Cuộc tổng điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn mới ở tỉnh ta, được triển khai thực hiện từ đầu tháng 10.2010 đến nay đã hoàn thành. Theo đó, toàn tỉnh có 66.537 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 17,59%; 38.363 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 10,14%. Các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao là: An Lão (64,14%), Vĩnh Thạnh (61,16%), Vân Canh (58,69%)...
Điều đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận từ bỏ những thành tích đã đạt được trong việc hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo ở những năm qua, nhận lấy trách nhiệm nặng nề hơn trong việc giúp dân thoát nghèo. Những thách thức mới sẽ đến khi hàng vạn hộ bỗng chốc trở thành hộ nghèo, cần được giúp đỡ nhiều mặt, để vươn lên ngang mặt bằng chung.
Trong những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực rất nhiều, nhưng nhìn chung, thành quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc. Số lượng hộ thoát nghèo khá cao, nhưng hầu hết mới qua chuẩn nghèo, rất dễ tái nghèo. Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, tập trung ở các xã nghèo, gây thiệt hại về sản xuất, tài sản, khiến đời sống hộ nghèo càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả vật tư sản xuất, hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo.
Một số chính sách và biện pháp hỗ trợ cho hộ nghèo xem ra vẫn chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Có một thực tế, bên cạnh nhiều hộ nghèo chịu khó, chí thú làm ăn, tận dụng cơ hội thoát nghèo, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo thụ động, ỷ lại và trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó vươn lên. Đồng thời, do trình độ học vấn hạn chế, chưa có kế hoạch tính toán làm ăn, lại không có ý thức tiết kiệm nên cái nghèo cứ lẩn quẩn, không khá lên được.
Các chuyên gia còn cho rằng sở dĩ những năm qua, tỉ lệ người nghèo vẫn cao là do các chương trình, chính sách giảm nghèo của chúng ta còn rời rạc và bị phân mảng. Chúng ta triển khai quá nhiều chương trình giảm nghèo dẫn đến sự chồng chéo giữa các chính sách giảm nghèo; tạo ra một lượng lớn thời gian, tiền bạc cho chi phí giao dịch trong quá trình thực hiện.
Tại cuộc Hội thảo định hướng Xây dựng Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020 do Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ KH&ĐT phối hợp tổ chức cách nay chưa lâu, các đại biểu đã nhấn mạnh đến nguyên tắc thiết kế các chính sách của chương trình giảm nghèo theo hướng khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại; cân đối giữa chính sách hỗ trợ có hoàn lại và chính sách hỗ trợ cho không. Xây dựng hệ thống chính sách bao quát, toàn diện công tác xóa đói giảm nghèo trong cả nước, quan hệ chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược an sinh xã hội đến năm 2020.
|