Những ngày gần đây, ở Quy Nhơn cũng như một số thị trấn lớn trong tỉnh xuất hiện những người bán rong các loại sách về bói toán, xem tuổi, xem tướng và nhiều loại xuất bản phẩm “ngoài luồng” khác. Phần lớn các mặt hàng này đều rất nhập nhèm về trách nhiệm biên tập, xuất bản và thuộc vào loại hàng lậu, hàng cấm. Về mặt nội dung thì tất nhiên là thiếu lành mạnh, thậm chí là độc hại nữa. Tuy nhiên chúng lại được rao bán rất công khai và dường như không ai kiểm tra, quản lý.
Hiện trạng nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường sản phẩm văn hóa liên quan mật thiết đến đời sống tinh thần của xã hội. Trong mùa lễ tết cuối năm, thị trường văn hóa phẩm phục vụ nhu cầu của đời sống tinh thần cũng tấp nập các hoạt động mua bán không hề thua kém các hàng hóa khác. Văn hóa phẩm xuất hiện trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, từ băng đĩa, sách báo, lịch, tranh vẽ cho đến phim ảnh, hàng trang trí nghệ thuật… Chính vì vậy mà vấn đề quản lý văn hóa phẩm, đặc biệt là trong dịp chuẩn bị mừng năm mới càng trở nên cần thiết để tránh cho thị trường văn hóa lành mạnh và không bị lệch chuẩn.
Thị trường văn hóa phẩm càng phức tạp khi người ta phát hiện các vụ việc: phát hành truyện tranh nước ngoài mang nhiều hình ảnh không phù hợp với văn hóa dân tộc, thiếu lành mạnh về thẩm mỹ; các chương trình ca nhạc hải ngoại thiếu chọn lọc được in hàng loạt, phát hành công khai tại chợ trời băng đĩa… Tình trạng buông lỏng quản lý đối với sách ngoài luồng, băng đĩa lậu, sao chép không bản quyền, tùy tiện phát hành album trên mạng âm nhạc trực tuyến tràn lan... đã làm cho thị trường lộn xộn và hỗn loạn, đã gióng lên hồi chuông báo động về những “lỗ hổng” trong công tác quản lý văn hóa phẩm.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra những khu vực trọng điểm, thẩm định kỹ lưỡng các loại văn hóa phẩm trước khi cho phép phát hành rộng rãi đến công chúng. Những sản phẩm văn hóa muốn được phổ biến rộng rãi ra công chúng cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn dựa vào luật lệ cụ thể, tiêu chí rõ ràng.
Để ngăn chặn những dòng sản phẩm độc hại mang danh văn hóa, việc phát triển sản xuất kinh doanh văn hóa phẩm lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của công chúng là rất quan trọng. Đồng thời, cần quyết liệt bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại trên thị trường theo tinh thần Nghị định 87/CP, 88/CP, Chỉ thị 814/TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Có như vậy sản phẩm văn hóa đến với công chúng mới đảm bảo có chất lượng cao, có giá trị tư tưởng tốt và mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục và nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng.
|