Tết thầy
21:23', 22/1/ 2011 (GMT+7)

Ngày xưa, trong quy tắc đối nhân xử thế cha ông ta quan niệm có ba người cần được kính trọng nhất trong tâm thức một con người là: vua, thầy học, và cha mẹ đẻ. Ngày nay, chế đô phong kiến đã bị xóa sổ nên không còn vua nữa, nhưng hai đối tượng còn lại vẫn là những người được tôn kính.

Tết là dịp để người ta nhớ ơn, tri ân những người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu dắt ta trong bước đường đời. Đặc biệt là tri ân những người thầy đã có công dìu dắt mỗi người trong học tập có thể từ những chữ cái đầu tiên, cũng có thể là một nghề nào đó để mưu sinh. Vậy nên, sau khi báo đáp, tri ân công lao của nội ngoại, tổ tiên cha mẹ hai bên, mọi người thường nghĩ đến người thầy. Vì thế, người xưa có câu “mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”.

Tết thầy là hành vi văn hóa nên thường đơn giản về vật chất, nhưng về tinh thần thì mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Có người làm ăn phát đạt hoặc đỗ đạt thì biếu thầy quà cáp như một cách cảm ơn. Có người dắt con cháu đến thăm thầy, xin thầy chỉ cho điều hay lẽ phải, cũng là một cách giáo dục thế hệ con cháu biết đối xử cho đúng đạo lý ở đời đạo. Ở một số làng nghề, người ta tri ân tưởng nhớ ông tổ của nghề bằng cách mở hội làng nghề nhằm tái hiện lại một phần truyền thống của nghề, cũng là một cách để con cháu ghi nhớ và lưu truyền nghề nghiệp của ông cha không bị mai một.

Nét đẹp ghi nhớ công ơn thầy từ lâu đã trở thành một truyền thống đạo lý tốt đẹp nhân hậu của người Việt. Thời buổi hiện đại như bây giờ, mỗi dịp Tết đến mọi người có thể gửi một tin nhắn, gọi điện chúc Tết hoặc nhờ dịch vụ chuyển tấm thiệp, bó hoa kèm theo lời chúc chân thành đến người thầy cũ nếu ở nơi xa không thể trực tiếp đến thăm hỏi. Những năm gần đây, các lớp học trò thường tổ chức gặp mặt đầu xuân với các thầy cô đã từng dạy mình từ mấy chục năm về trước, cũng là một cách để ghi nhớ công lao của thầy và để thấy lại tuổi học trò một thời cắp sách của mình, cũng là một sinh hoạt văn hóa rất có ý nghĩa.

Một cái Tết nữa lại về, mong sao thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục phát huy được truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp và nhân văn của phong tục Tết thầy.

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết cho mọi người   (21/01/2011)
Không thể lơ là  (20/01/2011)
Nỗi lo ngày tết  (16/01/2011)
Tự tin bước tới  (15/01/2011)
Cần “quản” chặt hơn!   (15/01/2011)
Hướng về Đại hội  (12/01/2011)
Nhiệm vụ hàng đầu   (10/01/2011)
Thưởng Tết cho nhà giáo  (08/01/2011)
Họa từ miệng !  (08/01/2011)
Đấu giá biển số đẹp  (06/01/2011)
Nỗi lo nhân lực   (04/01/2011)
Lệch!  (02/01/2011)
Vững tin bước vào năm mới!  (31/12/2010)
Thái quá thành ra…  (30/12/2010)
Chớ để “lờn thuốc”!  (28/12/2010)