa phương chú ý, quan tâm chăm lo tới cuộc sống của giáo viên khó khăn trong dịp Tết.
Có lẽ chính vì cái sự “bất khả thi” của việc thưởng Tết cho giáo viên nên cách đây hai cái Tết, nhân Tết con trâu 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, đã viết thư ngỏ trên báo chí để kêu gọi các “mạnh thường quân” giúp đỡ, động viên giáo viên trong dịp Tết. Sau bức thư đầy trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục quốc gia, dư luận xã hội được đánh động và không khỏi… “giật mình” về chuyện thưởng Tết của giáo viên.
Hai năm gần đây, từ sau thư ngỏ nói trên, việc chăm lo Tết cho giáo viên đã được quan tâm hơn, nhất là việc hỗ trợ vật chất cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nơi đã khuyến khích, kêu gọi sự ủng hộ từ các Hội cha mẹ học sinh hoặc nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp “mạnh thường quân”… để lo phần quà Tết cho giáo viên, góp phần để họ “có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mồng một Tết” như người đứng đầu ngành giáo dục quốc gia mong mỏi.
Tuy nhiên, vì chủ yếu là vận động hỗ trợ nên việc thưởng Tết cho giáo viên nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng nơi. Thực tế cho thấy nó cũng… cách xa nhau “một trời một vực” như chuyện thưởng Tết của các doanh nghiệp. Ở thành phố lớn, nơi kinh tế phát triển có mặt bằng thu nhập cao, đời sống người dân khá giả thì các trường có thể có nhiều khoản thu, có nguồn lớn để thưởng Tết cho giáo viên hàng triệu đồng; ở các nơi khó khăn hơn thì mức thưởng chỉ vài trăm ngàn đồng, có khi chỉ vài chục ngàn đồng. Còn với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì nhiều nơi giáo viên hầu như không biết đến khái niệm thưởng Tết. Chỉ có những giáo viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình nghèo thì nhận mức hỗ trợ chung của Nhà nước.
Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, việc thưởng Tết cho người lao động là sự ghi nhận nỗ lực đóng góp của họ trong một năm làm việc, đồng thời cũng là sự động viên rất có ý nghĩa. Giáo dục là một ngành đặc thù, được định dạng là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, nhưng cũng không thể lẻ loi nằm ngoài dòng chảy của đời sống xã hội. Tất nhiên chuyện thưởng Tết cũng là như vậy.
Tấm lòng của các tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp cho cái Tết của các thầy cô giáo đỡ đi được phần nào khó khăn rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nó chỉ giải quyết được phần ngọn, còn cái gốc của vấn đề là chính sách của Nhà nước để thu nhập của nhà giáo được xứng đáng với vai trò, công sức họ đã bỏ ra.
Trong khi chờ đợi sự điều chỉnh mang tính tổng thể, có lẽ Nhà nước cần xem xét để có chính sách cụ thể đối với việc thưởng Tết cho giáo viên. Hợp lý nhất là Nhà nước có nguồn ngân sách để thưởng Tết cho giáo viên, để họ cảm thấy ấm lòng hơn, nhiệt huyết hơn với thiên chức mà họ đang thực hiện. Để họ sẽ “để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến Xuân về” như cách nói trong thư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
|