Nỗi lo ngày tết
21:53', 16/1/ 2011 (GMT+7)

Tết đã đến gần. Nhiều gia đình đã bắt đầu đi mua sắm; ai cũng muốn ba ngày Tết con cái được đủ đầy.

Nhưng bên cạnh niềm vui mua sắm, nhiều người có chung một nỗi lo về chất lượng hàng hóa. Đây đó đã phát hiện những vụ gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái có ở hầu hết các nhóm hàng và đặc biệt nguy hiểm với những mặt hàng tác động trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm, mỹ phẩm...

Tệ nạn này không chỉ làm thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư, cản trở nỗ lực xây dựng một nền sản xuất và kinh doanh lành mạnh, làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

Các nhà quản lý thường cảnh báo: “Hãy làm nhà tiêu dùng thông thái”. Ai chẳng muốn thế nhưng làm được người tiêu dùng “thông thái” đâu có dễ. Đủ các hình thức gian dối, lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi, khiến khó có người tiêu dùng nào đủ khả năng phòng tránh được.

Vì vậy, nếu chỉ cảnh báo không thôi và chỉ kêu gọi suông về đạo đức, lương tâm của người sản xuất, người bán hàng thì gần như không có tác dụng, nhất là khi đạo đức xã hội đang có biểu hiện xuống cấp. Do đó, pháp luật cần có các hình thức xử phạt đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn tình trạng này. Các cơ quan chức năng, nhất là Quản lý thị trường cần tăng cường trách nhiệm, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đã xảy ra những vụ việc xâm hại quyền lợi người tiêu dùng rõ ràng như gian lận xăng dầu, sữa “nghèo đạm”..., nhưng chưa có vụ nào bị đưa ra ánh sáng pháp luật, vì sao?

Để giảm các mối lo cho người tiêu dùng, cần có sự nỗ lực cao độ của các cơ quan chức năng. Trong đó, cần làm minh bạch và lành mạnh môi trường mua bán, để góp phần làm lành mạnh nền kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hợp tác về chuyên môn và hỗ trợ kinh phí để cùng các cơ quan chức năng chống làm giả sản phẩm của chính mình. Về phía người tiêu dùng, không dễ để trở thành người thông thái, nhưng không khó để đòi hỏi, yêu cầu được bảo vệ khi bị xâm hại. Lâu nay nhiều người mua phải hàng giả, hàng nhái ít khi khiếu nại lên cơ quan chức năng vì ngại phiền toái, mất thời gian, thành ra vô tình tiếp tay, dung túng cho tội phạm.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có một quyền lực mạnh mẽ, đó là quyền tẩy chay, không mua sản phẩm khi nhà sản xuất vì lợi nhuận mà gây tổn hại cho xã hội. Ở nhiều nước tiên tiến, người tiêu dùng rất biết cách sử dụng quyền lực đó để buộc các doanh nghiệp phải sửa đổi chính sách, thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội của mình.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tự tin bước tới  (15/01/2011)
Cần “quản” chặt hơn!   (15/01/2011)
Hướng về Đại hội  (12/01/2011)
Nhiệm vụ hàng đầu   (10/01/2011)
Thưởng Tết cho nhà giáo  (08/01/2011)
Họa từ miệng !  (08/01/2011)
Đấu giá biển số đẹp  (06/01/2011)
Nỗi lo nhân lực   (04/01/2011)
Lệch!  (02/01/2011)
Vững tin bước vào năm mới!  (31/12/2010)
Thái quá thành ra…  (30/12/2010)
Chớ để “lờn thuốc”!  (28/12/2010)
Tết cho mọi người, mọi nhà!   (26/12/2010)
Thiết thực & hiệu quả   (24/12/2010)
Nuôi tôm tự phát: hiểm họa khôn lường  (21/12/2010)