Ngày 24.12.2010, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011, thuộc vùng thi đua số 4 với sự tham gia của 10 tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo báo cáo tại hội nghị, tình trạng học sinh bỏ học trong hè tại các khu vực ven biển miền Trung có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, Bình Định có số học sinh bỏ học nhiều nhất với 1.010 học sinh khối THCS, 1.096 học sinh khối THPT.
Cũng theo báo cáo gần đây của Sở GD&ĐT, từ năm học 2005-2006 đến 2007-2008, bình quân hàng năm, toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh tiểu học, THCS và THPT bỏ học, chiếm tỉ lệ khoảng 1,7% tổng số học sinh phổ thông. Chỉ riêng học kỳ I năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 1.533 học sinh THPT bỏ học, chiếm tỉ lệ 2,01% (1.533/76.293 học sinh), cao hơn so với cùng kỳ năm trước (1,58%).
Kết quả phân tích của ngành giáo dục cho thấy, học sinh bỏ học do các nguyên nhân chính: bản thân học sinh lười học, học yếu kém; phụ huynh thiếu quan tâm chăm lo việc học tập của con em, muốn con em nghỉ học sớm để lao động phụ giúp gia đình; một số học sinh nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn…
Mới đây, hiệu trưởng một trường THPT ở phía Bắc tỉnh thật lòng tâm sự với người viết: “Thực tế, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được chữa trị tận gốc. Một bộ phận học sinh bị hổng kiến thức, đạo đức kém, song giáo viên vẫn phải “nhắm mắt” cho các em lên lớp. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS rất cao, nhưng khi lên THPT, nhiều em không theo kịp chương trình nên đâm ra chán nản, dẫn đến bỏ học”.
Những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đề cập đến vấn đề này; tháng 4.2009, Báo Bình Định cũng đã có loạt bài “Ngăn chặn học sinh bỏ học: Lực bất tòng tâm”. Rất nhiều cuộc họp, hội nghị với quy mô khác nhau đã được tổ chức để bàn bạc, đưa ra những giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học. Thế nhưng, những giải pháp ấy dường như vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
|