Số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2010 tăng tới 1,98% so với tháng trước đã kéo chỉ số chung của cả năm vọt lên mức 2 con số: 11,75%. Như vậy đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt qua mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra là khoảng 8%.
Riêng CPI tháng 12 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong các loại hàng hóa đưa vào tính chỉ số giá tiêu dùng, với mức tăng từ 0,07 - 3,31%. Dẫn đầu về mức tăng giá mạnh nhất trong tháng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; trong đó, lương thực tăng 4,67%, thực phẩm tăng 3,28%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,86%. Tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,53%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, CPI tháng 12 và cả năm 2010 tăng ngoài dự kiến là do tác động tương hỗ phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Đáng chú ý là do dịch bệnh trên gia súc và gia cầm chưa được khống chế, tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm, thiên tai nặng nề, mặt bằng giá lương thực thế giới tăng cao…
Ngoài ra, chỉ số giá tăng còn do việc sử dụng nguồn vốn đầu tư không hiệu quả kéo theo chính sách tiền tệ phải đáp ứng; giá nguyên vật liệu cơ bản phục vụ tăng trưởng kinh tế như xăng dầu, phôi thép, ximăng, phân hóa học nhập khẩu tăng gần 30% tác động vào giá thị trường trong nước.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải tập trung chỉ đạo, điều hành với trách nhiệm cao nhất nhằm xử lý hiệu quả hơn các vấn đề đang nổi lên, nhất là các biện pháp về kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát. Các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra; tập trung chỉ đạo kiểm soát tình trạng tăng giá bất hợp lý, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Các địa phương phải tăng cường kiểm soát giá, trong đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tích cực đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm.
Giá cả của hàng hóa dịch vụ luôn luôn biến động theo thời gian, tuy nhiên nếu như giá cả thay đổi quá nhanh chóng, nó có thể là một cú sốc đối với nền kinh tế. Còn với tư cách là người tiêu dùng thì có lẽ mọi người đều có chung cảm giác lo ngại vì lạm phát cao sẽ dẫn tới mất giá đồng tiền, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
|