Đề phòng “giặc lửa”
22:5', 2/10/ 2011 (GMT+7)

Ngày 4.10 là Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy. Ngày này nhắc nhở chúng ta nhiều điều không thể xem nhẹ.

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tuy đã được quan tâm hơn, nhưng tình hình cháy vẫn còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong 8 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 43 vụ cháy, làm bị thương 1 người và thiệt hại tài sản ước tính gần 12 tỉ đồng. Điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 29.5, tại số nhà 416-418 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, làm bị thương 1 người và thiệt hại tài sản ước tính 2 tỉ đồng. Hay như vụ cháy ngày 15.6 tại một cơ sở sửa xe ô tô ở thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, làm thiệt hại tài sản hơn 4 tỉ đồng.

Ở các doanh nghiệp, dù nhiều nơi đã đầu tư cho PCCC nhưng công tác này vẫn còn những bất cập đáng quan tâm. 10 năm qua (2001-2011), tại khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ, đã xảy ra 34 vụ cháy với tổng thiệt hại lên tới 40 tỉ đồng, chưa kể những vụ cháy nhỏ mà doanh nghiệp tự xử lý, không báo cáo. “Giặc phá không bằng nhà cháy”, nhiều nơi “thần lửa” thiêu đốt nhiều tỉ đồng.

Dù đã được cảnh báo, việc phòng ngừa cháy nổ vẫn bị xem thường trong ý thức nhiều người, dẫn đến “giặc lửa” tấn công gây hậu quả khôn lường. Quá trình điều tra, xác định nguyên nhân cháy ở các cơ sở sản xuất thời gian qua, lực lượng chức năng nhận diện được nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Quỹ đất của nhiều doanh nghiệp sản xuất chật hẹp, nên họ thường tận dụng nhà xưởng làm kho lưu giữ, tập kết vật liệu, hàng hóa… vi phạm các quy định về PCCC. Cùng với đó, nhiều loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất trong nhà xưởng được doanh nghiệp trang bị là đồ cũ, không bảo đảm chất lượng, yêu cầu vệ sinh công nghiệp, an toàn cháy nổ. Tại khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ mới chỉ có 27 trong 108 doanh nghiệp đang hoạt động tiến hành thẩm duyệt PCCC.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ còn mang tính hình thức, trang bị phương tiện chữa cháy không đầy đủ, kém chất lượng; người lao động chưa được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC. Vậy nên khi sự cố xảy ra, lửa thường lan nhanh, phương tiện và nhân lực cứu hỏa tại chỗ đều không đủ khả năng dập tắt, phải trông chờ vào lực lượng cứu hỏa của cảnh sát PCCC. Đáng nói hơn, không ít doanh nghiệp lơ là việc đầu tư phương tiện phục vụ PCCC, không quan tâm chuẩn bị phương án, nhân lực, thực tập PCCC đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Một khi tai nạn xảy ra, dư luận lại đặt câu hỏi về người chịu trách nhiệm, yêu cầu xử nghiêm những người gây ra tai nạn. Nhưng khi đó thì đã muộn, điều quan trọng là phải có những giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Doanh nghiệp, người dân chủ quan là nguyên nhân cơ bản, song thẳng thắn đánh giá thì chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng cũng chưa sâu sát trong việc kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong phòng, chống cháy tại các cơ sở. Nếu việc này được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, ngành chức năng chủ động mở đợt cao điểm kiểm tra vào những thời gian dễ xảy ra cháy thì số vụ hỏa hoạn chắc chắn sẽ giảm.

“Nhất thủy, nhì hỏa”, nguy cơ lớn đối với tính mạng con người và tài sản xã hội này vẫn đang bị không ít cơ sở sản xuất và người dân coi nhẹ. Khi hỏa hoạn xảy ra, chỉ trông chờ vào “114” liệu có kịp? 

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chớ có… “phong trào” ?!  (02/10/2011)
Chuyện rượu bia và an toàn giao thông   (30/09/2011)
Hy vọng mới cho văn hóa truyền thống  (29/09/2011)
Chuyện hát quốc ca   (26/09/2011)
Chủ động ứng phó với bão, lũ  (25/09/2011)
Được & Mất  (24/09/2011)
Chuyện trên đường…   (23/09/2011)
Văn hóa ứng xử  (21/09/2011)
Lại chuyện tăng giá viện phí  (20/09/2011)
Luật phải song hành   (17/09/2011)
Chuẩn để… chơi !?  (16/09/2011)
Nghĩ chuyện “lạm thu” đầu năm học  (15/09/2011)
Xây dựng chính quyền điện tử  (11/09/2011)
Mong mỏi & kỳ vọng  (10/09/2011)
Kỹ sư nghề   (09/09/2011)